Con mèo trên trang sách

25/01/2023 18:00 GMT+7 | Văn hoá

Vì sao mèo lại được các nhà văn yêu thích đến vậy? Chỉ riêng ở Việt Nam, từ Cái Tết của Mèo Con (Nguyễn Đình Thi, 1961) đến Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ (Nguyễn Nhật Ánh, 2012), cho thấy loài mèo vẫn là loài vật được các bạn nhỏ cũng như nhà văn dành nhiều tình cảm.

Đặt tên cho mèo là vấn đề nan giải; Nó không chỉ là một trong các trò vào kỳ nghỉ của bạn; Lúc đầu bạn có lẽ nghĩ tôi khùng như bác thợ làm nón Khi nói rằng một con mèo phải có BA CÁI TÊN KHÁC NHAU

T. S. Eliot (nhà thơ Anh đoạt giải Nobel 1948) đã viết như thế trong tập thơ nổi tiếng Old Possum's Book of Practical Cats xuất bản năm 1939. Các bài thơ trong tập này là nguồn cảm hứng cho vở nhạc kịch Cats của Andrew Lloyd Webber, một trong những vở nhạc kịch nổi tiếng nhất trong lịch sử.

Eliot không phải là người đầu tiên bị loài mèo quyến rũ. Loài động vật kiêu hãnh, bí ẩn đã xuất hiện từ rất lâu trong đời sống con người. Văn học dân gian đã Việt Nam khai thác sự kình địch giữa mèo và chuột (Con mèo mà trèo cây cau/ Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/ Chú chuột đi chợ đường xa/ Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo). Ở đó, mèo thường xuất hiện như một thế lực đáng sợ, cần phải kiêng dè như trong "Đeo lục lạc cho mèo" hay "Đám cưới chuột".

Con mèo trên trang sách - Ảnh 1.

Tập thơ nổi tiếng “Old Possum's Book of Practical Cats” của T. S. Eliot

Ở Trung Quốc, trong các truyền thuyết gắn với nhân vật Bao Công, vụ án ly kỳ nhất có lẽ là "Ly miêu tráo thái tử". Thời Dân Quốc, nhà văn nổi tiếng là Lão Xá viết tiểu thuyết Miêu thành ký in nhiều kỳ trên báo trước khi xuất bản thành sách năm 1933. Truyện mang hơi hướng viễn tưởng, thuật chuyện một phi hành gia mắc kẹt ở Sao Hỏa và gặp giống người có khuôn mặt mèo. Lão Xá mượn chuyện Sao Hỏa để phê phán tình hình xã hội đương thời.

Độc giả toàn thế giới hẳn chưa quên câu chuyện về Chú Mèo đi hia tinh quái, thông minh trong thế giới cổ tích dị kỳ của anh em nhà Grimm. Sự tinh quái và có phần quỷ dị dường như có trong bộ gen của các nhân vật mèo xuất hiện trong văn học của các tác giả Tây phương. Hình ảnh con mèo chỉ có cái đầu cười nhăn nhở trong Alice ở Xứ thần tiên của nhà văn Anh, Lewis Carroll (1832-1898) hay con mèo ngoại cỡ thích uống vodka trong Nghệ nhân và nàng Margarita của Mikhail Bulgakov (1890-1940), có lẽ là những con mèo ấn tượng nhất trong lịch sử văn học.

Tuy vậy, cái con mèo đen chột mắt, trở về như vị thần phục hận trong truyện ngắn Con mèo đen của Edgar Allan Poe (1809-1849) mới lần nữa khẳng định cái hình ảnh quỷ dị của loài mèo trong văn học.

Hơn một trăm năm sau, nhà văn đồng hương người Mỹ, "ông hoàng truyện kinh dị" Stephen King, đã đẩy xa sự ghê rợn của con mèo cưng từ địa ngục tái sinh trong tiểu thuyết xuất bản năm 1983, Pet Sematary. Đây cũng không phải là lần duy nhất mèo xuất hiện trong các tác phẩm của King.  

Dĩ nhiên, hình tượng mèo trong văn chương không chỉ toàn gắn với sự hắc ám. Chú mèo đội chiếc mũ sọc của Dr. Seuss tuy có phần kỳ quái nhưng lại là nhân vật mang lại tiếng cười trong cuốn sách thiếu nhi Chú mèo đội mũ. Tác phẩm từng được Publishers Weekly xếp thứ 9 trong danh sách những truyện thiếu nhi bán chạy nhất mọi thời đại. Nhưng đó là chú mèo đã được nhân hóa khá nhiều và tách hẳn ra khỏi đồng loại để trở thành sinh vật độc nhất, mang nhiều phép màu.

Khai thác đời sống bí mật của loài vật gần gũi với con người này, nhiều nhà văn đã tự đặt mình vào chúng, để khám phá một đời sống khác ngay bên cạnh đời sống chúng ta, Chuyện con mèo dạy hải âu bay của nhà văn Chile, Luis Sepúlveda là một ví dụ, cũng cần nhắc đến tác phẩm Chuyện con mèo và con chuột bạn thân của nó cũng của Sepúlveda. Một đại diện xứ văn chương khác đến từ đất châu Mỹ Latin, nhà văn Brazil Jorge Amado, cũng sáng tạo cho riêng mình một nhân vật mèo thú vị, độc giả Việt Nam từng say mê Hảo hán nơi trảng cát, đừng bỏ qua Chú mèo Vằn và cô chim én Sin-ha của ông.

        ***

Vì sao mèo lại được các nhà văn yêu thích đến vậy? Nếu tính các loại thú cưng phổ biến nhất thế giới, mèo có lẽ chỉ xếp sau chó. Mèo trở thành một sinh vật thân thuộc trong đời sống thường nhật và được những bạn nhỏ yêu mến. Chỉ riêng ở Việt Nam, từ Cái Tết của Mèo Con (Nguyễn Đình Thi, 1961) đến Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ (Nguyễn Nhật Ánh, 2012), cho thấy loài mèo vẫn là loài vật được các bạn nhỏ cũng như nhà văn dành nhiều tình cảm.

Con mèo trên trang sách - Ảnh 2.

Các bản in cuốn “Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ” của Nguyễn Nhật Ánh

Nhưng có lẽ, không ở đâu như Nhật Bản loài mèo lại có một vị trí đặc biệt và phổ biến. Hình tượng con mèo chiêu tài Maneki Neko đã vượt ra khỏi biên giới đảo quốc này để hoà vào đời sống đương đại ở khắp nơi trên thế giới. Những thị trấn mèo, hòn đảo toàn mèo ở Nhật Bản không chỉ là hiện tượng đơn độc.

Chuyện nàng công chúa đuổi theo chú mèo cưng, từ đó khởi đầu một bi kịch trong Truyện Genji - quốc bảo của văn học Nhật Bản (và có lẽ là cuốn tiểu thuyết hiện đại sớm nhất của nhân loại), được nữ sĩ Murasaki Shikibu viết vào khoảng những năm 1000. Hậu nhân Tsukioka Settei sinh sống ở thế kỷ 18, họa lại chủ đề này trên tranh khắc gỗ.

Nhà văn Nhật Bản đương đại nổi tiếng nhất, Haruki Murakami cũng được độc giả hâm mộ nhớ đến như một trong những nhà văn yêu thích mèo. Trước khi sáng tác chuyên nghiệp, Murakami từng mở một quán bar nhạc jazz tên Peter Cat. Các tác phẩm của Murakami cũng thường xuất hiện mèo. Như trong Kafka bên bờ biển có nhân vật ông lão mang năng lực nói chuyện với mèo và vì thế chuyên đi tìm mèo lạc. Biên niên ký chim vặn dây cót cũng bắt đầu bằng cuộc tìm kiếm chú mèo cưng mất tích. Còn trong 1Q84, nhân vật lạc đến một thị trấn mèo. Haruki Murakami cũng viết tiểu luận về cái chết của cô mèo cưng, On the Death of my Cat, ông yêu cô mèo này đến nỗi thấy cô vẫn rất đẹp kể cả khi chết, ông tưởng tượng rằng nếu đem cô ra dưới ánh nắng, cô sẽ sống lại.  

Tình yêu mèo của Murakami kể ra chẳng là gì so với anh chàng Shōzō trong truyện ngắn "Con mèo, Shōzō và hai người đàn bà" của nhà văn tiền bối Junichiro Tanizaki. Tình yêu, sự ghen tuông của người dành cho người, rốt cục cũng chẳng như nước đổ lá khoai với anh chồng, bởi anh ta đã dồn hết mọi quan tâm cho con mèo.

Nếu tìm một con mèo nổi tiếng trong văn học Nhật, nhiều độc giả sẽ nghĩ ngay đến tiểu thuyết Tôi là con mèo của văn hào Natsume Sōseki (1867 - 1916), dưới đôi mắt (được nhân cách hoá) của con mèo nhà bình thường, một tâm lớp trung lưu Nhật Bản hiện ra đầy châm biếm.

Sang thế kỷ 21, những chú mèo vẫn bước vào trang văn của những văn nhân xứ Phù Tang một cách tự nhiên và tiếp tục tạo ra những hiệu ứng thành công mới. Truyện thiếu nhi Con mèo triệu kiếp của Sanko Yoko, Vị khách mèo của Takashi Hiraide, tiểu thuyết Thế Gian Này Nếu Chẳng Còn Mèo của Kawamura Genki, Chuyện con mèo lập kèo cứu sách của Natsukawa Sosuke… Người viết chỉ tạm liệt kể ở đây những đầu sách bán chạy, để thấy hình tượng mèo trong văn chương hãy còn hấp dẫn. Nếu không có độ hấp dẫn đó, Netflix đã chẳng sản xuất và công chiếu Inside the Mind of a Cat vào năm 2022Hay như John Gray đã viết hẳn một cuốn sách Mèo và triết lý nhân sinh để nói chuyện "mèo đã dạy chúng ta điều gì về cuộc sống".

Nhưng cũng đừng cực đoan như Mark Twain khi nói (đại ý), nếu lai người với mèo, thì sẽ nâng con người lên nhưng hạ giá trị mèo xuống (cũng không lạ vì có lần ông từng đòi cuốc mả và đập đầu nữ sĩ Jane Austen).

      ***

Còn rất nhiều tác phẩm có sự xuất hiện loài mèo (quan trọng lẫn tiểu tiết) mà trong khuôn khổ một bài viết chưa nhắc hết được.

Tết Con Mèo đến nơi, xin trích vài (trong rất nhiều) bài haiku có hình ảnh loài mèo của bậc đại sư thơ ca Kobayashi Issa (1763 - 1828) để khép lại bài viết này.

lục lạc mèo leng keng
trong hoa mẫu đơn
đây đó

con mèo thôn trang
lấy vạt áo Phật
làm gối kê đầu

tung tóe
mèo tắm dưới sông ...
mưa Xuân

Huỳnh Trọng Khang - Xuân Quý Mão 2023

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm