Phụ nữ toàn thế giới cần cảm ơn Nelson Mandela!

09/12/2013 11:00 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela được biết đến trên toàn thế giới với những đóng góp trong việc chống lại nạn phân biệt chủng tộc nhưng ông cũng là nhà lãnh đạo theo đuổi quyền lợi chính đáng cho phụ nữ.

1. Tự do không thể đạt được trừ khi phụ nữ được giải phóng

Nelson Mandela tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Nam Phi vào ngày 10/5/1994

Cựu Tổng thống Nelson Mandela có những bước tiến to lớn trong cuộc chiến chống lại nạn phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên ông cũng sớm nhận ra trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình rằng không thể tạo nên thành công lớn nếu không đấu tranh cho vấn đề bình đẳng giới.

Tại lễ khai mạc quốc hội đầu tiên vào năm 1994, ông Mandela đã tuyên bố "Tự do không thể đạt được trừ khi phụ nữ được giải phóng khỏi mọi hình thức áp bức. Trách nhiệm của chúng ta phải giải phóng phụ nữ khỏi những đạo luật hà khắc vì tương lai của trẻ em".

Đại diện phụ nữ trong Quốc hội Nam Phi đã tăng gấp 10 lần từ con số 2,7% lên tới 27% sau khi có cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên vào năm 1994. Hơn một phần ba số thành viên trong nội các của Cựu Tổng thống Nam Phi, Nelson Mandela là phụ nữ.

Ngày nay phụ nữ chiếm 44% trong số các chính trị gia của đất nước. Mục tiêu của chính phủ Nam Phi hướng tới bình đẳng giới ở mức 50% vào năm 2015.

Một trong những sự bổ nhiệm đáng chú ý nhất đến từ Frene Ginwala. Cô là Chủ tịch Hạ viện Nam Phi kể từ nhiệm kỳ Tổng thống Thab Mbeki cho đến nay.

2. Ngày phụ nữ quốc gia

Bức ảnh Nelson Mandela cùng người vợ đầu tiên, Winnie vào năm 1957

Trong cuốn tự truyện nổi tiếng của Nelson Mandela có tên "Long Walk to Freedom", ông thừa nhận trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid, Liên đoàn Phụ nữ ANC là một trong những tổ chức đóng vai trò quan trọng nhất.

Ngày 9/8/1956, khoảng 20.000 phụ nữ đã diễu hành tại tòa nhà Liên minh ở Pretoria để phản đối điều luật cấm phụ nữ da đen không được xuất hiện ở khu vực đô thị. "Những người phụ nữ với lòng dũng cảm, kiên trì, nhiệt tình, không biết mệt mỏi đã đấu tranh trong một cuộc biểu tình chống chính phủ chưa từng có", ông Mandela viết trong một cuốn sách.

Gần 40 năm sau khi cuộc biểu tình nổ ra, năm 1994, Nelson Mandela đã tuyên bố vinh danh những đóng góp của phụ nữ với việc lấy ngày 9/7 hàng năm làm ngày Phụ nữ quốc gia.

3. Quyền phụ nữ trong hiến pháp

Nelson Mandela trong ngày tuyên bố hiến pháp Nam Phi tháng 12/1996

Đối với Nelson Mandela, dân chủ và vấn đề bình đẳng giới có sự gắn bó mật thiết với nhau. Năm 1995, tại thời điểm soạn thảo hiến pháp Nam Phi, ông Mandela từng nói: "Với những đóng góp của phụ nữ trong việc đấu tranh cho công lý, chúng ta cần phải đánh dấu cột mốc này vào trong những nguyên tắc khẳng định quyền lợi chính đáng của phụ nữ".

Ngày Nhân Quyền Quốc tế vào tháng 12/1996, Mandela đã ký dự thảo hiến pháp xác nhận phụ nữ Nam Phi có cơ sở chính đáng đạt được những quyền lợi như đàn ông.

Hiến Pháp của Nam Phi khẳng định: "Nhà nước không phân biệt đối xử hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp với bất kỳ ai với một hoặc nhiều lý do. Bao gồm chủng tộc, giới tính, tình trạng hôn nhân, màu da, tuổi tác, tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa hay ngôn ngữ của người dân",

Ông Mandela còn kêu gọi thành lập Ủy ban Bình đẳng giới nhằm tạo ra một xã hội tự do, giải thoát người dân khỏi áp bức và tất cả các hình thức bất bình đẳng khác nhau.

4. Công ước của Liên Hợp Quốc

Mandela đại diện cho Nam Phi trong buổi họp tại LHQ năm 1994

Năm 1993, một năm trước khi ông Mandela trở thành vị Tổng thống do người dân Nam Phi bầu chọn lần đầu tiên, Nam Phi đã ký Công ước Liên Hợp Quốc chống lại mọi hình thức phân biệt đỗi xử với phụ nữ.

Hai năm sau đó, Nam Phi đã phê chuẩn hiệp ước này khi Nelson Mandela đã trở thành Tổng thống. Thường được gọi là luật pháp quốc về quyền lợi của phụ nữ. Công ước đã chấm dứt tất cả các hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Công ước này hiện vẫn còn chưa được Mỹ phê chuẩn.

5. Nói lên "tiếng nói" của phụ nữ

Nelson Mandela trong ngày lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 89 năm 2007

Năm 1996, Nelson Mandela đã đưa ra bài phát biểu nhân ngày phụ nữ Nam Phi, kêu gọi bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực tình dục đối với phụ nữ. Với những thách thức còn ở phía trước, ông Mandela nhận xét: "Nếu phụ nữ còn bị ràng buộc bởi đói nghèo và bạo lực, quyền con người sẽ không được đáp ứng đầy đủ".

"Những suy nghĩ lạc hậu cản trở vai trò của phụ nữ trong xã hội. Các quốc gia từ chối nhìn nhận vai trò bình đẳng giới sẽ không thể hướng đến sự thành công".

Trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông đã đưa ra những giải pháp sinh đẻ hoàn toàn miễn phí trước và sau khi sinh cho các bà mẹ trong hệ thống y tế Nam Phi. Ông cũng là người đưa ra dự luật chăm sóc sức khỏe miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Dù có niềm tin vững chắc trong việc thúc đẩy quyền lợi của phụ nữ, ngày nay đất nước Nam Phi vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc bảo vệ người phụ nữ. Trong những năm qua, Mandela thường bày tỏ sự thất vọng đối với cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng cho phụ nũ.

 Tuy Nelson Mandela đã vĩnh viễn ra đi nhưng ông vẫn sẽ là nguồn cảm hứng để hướng tới sự công bằng xã hội không chỉ ở Nam Phi mà còn trên toàn thế giới.

Nguyễn Hồng Đăng
Theo CNN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm