Còn hơn một chuyến đi

04/07/2010 07:26 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH Cuối tuần) - Tôi đã rong ruổi trên nhiều con đường và nhiều nước kể từ khi sang châu Âu công tác cách đây 3 năm, nhưng chưa có chuyến đi nào để lại nhiều cảm xúc như chuyến đi này, sang Nam Phi, cho World Cup. Và trong chuyến đi này, trái bóng chỉ nằm trong một góc hành trình.

Khó tìm đâu một cảm giác nào thú vị như một đêm giữa rừng tìm đường đến nơi nghỉ sau một trận đấu ở World Cup. Với một chiếc máy chỉ đường tậm tịt mà đường thì cứ hun hút về phía trước trong đêm tối không biết đến bao giờ mới tới nơi. Không có bạn đồng hành trên con đường tối, và bóng đen phủ kín hai bên với những rặng cây trông như những bóng ma đợi chờ phục kích. Tôi đã quen đi những con đường như thế trong các chuyến đi ở châu Âu, nhưng châu Phi đem đến một cảm giác khác, vừa phiêu lưu, vừa rùng rợn, vừa đam mê khám phá, lại rất tò mò và muốn đi đến tận cùng của không chỉ con đường, mà còn của cảm giác chính mình. Đêm ấy, chúng tôi ngủ lại ở nơi cách biên giới với Vương quốc Lesotho nhỏ bé chỉ chục cây số và ăn tối trong một tửu quán duy nhất còn mở cửa ở thành phố có tên Ladybrand mà nếu không nhỡ đường, có lẽ tôi sẽ không bao giờ biết đến nó và cũng không bao giờ đặt chân tới đây. Hai cô phục vụ bàn còn trẻ, nói tiếng Anh lưu loát, dễ nghe và kể cho thực khách đủ mọi thứ chuyện vui. Ông chủ to béo lặng lẽ xem ti vi. Trái bóng đang lăn trên đó. Một trận đấu World Cup như bao trận khác. Không khí đậm đặc mùi thuốc lá, mùi bia, tiếng ti vi khe khẽ, tiếng đánh billard ở căn phòng bên cạnh vang tới. Đấy dường như không phải một thành phố tỉnh lẻ Free State ở nơi xa lắc xa lơ của Nam Phi, mà là một thành phố ở nơi nào đó trong sa mạc Nevada của nước Mỹ, trong những cuốn phim của Hollywood. Thanh bình và yên ả, mà nếu không phải đi nữa, chắc tôi sẽ ở lại ít nhất dăm hôm.


Nam Phi là đất nước hết sức xa xôi và ít ỏi về thông tin trong suy nghĩ của tôi trước khi đến đây. Apartheid và Nelson Mandela. Người da đen và kim cương. Sự chênh lệch giàu nghèo, Soweto và những building chọc trời ở Johannesburg. Chấm hết. Không có Ladybrand, những cô phục vụ bàn trẻ, trong đó có một cô có vẻ rất lập dị, thứ thịt bò nướng hơi vội có mùi khét, những con đường dài tít tắp đến tận biên giới Lesotho và những ngọn núi cao chập chùng của dãy Drakensberg chạy dài hàng trăm cây số dưới bầu trời xanh thẳm. World Cup ở đâu cũng giống nhau. EURO cũng thế. Bóng đá dường như chỉ thu gọn trong 5.400 mét vuông mặt cỏ ở những nơi có trận đấu, 9 thành phố với 10 SVĐ cả thảy. Ngoài những sân ấy, sau 90 phút (hoặc có thể hơn nữa, hiệp phụ hoặc đá luân lưu), là một cuộc sống khác mà không nơi nào giống nhau. Ở đấy, con người ta sống, mơ, yêu và đau khổ dưới những mái nhà hoặc sang trọng, hoặc lụp xụp. Những giấc mơ ở các nơi trên thế giới có thể giống nhau. Những khát vọng cũng vậy. Nhưng cuộc sống rất khác. Châu Phi không bao giờ giống với châu Âu, nơi tôi từng có mặt, dù chỉ một lần. Và những con đường cứ đưa tôi cắt ngang những thành phố, những núi đồi, những làng xóm xa xôi như Ladybrand, cắt ngang và làm xáo trộn chút ít cuộc sống của những nhân vật tôi đã gặp trong một hành trình đôi khi hơi lộn xộn bởi cái máy chỉ đường thỉnh thoảng “mắc bệnh” lẩm cẩm.


Nhưng không phải lúc nào sự lẩm cẩm của nó cũng thiếu đáng yêu. Nhờ nó, tôi đã nhìn ở Polokwane người da đen cắt tóc trong những hiệu cắt tóc hệt như ở nước mình những năm 1980 (nhưng một bạn đồng nghiệp ở Nam Phi bảo tôi đừng thử sự mạo hiểm bằng cách đến đấy cắt, vì kéo của họ có thể dính virus HIV); đã nhìn thấy những ngôi nhà lụp xụp và không thể tồi tệ hơn được nữa trong những khu da đen ở Durban, nơi những bà mẹ giặt quần áo ngay trên hè phố, những đứa trẻ cởi truồng chạy lông nhông giữa những vũng nước bẩn kinh người; đã cảm nhận được cái rùng mình chạy khắp người khi nói chuyện với một lái xe đường dài về căn bệnh thế kỷ đeo đuổi và giết chết biết bao đồng nghiệp của anh. Chúng tôi đã đi dọc ngang những con đường lên tận phía Bắc của đất nước, qua những cánh rừng bạch đàn cao vút thẳng tắp, những đồng cỏ mênh mông có đàn trâu gặm cỏ với những cánh quạt gió để lấy nước ngầm cho gia súc, đến nơi có những người dân tộc thiểu số sống trong thời hiện đại, đến những chợ quê nghèo, đến những công viên quốc gia có voi, hươu cao cổ, hà mã, tê giác và hổ báo, đến với thế giới giàu sang của những kẻ lắm tiền, với sòng bạc và những nơi vui chơi giải trí xa hoa. World Cup tồn tại một cách sống động và day dứt trong những chuyến đi ấy. Sống động bởi bóng đá như một trái tim đập rộn ràng trong đó, khi mỗi một nhân vật tôi gặp trong các hoàn cảnh khác nhau ấy nói về bóng đá theo một cách, day dứt bởi trên đất nước của World Cup, có những nơi nghèo đến mức không có điện và ti vi để xem, dù chỉ một trận đấu của giải, và day dứt nữa, là giọng tiếng Anh của một BLV mà tôi đã nghe khá quen trong những chiều ngồi trên xe không thể ra sân hoặc xem trận đấu qua ti vi. Anh luôn khắc khoải một điều gì đó không rõ ràng và cái khoảng lặng của anh sau khi tiếng còi cuối cùng của trọng tài cất lên khi mỗi trận đấu kết thúc trở nên đầy bí hiểm. Không ai biết anh vui hay buồn. Vô cảm như tiếng vuvuzela. Nhưng khi tiếng vuvuzela không còn vang lên nữa, đấy là lúc World Cup kết thúc. Nhiều người ở Nam Phi này không muốn giải đấu chấm dứt và tiếng vuvuzela không vang lên nữa. Tôi cũng thế. Vì còn quá nhiều con đường và những Ladybrand đang chờ phía trước. World Cup và trái bóng lăn chỉ là một phần của cuộc sống quay quanh nó. Ở Nam Phi, tôi đã quen xem người xem bóng đá hơn là chính bóng đá.


Tác giải bài viết
Mokoena, tay trí thức già và nghèo mà tôi vô tình quen được ở khu ổ chuột Soweto, nói rằng, nhờ World Cup mà thế giới chứng kiến một cách rõ rệt nhất mọi mặt của cuộc sống Nam Phi, một cuộc sống không hề dễ dàng và nhiều trăn trở, với những điều chưa hề được giải quyết từ sau chế độ Apartheid. Tôi đã nhìn thấy một phần và được nghe một phần của những gì Mokoena nói qua những chuyến đi đến Soweto, nhưng chắc chắn là chưa thể đủ nếu như không sống cùng họ và hiểu được cuộc sống của những người da đen. Nhưng tôi không có ý định viết một cuốn tiểu thuyết về chuyến đi, mà chỉ ghi lại những gì đã trải nghiệm trên hành trình dài hơn một tháng lang thang trên đất Phi châu. Bây giờ, khi bạn đọc những dòng này, tôi đang đi dọc con đường từ Johannesburg đến Cape Town, thành phố luôn được nhắc đến đầu tiên trong hầu hết những cuốn sách du lịch về Nam Phi. Tôi không đi máy bay, mà chọn tàu hỏa, loại rẻ tiền nhất, chỉ có ghế ngồi, không có giường nằm. Đấy là một chuyến đi dài gần 30 tiếng liên tục. Không có cách nào gần gũi bình dân như thế, và cũng không có cách nào để ngắm Nam Phi qua cửa sổ tuyệt đến thế. Đất nước của World Cup 2010 hiện ra một cách trần trụi qua con tàu đang lướt đi trên những thanh ray. Con tàu sẽ phải dừng lại ở điểm cuối cùng của hành trình. World Cup cũng thế. Nhưng những chuyến đi của tôi vẫn tiếp tục. Sau Nam Phi, sẽ là đâu?

Trương Anh Ngọc
(Đặc phái viên của TTXVN tại World Cup, từ Cape Town)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm