Thủ tướng Libya là người "ngoại đạo"

02/11/2011 10:51 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya (NTC) vừa bầu ông Abdul Raheem al-Keeb, một học giả ít người biết tới, thành Thủ tướng lâm thời nhằm dẫn dắt đất nước hướng tới việc lập ra một hiến pháp mới và tổ chức cuộc bầu cử dân chủ thời "hậu" nội chiến.

>> Toàn cảnh cuộc chiến ở Libya

Báo chí phương Tây cho biết ông Abdul Raheem al-Keeb giành được 26/51 phiếu bầu và vượt qua 4 đối thủ nặng ký khác, gồm cả Idriss Abu Fayed, một nhân vật nổi bật trong lực lượng chống cựu lãnh đạo Muammar Gaddafi và đã từng bị tống giam.

Một người "ngoại đạo" cần thiết

Trong các đối thủ của al-Keeb có cả Bộ trưởng Dầu khí lâm thời Ali Tarhouni, nhân vật được đánh giá rất cao cho chiếc ghế Thủ tướng, nhưng cuối cùng chỉ nhận có 3 phiếu bầu. Điều này cũng phần nào cho thấy khung cảnh chính trị rất khó đoán biết của quốc gia Bắc Phi này.

Lý lịch cá nhân cho thấy cuộc đời của al-Keeb gắn liền với đời sống học viện. Ông có bằng cử nhân ở Tripoli vào năm 1973, tiếp đó tới Mỹ lấy bằng thạc sĩ ở Đại học Nam California vào năm 1976. Ông nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở Đại học bang Bắc Carolina vào năm 1984.

Năm 1985, al-Keeb tham gia đội ngũ cán bộ giảng dạy của Đại học Alabama trong vai trò trợ lý giáo sư, trước khi trở thành giáo sư vào năm 1996, với chuyên ngành giảng dạy là kỹ thuật điện. Bên cạnh đó, ông còn giảng dạy ở Đại học Tripoli, Đại học bang Bắc Carolina, Đại học Sharjah và gần đây là Học viện Dầu lửa của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Ông là người giám sát rất nhiều buổi bảo vệ luận văn thạc sĩ khoa học và luận án tiến sĩ.

Thủ tướng mới được bầu của Libya thời hậu nội chiến,
ông Abdul Raheem al-Keeb

Ngoài công việc giảng dạy, ông còn làm nghiên cứu ở lĩnh vực kỹ thuật điện và năng lượng, là tác giả của rất nhiều bài báo nghiên cứu khoa học. Nhiều công trình nghiên cứu của ông nhận được sự tài trợ của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ, Viện nghiên cứu năng lượng điện (EPRI), Bộ Năng lượng Mỹ và Công ty điện lực Alabama.

Ông cũng xuất bản nhiều bài báo khoa học và nghiên cứu khác nhau. Ông còn làm tư vấn cho nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty điện lực Alabama và Công ty dịch vụ miền Nam.

Cuối cùng, ông còn ngồi vào ghế ban giám đốc của Quỹ Khoa học và Công nghệ Arab, thành viên Ngân hàng Phát triển Hồi giáo, thành viên cao cấp của Viện điện tử và kỹ sư điện (IEEE) và nằm trong ban cố vấn của Tuần báo quốc tế về những cách tân trong hệ thống năng lượng và điện (IJESP).

Có thể thấy các lĩnh vực al-Keeb tham gia hầu như không dính dáng gì tới chính trị. Vì thế việc ông đột ngột được chọn làm Thủ tướng lâm thời đã khiến nhiều người ngạc nhiên. NTC giải thích rằng al-Keeb thực tế có đóng góp khá nhiều tới cuộc nội chiến ở Libya bởi ông là người đã cung cấp khá nhiều tiền bạc giúp lật đổ Gaddafi.

Mansour el-Kikhia, người hiện là trưởng khoa Khoa học Chính trị ở Đại học Texas, đánh giá al-Keeb được chọn bởi ông là một nhân vật "trung lập hơn tất cả các đối thủ".

"Các anh nên biết rằng người tiền nhiệm của Keeb, ông Mahmoud Jibril, là một nhân vật gây tranh cãi và đã gây ra khá nhiều vấn đề. Jibril ủng hộ quan điểm trung thành với bộ tộc, thể hiện qua việc hay lựa chọn các cá nhân từ tộc người Warfalah của ông ta vào các vị trí lãnh đạo. Và điều này dĩ nhiên không được lòng nhiều người Libya khác. Vì thế Jibril phải được thay thế bởi một người có khả năng đoàn kết đất nước" - ông đánh giá.

El-Kikhia cũng chỉ ra rằng al-Keeb là người gốc Tripoli và khu vực này vốn không bị ảnh hưởng bởi vấn đề bộ tộc như các vùng khác ở Tripoli. Cuối cùng trong danh sách 9 nhân vật ganh đua vào ghế Thủ tướng, al-Keeb cũng là con người có nhiều khía cạnh nổi trội nhất.

Những thách thức sau nội chiến

Giới phân tích đánh giá với nguồn tài nguyên dầu lửa và khí đốt khổng lồ, trong khi quy mô dân số nhỏ, Libya có tiềm năng trở thành một quốc gia phồn thịnh. Nhưng các tranh chấp mang tính địa phương cục bộ, vốn bị kìm nén dưới 42 năm ông Muammar Gaddafi cầm quyền, nay có nguy cơ sẽ bung mạnh ra và đẩy cả đất nước vào một cái vòng luẩn quẩn của bạo lực và báo thù.

Những nhà lãnh đạo mới như al-Keeb sẽ phải xử lý ổn thoả vấn đề này, bên cạnh rất nhiều thách thức khác nếu muốn thúc đẩy Libya tiến lên. "Giai đoạn chuyển quyền này có nhiều thách thức riêng. Một trong những thách thức đó là chúng tôi phải hợp tác rất chặt chẽ với NTC và lắng nghe người dân Libya" - al-Keeb nói sau phiên bỏ phiếu bầu ông của NTC.

Ông cũng cam kết sẽ coi các vấn đề liên quan tới nhân quyền là ưu tiên hàng đầu. Chính quyền mới hiện đang bị buộc tội vi phạm nhân quyền, liên quan tới cái chết bí hiểm của ông Gaddafi. Ngoài ra nhiều binh sĩ của NTC bị cáo buộc đã hành quyết tù nhân là lính trung thành với ông Gaddafi. Về điều này, al-Keeb nói rằng Libya cần thời gian để xử lý.

"Tôi muốn nhắc các bạn rằng cuộc cách mạng Libya mới kết thúc gần đây ở Bani Walid, Sirte và tại Tripoli. Chúng tôi xin các bạn, báo giới, hãy cho chúng tôi cơ hội và thời gian để xem xét lại toàn bộ các vấn đề do các bạn nêu ra. Nhưng chúng tôi cam kết rằng mình đang xây dựng một đất nước tôn trọng nhân quyền, chỉ có điều chúng tôi cần thêm thời gian".

Ngoài ra ông còn phải đối đầu với thách thức giải giáp vũ trang ở quốc gia châu Phi, hiện tràn ngập đủ loại súng ống. Ông cũng phải đưa các đạo quân nhỏ lẻ đã tham gia nỗ lực chung giúp hạ bệ ông Gaddafi vào một quân đội chung thống nhất.

Tái thiết

Với nền tảng hiểu biết về kỹ thuật và kinh doanh, al-Keeb cũng được xem là mẫu người lãnh đạo cần thiết để giám sát quá trình tái xây dựng lĩnh vực dầu lửa cực kỳ quan trọng của quốc gia châu Phi, với hoạt động sản xuất đã sụt giảm nghiêm trọng trong nội chiến.

Cuối cùng, ông phải thành lập một chính quyền lâm thời trong vòng 2 tuần, vốn chịu trách nhiệm tổ chức cuộc bầu cử hội đồng quốc gia gồm 200 người trong vòng 8 tháng. Hội đồng này sẽ mất khoảng một năm để thảo ra hiến pháp, trước khi người ta bỏ phiếu bầu Quốc hội, mở đường cho việc thành lập chính phủ dân chủ mới.

Tường Linh (Theo AP)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm