Công chiếu 'Kungfu phở': Một tô phở đủ ngon để thưởng thức

12/08/2015 11:58 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Phim Kungfu phở (ĐD: Nguyễn Quốc Duy) không xuất sắc như bí kíp “phở lâm” trong kịch bản, nhưng đủ ngon để thực khách chờ đợi, thưởng thức. Nó đã làm được hai điều: Huyền thoại hóa món phở và giúp đạo diễn “báo thù”, bởi trong Cột mốc 23 anh đã thất bại với món thịt chó. Phim được công chiếu toàn quốc từ ngày 12/8/2015.

Nguyễn Quốc Duy từng chia sẻ với Thể thao & Văn hóa: “Tôi hy vọng chất kungfu trong phim sẽ không giống ai và cũng không lai tạp Hong Kong hoặc Thiếu lâm tự”. Dù Kungfu phở phảng phất hương vị của Kungfu Panda và các phim về món mì của Hong Kong trước đây, nhưng nó đã rẽ được lối đi riêng. Bởi: “các chiêu thức đó lại dựa trên các dụng cụ quen thuộc của món phở gia truyền, như đánh nhau bằng cọng phở, phóng đũa, ném tô…” - lời đạo diễn.



Cảnh trong phim Kungfu phở

Giỏi kungfu mới nấu phở ngon

Điểm lý thú đầu tiên của phim này là ở tính xuyên thời gian và quan niệm “không đụng hàng”: Giỏi kungfu mới nấu phở ngon. Chính vì vậy khán giả sẽ không cần biết phim đang diễn ra ở thời đại nào, hiện thực đến đâu, mức độ hợp lý thế nào (thường thấy ở loại phim siêu tưởng - fantastic films). Các màn đấu võ trong Kungfu phở giống như trong phim chưởng và kiếm hiệp thời hiện đại, có pha trộn bối cảnh, trang phục, điệu bộ thời xưa.

Được làm theo công thức quen thuộc của phim võ thuật - có trận đánh mở đầu và trận đánh kết thúc, nhưng Kungfu phở không chỉ đề cập đến điều này, mà nhấn mạnh vào các yếu tố hài hước. Chính hài hước và cách tạo dựng nhân vật hơi lạ thường đã giúp khán giả cảm thấy nhẹ nhàng, vui vẻ...

Nó cũng giúp khỏa lấp được các màn luyện bí kíp “phở lâm” (cách nấu phở), rất dễ bị lặp lại. Tuy nhiên, chính sự hài hước cũng làm thuyên giảm phần nào chất võ thuật mà Kungfu phở có thể đạt đến ở mức độ “nguyên chất” hơn, với “ép phê” mạnh hơn nữa. Những khán giả chỉ mê võ thuật có thể “thất vọng nhẹ”, dù rõ ràng họ thấy võ thuật chỉ là cái cớ để huyền thoại hóa một bí kíp nấu phở mà thôi.

Một điểm độc đáo nữa, đó là việc khán giả “bị lừa” vào việc truy tìm bí kíp phở lâm, nhưng rốt cuộc không có bí kíp như vậy. Cũng như các triết lý về “cái không” của người Đông phương, bí kíp chỉ là một cái tô đựng phở trống rỗng, nơi mà người nấu phải có tâm thành thì mới nhận ra bí kíp đó.

Điều này cũng hoàn toàn đúng với thực tế món phở, nơi yếu tố gia truyền hoặc bí kíp không hề cố định, bất biến, mà tùy thói quen, hoàn cảnh của từng gia đình. Vậy là phim đi từ chuyện muốn nấu phở ngon phải giỏi kungfu đến việc phải có tâm thành để “đạt đạo”.

Phim không báo thù, mà đạo diễn thì có

Kungfu phở kết thúc trong sự hòa hợp vui vẻ của hai sư đồ nổi tiếng là Vũ Gia (Hoàng Phúc thủ vai) và Cồ Gia (Mai Sơn), như không hề có báo thù; nhưng ở góc độ nghề nghiệp của đạo diễn, thì thù đã được báo. Vì anh đã tìm được thị thực để thông hành với nhiều nhà đầu tư, sản xuất. Đầu năm 2012, bộ phim đầu tay Cột mốc 23 ra rạp với nhiều tham vọng, nhưng với khán giả và các nhà đầu tư thì chưa thật sự thuyết phục.

Cũng xin nhắc lại, nhà sản xuất Skyline Media từng muốn giao Kungfu phở cho một đạo diễn khác, nhưng sau phim chào hàng đầu tiên của đạo diễn ấy không mấy thành công, họ phải tìm người thay thế. Nguyễn Quốc Duy được chọn không vì Cột mốc 23, mà vì khả năng làm các phim quảng cáo - anh nổi tiếng với biệt hiệu “người Việt Nam làm phim quảng cáo”.

Trong Kungfu phở, khán giả dễ dàng nhận ra chất quảng cáo này bởi cách tạo tác góc máy đẹp mắt, sáng sủa, cách hòa trộn tốc độ nhanh chậm của phim. Dù không được thuê để làm phim quảng cáo về phở, nhưng chính cách nhìn này đã giúp phở đẹp mắt, thi vị và bí ẩn hơn.

Skyline Media muốn đưa Kungfu phở đi chiếu ở nhiều nước - như điều họ đang làm với Ngủ với hồn ma (ĐD: Bá Vũ); và một trùng hợp, cùng với chả giò, phở là món ăn Việt được thế giới biết đến rất nhiều. Biết đâu sau phim này sẽ có thêm nhiều quán phở Việt ở bên ngoài đất nước.

VĂN BẢY
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm