Xót xa phận trẻ thơ có “H”

28/11/2010 11:25 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Trẻ em bị nhiễm HIV (hay những người có “H”) vẫn bị người đời ghẻ lạnh là một thực tế khó tránh. Những em nhỏ ở Trường tiểu học An Nhơn Đông và Trung Lập Hạ (huyện Củ Chi, TP.HCM) là một ví dụ điển hình. Các em vẫn mong ước được đến trường, nhưng sự thật vẫn lắm nỗi xót xa.

Trên con đường rợp bóng cây dắt vào khu chợ cũ lô 6 (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM), Trung tâm Mai Hòa nằm im ắng dưới ánh nắng vàng dịu mát của tiết trời tháng 11. Từ căn phòng nhỏ nằm ở phía sâu trong trung tâm, tiếng “ê a” đọc từng con số của các em hòa vào cơn gió nhẹ bay vào không gian. Cuộc sống của các em vẫn tiếp diễn và nỗi khát khao cháy bỏng được đến trường... chưa bao giờ tắt.

Nỗi khát khao cháy bỏng

Dường như các em còn nhận ra chúng tôi khi bước vào căn phòng nhỏ đó, bé P.T.A. 6 tuổi với đôi mắt đen tròn như hạt nhãn, đôi bàn tay bé bỏng xòe ra phía trước và nở một nụ cười thật tươi tắn với chúng tôi. Rồi em kéo tay chúng tôi ra phía tấm bảng và khoe những con số mà em vừa được mấy sơ dạy: “Đây là số 0 nè chú, số 1, số 2 nè,...”.

Cậu bé P.T.A. chưa kịp đếm tới con số 10, thì một cô bé khác chạy ùa ra khỏi chiếc bàn nhỏ và nói: “Sơ cũng dạy con hát nè, con hát cho chú nghe nha !”. Bé H.K.L. 3 tuổi, mặc chiếc thun xanh bắt đầu uốn lượn đôi bàn tay và cất tiếng hát: “Cháu lên 3, cháu vô mẫu giáo, cô thương cháu vì cháu không khóc nhè, không khóc nhè để mẹ trồng cây trái, ba vào nhà máy, ông bà vui cấy cày... là lá la là là là la la la”. Lời bài hát Cháu lên ba trong trẻo, ngây thơ tràn ngập cả căn phòng nhỏ và dường như đã đem đến cho chúng tôi một thứ xúc cảm khó tả.


Gương mặt ngây thơ trong trẻo của bé HKL 3 tuổi bị “H”

Các em cũng như bao đứa trẻ khác, nét hồn nhiên, ngây thơ trên khuôn mặt, các em rất thích làm duyên trước ống kính máy ảnh. Bé P.T.A. giơ tay chào mỗi khi được chụp ảnh. Em nói: “Con lớn lên, con thích làm chú bộ đội !”. Được biết, em chuẩn bị chuyển sang điều trị với thuốc ARV theo phác đồ 2 và đây là phác đồ cuối cùng trong điều trị cho các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS.

Những dòng suy tưởng cứ loay hoay mãi trong đầu, chúng tôi tự hỏi đã bao giờ em được đến trường mẫu giáo? Và bài hát Cháu lên ba với giọng hát trẻ thơ sao lại làm chúng tôi lắng nghe bằng cảm giác nặng trĩu lòng đến thế? Em này đến Trung tâm Mai Hòa khi còn bế ngửa trên tay và căn bệnh HIV/AIDS đang dày xéo em từng ngày. Một sơ ở trung tâm cho biết: “Sức đề kháng của các em rất kém nên những căn bệnh cơ hội khác luôn xâm nhập vào cơ thể. Một năm có em phải nhập viên 2, 3 lần”.

Cách căn phòng nhỏ không xa, một lớp học đang diễn ra và đây được xem là một phân hiệu của trường tiểu học An Nhơn Đông ngay tại Trung tâm Mai Hòa này. Theo chúng tôi được biết, “đem đến cho các em tri thức” đó là mọi nỗ lực của các cơ quan chức năng có thể làm được ngay lúc này. Thế nhưng cái các em cần không chỉ dừng lại ở đó, không phải một lớp học tách biệt với thế giới bên ngoài. Thực sự nỗi khát khao mà đang “cháy” âm ỉ trong lòng các em đó là nỗi khát khao được hòa nhập với cộng đồng, được đến trường vui chơi với các em bình thường khác.

Cuộc chiến vẫn tiếp diễn

“Ngày tựu trường đầy nước mắt” là câu chuyện buồn mà TT&VH đã thông tin vào năm 2009, cái ngày hàng triệu trẻ em Việt Nam háo hức đến trường thì các trẻ nhiễm HIV/AIDS ở Trung tâm Mai Hòa đã phải ra về vì sự kỳ thị của đa số phụ huynh của những em học sinh bình thường khác. Kể từ sự kiện đau lòng đó, các cơ quan chức năng có tổ chức nhiều cuộc truyền thông về HIV/AIDS nhưng chưa thể chấm dứt lối suy nghĩ kỳ thị những đứa trẻ nhiễm HIV/AIDS của nhiều phụ huynh học sinh.

Đến nay, những đứa trẻ bất hạnh này đã không còn đặt ra những câu hỏi vì sao mình lại không được đến lớp. Các em đã hiểu quá rõ những gì đang diễn ra xung quanh mình nhưng vẫn nuôi cho mình hy vọng “một ngày nào đó, mình sẽ được bước ra và vui chơi với các bạn ở thế giới bên ngoài”.

Vào ngày 23/8/2010 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã công bố cuốn tài liệu Sự thật về trẻ em và HIV/AIDS, cuốn sách đã cung cấp cho độc giả những thông tin có liên quan đến trẻ em và HIV/AIDS nhằm góp phần xóa bỏ các quan niệm sai lầm, giảm đi sự kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Trong cuốn sách có đoạn: “Phòng lây nhiễm HIV không phải là lý do để tách biệt trẻ em nhiễm HIV với những trẻ em khác tại trường học, nơi vui chơi và nơi ở...”.

Cuộc chiến đấu với sự kỳ thị vẫn tiếp diễn... Các em vẫn tiếp tục sống và tiếp tục hi vọng, rằng một ngày sự kỳ thị sẽ không còn. Niềm tin đến một ngày nào đó, cuộc chiến đấu chống lại sự kỳ thị sẽ chấm dứt và chiến thắng sẽ đến với các em.

Sáng ngày 27/11, Hội nghị tổng kết “20 năm TP.HCM đương đầu với đại dịch HIV/AIDS” do Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM tổ chức. Song song đó, hội trại “TP.HCM - 20 năm đương đầu với đại dịch HIV/AIDS” diễn ra tại công viên 30/4 trong 2 ngày 27, 28/11. Hiện, TP.HCM có khoảng 16.000 bệnh nhân HIV/AIDS đang được theo dõi, chăm sóc và điều trị bằng thuốc đặc trị ARV, chiếm 25 % tổng số bệnh nhân HIV/AIDS trên toàn quốc. Số người nhiễm HIV phát hiện hằng năm có giảm nhưng vẫn ở mức cao từ 4.000 - 5.000 trường hợp nhiễm mới được phát hiện mỗi năm.



Ghi chép của Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm