Con trai Gaddafi bị bắt sống: “Lộ mật” về triều đại Gaddafi

21/11/2011 07:12 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Theo sau việc con trai ông Gaddafi là Saif al-Islam bị bắt mới đây, giới phân tích đã đua nhau phỏng đoán về số phận của anh này trong tương lai. Họ cho rằng Saif có nhiều khả năng phải ra toà và đối mặt với những hình phạt cao nhất như án tử hình.

>> Toàn cảnh cuộc chiến ở Libya

Song mặt trái của việc này là Saif sẽ tiết lộ ra nhiều bí mật có thể khiến không ít nhân vật lãnh đạo ở Libya và phương Tây phải bẽ mặt.

Theo báo chí Libya, Saif al-Islam bị bắt ở gần thị trấn Obari, miền tây nam Libya, và đã được đưa đến vùng Zintan ở miền Bắc đất nước.  Saif bị bắt cùng vài trợ lý khi đang cố vượt biên sang Niger.


Saif al-Islam, trông lo lắng và sợ hãi sau khi bị bắt

Thành viên chủ chốt cuối cùng của nhà Gaddafi

Trước đó, hồi tháng 7 năm nay, Saif bị Tòa án hình sự quốc tế (ICC) phát lệnh truy nã vì phạm tội ác chống lại loài người. Anh này là thành viên chủ chốt cuối cùng trong gia đình Gadhafi đã bị bắt hoặc bị giết. Đã có những lo sợ rằng Saif, dưới sự hỗ trợ của bộ tộc Tuareg vốn được hưởng lợi rất nhiều trong thời gian ông Muammar Gaddafi còn cầm quyền, sẽ lẩn trốn trong các ngọn núi ở vùng biên giữa Libya và Niger, Algeria, Mali khiến người ta không thể bắt anh ta được.

Bản thân Saif al-Islam vẫn liên tục tuyên bố sẽ chiến đấu tới hơi thở cuối cùng. Nhưng sau rốt, anh ta bị bắt mà không hề kháng cự. Các bức ảnh chuyển ra từ Libya cho thấy Saif có vẻ lo lắng và sợ hãi. Anh ta thu mình lại sau khi bị bắt giữ. Rõ ràng Saif lo ngại khả năng chịu chung số phận giống như cha đẻ.

Các tổ chức nhân quyền phương Tây, vốn đã chỉ trích mạnh Libya sau cái chết của ông Gaddafi và một số nhân vật lãnh đạo cấp cao, đang yêu cầu Saif phải được đối xử tốt hơn. Đây cũng là phép thử cho thấy trong chính quyền mới của Libya có sự ngự trị của luật pháp hay không.

Giới phân tích nói rằng về mặt ngắn hạn, việc bắt giữ Saif giống như hành động đánh lạc hướng chú ‎của dư luận Libya với vô số vấn đề mà đất nước này đang đối mặt thời hậu chiến.

“Sự kiện có thể tạm thời mang cảm giác tốt đẹp trở lại đường phố, vốn suốt thời gian qua đã chỉ tập trung vào các cuộc xung đột và chia rẽ giữa nhiều nhóm quân sự trong lực lượng chống đối, các tranh cãi liên quan tới tiền lương và lỗi lầm của Hội đồng chuyển quyền quốc gia (NTC)” - Alan Fraser, nhà phân tích khu vực Trung Đông của công tư tư vấn rủi ro AKE đánh giá – “Có điều chắc chắn là việc bắt Saif cũng sẽ mang tới nguy cơ làm mất ổn định tiến trình hoà giải dân tộc hiện nay. Báo chí tập trung quá nhiều chú ‎ý tới vấn đề này và nó sẽ khó có thể mất đi một cách nhanh chóng” 

Xử ở trong nước hay quốc tế?

Hiện chưa ai có thể biết điều gì sẽ xảy ra với Saif. Các nước phương Tây và nhiều tổ chức nhân quyền muốn anh này được ICC xét xử. Tổ chức Ân Xá quốc tế nói rằng việc chuyển Saif cho ICC là lựa chọn tốt nhất lúc này. “Saif phải được bàn giao cho ICC và sự an toàn cùng các quyền lợi của anh ta cần được đảm bảo” - Hassiba Hadj Sahraoui, một quan chức của Ân Xá quốc tế nói với hãng tin Reuters – “Sau những gì xảy ra với Muammar hay Mutassim Gaddafi, chúng tôi xem NTC là nơi phải chịu trách nhiệm ngăn chặn những hành vi tương tự xảy ra với Saif, để anh ta có thể đối diện với công lý cho những tội ác của mình gây ra, trong một phiên toà công bằng không có án tử hình”.

Nhưng các quan chức cao cấp của NTC lại muốn xử Saif ở trong nước, dù họ thiếu một hệ thống pháp lý hoàn chỉnh để làm việc này. Giới phân tích cho rằng có những toan tính chính trị nằm sau quan điểm của NTC. Nếu họ tổ chức một phiên toà cẩn thận, theo đúng chuẩn mực, danh tiếng của NTC sẽ được đánh bóng. Nhưng ngược lại, nếu Saif bị đem ra xét xử trong một phiên toà hỗn loạn, theo sau là một vụ hành quyết chóng vánh, nó sẽ chỉ cho thấy Libya vẫn đang nằm ngoài tầm kiểm soát.

Ngoài ra, rất nhiều người Libya khác cũng muốn Saif được xét xử trong nước, vì họ tin anh ta biết về nơi cất giữ hàng tỉ USD tiền công đã bị chiếm đoạt đưới thời ông Gaddafi. Theo quy định quốc tế, Libya có quyền đưa Saif ra xét xử. ICC chỉ can thiệp nếu quốc gia châu Phi không thể hoặc không sẵn sàng xét xử anh ta.


Và gương mặt vui vẻ, tự tin thời ông Gaddafi còn kiểm soát thủ đô Tripoli

Nguy cơ lộ bí mật

Nhưng cho dù Saif bị xét xử ở đâu, anh ta vẫn có khả năng làm hé lộ nhiều thông tin bí mật gây bẽ mặt giới lãnh đạo quốc tế, gồm hoàng tử Anh Andrew và cựu Thủ tướng Tony Blair.

Được biết hoàng tử Andrew đã nhiều lần viếng thăm Tripoli với vai trò đại sứ thương mại và ông cũng từng tiếp Saif ở điện Buckingham và lâu đài Windsor.

Một nhân vật khác có quan hệ với Saif là Nat Rothschild, ông trùm ngân hàng với nhiều lợi ích kinh doanh ở Libya. Năm 2008, Saif từng là khách mời tới dự một bữa tiệc do Rothschild tổ chức ở New York. Anh này tiếp tục xuất hiện trong một bữa tiệc săn bắn khác do Rothschild tổ chức và còn tới nghỉ ở villa của gia đình ông nằm tại Corfu.

Nhưng nhân vật có quan hệ mật thiết hơn cả với nhà Gaddafi lại chính là cựu Thủ tướng Tony Blair. Có tin nói rằng Blair từng là cố vấn cho Cơ quan đầu tư Libya, một quỹ đầu tư trị giá 40 tỉ bảng do ông Gaddafi lập ra hồi năm 2006. Chính Saif từng nói rằng Blair đã trở thành bạn tốt của gia đình Gaddafi và đã tới viếng thăm Libya vài lần. Thực tế thời gian nắm quyền, Blair là một trong những người cổ súy mạnh nhất cho việc đưa Gaddafi trở lại quan hệ với cộng đồng quốc tế và ông cũng hay tới thăm Tripoli. Hồi năm 2007, Blair đã dùng mối quan hệ tốt với Gaddafi để giúp tập đoàn BP của Anh có được bản hợp đồng khai thác dầu khí trị giá 600 triệu bảng.

Ngoài việc đó ra, Blair còn có những hoạt động gì với nhà Gaddafi, bản chất quan hệ của ông với họ ra sao và ông thu được lợi ích cá nhân gì sẽ là điều dư luận muốn tìm hiểu. Và Saif, người từng được xem là nhân vật sẽ “thừa kế” ông Gaddafi lãnh đạo Libya, hiển nhiên phải nắm rõ những bí mật tầm cỡ ấy. “Saif có thể đã biết quá nhiều bí mật, đủ để làm tổn hại danh tiếng một số người trong NTC và tại phương Tây” – Alan Fraser nói – “Anh ta có thể sẽ thả một con mèo vào giữa đàn chim bồ câu và qua đó cướp đi sự tập trung vào hoạt động khôi phục an ninh và ổn định chính trị của Libya”. 

Tường Linh (tổng hợp)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm