Công bố bản đồ về Hà Nội năm 1831 - Ngắm toàn cảnh Hà Thành 200 năm trước

25/09/2010 19:18 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Lễ công bố Hoài Đức phủ toàn đồ - tấm bản đồ về Hà Nội năm 1831 đã diễn ra tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam vào sáng qua 24/9/2010. Đây là một tư liệu cổ đặc biệt có giá trị trong việc cung cấp những thông tin về một Hà Nội cách đây gần 200 năm.

>> Nhật ký Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Hoài Đức phủ toàn đồ trước đây vẫn được biết tới như một tấm bản đồ đầu tiên vẽ về Hà Nội bằng nguyên tắc họa đồ cận đại tiếp thu từ phương Tây: có tổ chức đo đạc thực địa cụ thể với phương pháp tiến bộ, có thể hiện tỷ lệ (1/500 trượng) với tính chính xác khá cao. (Trước đó, các tấm bản đồ cổ như Hồng Đức, Đồng Khánh... vẫn sử dụng lối vẽ ước tính cổ truyền và không có tỷ lệ).

Báu vật trong kho tư liệu

Bản đồ được vẽ vào năm 1831 bởi 2 tác giả Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến, trước thời điểm vua Minh Mạng cho nhập phủ Hoài Đức với trấn Sơn Nam để đặt thành tỉnh Hà Nội. Tuy nhiên, bản Hoài Đức phủ toàn đồ mà giới nghiên cứu sử dụng lâu nay vẫn là bản vẽ lại của Trần Huy Bá năm 1956, với toàn bộ phần phiên âm và chú thích đã được chuyển đổi từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ, qua đó gây nhiều băn khoăn tranh cãi về những nội dung được đề cập tới trong bản đồ.


Hoài Đức phủ toàn đồ
Bức bản đồ được công bố vào sáng 24/9/2010 vừa qua là nguyên gốc bằng chữ Hán, nét vẽ đầy đủ, có kích thước 175x190cm và vẽ trên giấy troky bồi vải mộc. Đa phần, các ý kiến tại lễ ra mắt đều cho rằng đây là tấm bản đồ “gốc”, tuy nhiên một số ít ý kiến khác vẫn nghi ngờ rằng đây là bản được can lại vào đầu thế kỷ XX. Nhưng, các chuyên gia sử học và đồ bản đều thống nhất: đây là bản Hoài Đức phủ toàn đồ độc nhất bằng chữ Hán còn lại tại Việt Nam và có giá trị đặc biệt quan trọng.

Theo GS Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội VN, tấm bản đồ trên bất ngờ được tìm thấy vào năm 1998 khi kiểm kê lại tư liệu của Viện. Trước đó, cùng nhiều tư liệu quý của Viện Viễn Đông bác cổ, Hoài Đức phủ bản đồ đã được chuyển về kho bản đồ của Viện KHXHVN và nằm tại đây cùng hơn 1.000 bản đồ các loại, trong đó có hơn 40 bản đồ cổ về Hà Nội. Tuy nhiên, theo thời gian, bản đồ này đã cũ nát, nhiều chỗ bị ố vàng, mất nét do thời gian và nấm mốc xâm thực.

Tấm bản đồ này hiện đang được bảo quản cẩn thận trong khi chờ triển khai các biện pháp tu bổ, bồi vá theo phương pháp tiên tiến để khôi phục lại. Do đó, bản scan của nó được sử dụng trong lễ công bố vào sáng 24/9/ 2010 hôm qua và sau đó tặng lại cho UBND TP.Hà Nội nhân dịp bước vào Đại lễ.

Hồ Gươm vào tận phố Hàng Chuối, đê La Thành còn bao bọc chung quanh

Nhìn bản đồ, người ta có thể thấy rõ một số nét về Hà Nội năm 1831. Theo đó, sử dụng các đơn vị đo lường cổ, diện tích Hà Nội năm 1831 là 28 dặm 77 trượng 4 thước, còn diện tích hồ Tây là 21 dặm 78 trượng.


Hồ Gươm cách đây 200 năm nối đến tận Hàng Chuối ngày nay. Ảnh minh họa
Hà Nội cách đây 170 năm chỉ có 2 huyện là Thọ Xương và Vĩnh Thuận với 13 tổng cùng 247 phường, thôn, trại. Số cửa ô của Hà Nội là 16 cửa ô với những tên gọi như Yên Hoa, Yên Tĩnh, Đông Hà, Mỹ Lộc, Đông Yên...

Ngoài ra, so với thời điểm hiện tại, Hà Nội năm 1831 có một hệ thống hồ đầm rất lớn và phân bố rộng khắp, trong đó nhiều hồ hiện đã mất đi như Đồng Lâm, Hữu Vọng... Phía trước Cột Cờ cũng là một hồ nước lớn, còn hồ Hoàn Kiếm khi đó nối với hồ Tả Vọng và kéo dài tới tận Hàng Chuối bây giờ.

Ngoài ra, không chỉ có các trục đường giao thông chính của nội đô được đo vẽ tỉ mỉ, chính xác, tại bản đồ cũng thể hiện đầy đủ những đường giao thông lớn nhỏ nội phường, liên phường, kèm theo đó là hệ thống bố phòng cũ với các doanh trại khác nhau như Ty Hình Tào, Ty Binh Tào, Ngục Sở, Tả Quân Đồn, Thủy Đồn...

Ông Hoàng Ngọc Sinh, chuyên gia Viện KHXHVN nhận xét: Từ bản đồ, có thể hình dung bức tranh kiến trúc của Hà Nội năm 1831 gồm đê La Thành bao bọc thành Thăng Long cũ, phía ngoài là con hào có nước, các cửa ô là nơi cho phép bên trong bên ngoài thành vận chuyển hàng hóa, vị trí cung điện Hoàng Thành Thăng Long năm 1831 là nơi đóng các doanh trại quân đội như tiền doanh, hậu doanh. GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội cũng khẳng định: Từ bản đồ này và các số liệu địa bạ cũ, chúng ta có thể dựng lại một cách tương đối chính xác diện mạo của một Hà Nội năm 1831.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm