22/02/2023 21:10 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Nuôi dạy con chưa bao giờ là điều dễ dàng.
Con bạn đang sống trong một thế giới mà khi ở độ tuổi của chúng, bạn không thể tưởng tượng ra được. Những cách làm cha mẹ hiệu quả của thế hệ trước sẽ không còn hiệu quả nữa. Bạn không biết điều gì quan trọng với con mình, bạn cũng không thể hiểu những giá trị của chúng. Việc cố gắng áp dụng các kỹ thuật kiểm soát và trừng phạt của cha mẹ truyền thống sẽ chỉ tạo ra những đứa trẻ không hạnh phúc, thậm chí gây tổn hại đến sức khỏe tâm thần của chúng.
Vậy làm thế nào để nuôi dạy nên một đứa trẻ hạnh phúc, trưởng thành khỏe mạnh cả về thể chất và tâm hồn? Có lẽ cuốn sách có cái tên vô cùng ấn tượng "Con mình chẳng lẽ lại "vứt" sẽ phần nào giúp đỡ được các bậc cha mẹ.
Đây là cuốn sách được viết bởi cặp đôi tác giả Cherry Vũ - Tiến sĩ chuyên ngành Quản lý công, Đại học Victoria, Welling, New Zealand; Rob England - Chuyên gia quốc tế, nhà lãnh đạo tư tưởng trong lĩnh vực quản lý tiên tiến và con trai của họ David Nguyễn - sinh viên ngành Thương mại và ngành Tâm lý, Đại học Victoria.
Những gì trong cuốn "Con mình chẳng lẽ lại "vứt" dựa trên chính kinh nghiệm và hiểu biết của chính vợ chồng Cherry - Rob trong quá trình làm cha mẹ. Dưới sự nuôi dạy của cặp đôi, cậu con trai David Nguyễn từ nhỏ đã đạt nhiều thành tích, như việc từ năm 9 tuổi đã có những bài viết được xuất bản, gây tiếng vang ở Việt Nam. Cherry Vũ cho rằng, đây là minh chứng sống động nhất về một thế hệ trẻ tự tin, tự chủ, đầy bản lĩnh và rất nhân văn, là "sản phẩm" có được từ môi trường giáo dục gia đình.
"Con mình chẳng lẽ lại "vứt" có tất cả 5 phần chính: Phần 1 - Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình; Dạy con có động lực và thói quen học; Rèn con thái độ sống đúng; Các vấn đề của tuổi vị thành niên và Để con trưởng thành, cha mẹ cần dũng cảm.
Ở ngay phần đầu tiên, tác giả Cherry Vũ đã gửi đến một lời nhắc nhẹ đến các bậc phụ huynh. Đó là khi con không tài giỏi, không đạt được điều này điều kia như ý cha mẹ mong muốn thì khoan hãy chê trách, cho rằng con kém cỏi, không bằng bạn A, bạn B.
Nếu con cái không phát triển theo hướng chúng ta mong muốn, có lẽ nên xem xét lại cách làm cha mẹ hoặc mong muốn của bản thân. Tương tự như khi làm vườn, nếu cây cối yếu ớt, không phát triển, không ra hoa kết trái thì người làm vườn cần xem lại cách mình chăm sóc cây.
Liệu mình đã tưới nước đủ? Liệu mình đã bón phân đúng cách? Trong giai đoạn trồng trọt có mắc phải sai lầm nào hay không?
Có vô vàn loài cây và mỗi loài cây khác nhau lại đòi hỏi những điều kiện khác nhau về thời gian trồng, lượng nước, ánh nắng, dinh dưỡng, khoảng cách trồng,... Người làm vườn không thể tạo ra bông hoa, cánh hoa, hoặc thân cây; cũng không thể làm cho nó đẹp hơn. Nhưng họ hiểu về môi trường, biết lượng nắng và độ ấm, thích hợp cho mỗi loài cây để giúp chúng nở hoa. Họ biết khi nào cần chăm sóc và để chúng một mình. Là người làm vườn, họ nuôi dưỡng sự sống được đặt trong tay mình.
Việc nuôi dạy một đứa trẻ cũng như vậy. Cha mẹ chính là người làm vườn, con trẻ chính là những loài cây. Có những loài cây khác nhau và có những đứa trẻ khác nhau, độc nhất vô nhị. Chúng ta không thể chăm sóc mọi loài cây như nhau, cũng như không thể áp dụng một công thức nuôi dạy lên mọi đứa trẻ.
Cũng như người làm vườn cần có kiến thức về cây cối để cây có thể ra đơm hoa kết trái thì cha mẹ cũng cần phải có kiến thức nuôi dạy con. Từ đó chúng ta giúp con trẻ trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Và cũng giống như trồng một cái cây, cha mẹ cần phải sự kiên trì với con.
Việc đơm hoa, kết trái không phải ngày một, ngày hai mà cần cả quá trình!
Nhiều bậc cha mẹ thường cho con tham gia các lớp học ngoại khóa, lớp học thêm, bồi dưỡng,... với hy vọng đó sẽ là con đường tắt giúp con nhanh chóng thành công trong học tập, cuộc sống. Tuy nhiên, chằng có con đường nào là "con đường tắt".
David Nguyễn từng đạt giải vô địch một số môn thể thao như cờ vua, bóng bàn, tennis,... nhưng không có nghĩa là cậu sẽ trở thành VĐV chuyên nghiệp của một trong những môn này ở "thì tương lai". Hay việc viết lách từ năm 9 tuổi không có nghĩa cậu sẽ trở thành nhà văn hay cây bút chuyên nghiệp. Nhưng tất cả những điều kể trên giúp David có cuộc sống phong phú, thú vị.
Chính vì vậy Cherry Vũ cho rằng: "Chúng ta cũng từng lớn lên và trải nghiệm rất nhiều thứ từ học hành đến công việc để khám phá bản thân, tìm ra những thứ mình thích, thứ mình có khả năng hoặc phù hợp với bản thân,... Vậy tại sao chúng ta lại muốn tìm con đường tắt cho tương lai của con?".
Lớp học nào, hoạt động ngoại khóa nào là hoàn hảo đối với chúng? Làm sao để biết được điều đó? Không có cách nào cả, chỉ có cách duy nhất là hãy từng bước khám phá cùng con.
Vậy khám phá như nào, đồng hành (nên nhớ là đồng hành, không phải "dắt tay") cùng con ra sao? Làm thế nào để không "nổi điên" với con? Đó là một số vấn đề mà phần sau của cuốn sách đề cập đến. Đặc biệt phần chia sẻ cách "dạy mà không dạy đối với trẻ vị thành viên" của Rob England sẽ khiến nhiều người gật gù đồng tình.
Đó là những lời nhắn nhủ chân thành nhưng cũng đầy hóm hỉnh và cả hơi "trần trụi" mà một ông bố gửi đến con trai của mình. Rằng con à, con không phải biết tất cả mọi thứ, rằng có những khi con hành xử thật ngốc nghếch. Và con à, ngừng suy nghĩ bằng "cái đầu nhỏ" của con. Sự phát triển quá mức về tình dục ở tuổi thiếu niên - thứ sào huyệt vĩnh cửu - sẽ rút cạn máu trong não của con,...
Và con rất nhiều câu chuyện, lời khuyên nhủ khác mà các bậc cha mẹ có thể tham khảo trong quá trình nuôi dạy con cái.
Tên sách: Con mình chẳng lẽ lại "vứt"
Tác giả: Cherry Vũ; Rob England; David Nguyễn
Nhà phát hành: Công ty cổ phần xuất bản và dữ liệu ETS
Đối tượng đọc: Các bậc cha mẹ
Chấm điểm: 8/10
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất