Con gái không cần học nhiều?

28/10/2008 22:10 GMT+7 | Thế giới

- Tôi đã bảo với cô rồi mà cô có chịu nghe đâu. Suốt ngày vẽ vào đầu nó bao nhiêu ảo tưởng để bây giờ đến nước này đây. Cô liệu mà đi kiếm nó về, không thì chết đói nơi nào không biết đấy...

- Nó là con của một mình tôi đẻ ra à, cũng chính vì ông không xem con gái ra gì nên mới xảy ra cơ sự. Giờ ông còn đổ lỗi tại tôi. Biết thế này tôi chẳng sinh chúng ra làm gì để chúng phải khổ như thế. Thử hỏi có người cha nào như ông không?

Từ sáng đến giờ, tiếng quát tháo của anh Thông, tiếng khóc thút thít, than thân trách phận của chị Ngọc cứ ầm ĩ. Nguyên nhân là Hằng - đứa con gái đầu của họ đã bỏ nhà đi. Nghe bà mẹ chồng chị Ngọc kể lại thì con bé đi từ mấy ngày hôm nay nhưng cả nhà không ai hay biết vì nó bảo đến nhà người bạn chơi mấy hôm. Biết con gái buồn vì chuyện không được đi học tiếp nên chị Ngọc đồng ý cho con đi chơi cho khuây khoả. Ai ngờ nó đi được ba hôm thì đứa em phát hiện ra bức thư nó để lại dưới gối. Trong thư nó viết sẽ không từ bỏ giấc mơ được vào đại học. Nó sẽ đến trường nhập học và tự đi làm để trang trải cuộc sống của mình. Bố mẹ không phải lo lắng gì cả. Nó còn bảo mượn tạm đôi hoa tai của mẹ để nộp học phí kỳ học đầu tiên còn tiền tàu xe nó lấy tiền tiết kiệm.

Chị Ngọc không lạ gì tính của đứa con gái đầu. Từ nhỏ cho đến lớn, Hằng là đứa con gái mạnh mẽ nhất. Nhà có sáu đứa con thì đến năm đứa đầu là gái. Anh Thông còn mang nặng tư tưởng trọng nam. Mặc dù xã T phạt hết lần này đến lần khác nhưng anh vẫn bắt chị Ngọc phải đẻ lúc nào ra thằng cu mới thôi. Nếu chị Ngọc không đẻ tiếp thì anh sẽ đi kiếm ngoài. Kinh tế khó khăn, mấy đứa con gái sinh ra đứa nào cũng nheo nhóc. Nhìn cảnh hai vợ chồng anh chị suốt ngày lam lũ chạy cho đủ bảy miệng ăn và giấc mơ có thằng con trai nối dõi, ai cũng cám cảnh thay. Được cái mấy đứa con gái biết thân biết phận, đứa nào cũng chăm chỉ học hành đỡ đần bố mẹ. Hằng luôn là đứa nghiêm khắc nhất với các em. Từ ngày biết rõ bố chỉ muốn có em trai, nó luôn miệng nhắc nhở mấy đứa em gái không được làm bố giận. Trong chuyện học hành, Hằng cũng luôn nhắc nhở các em tự giác. Quả thật ai cũng phải thầm công nhận mấy đứa con gái nhà chị chẳng ai kèm cặp đến nơi đến chốn thế mà đứa nào cũng học khá. Nhất là Hằng, năm nào cũng đạt học sinh giỏi. Thiên hạ thì khen thế nhưng anh Thông mỗi lần nghe thấy đều thở dài bảo "học giỏi đến mấy thì vài năm nữa lấy chồng về nhà người ta là hết. Mình có được nhờ vả gì chúng đâu".

- Con bé nuôi chí học đại học từ lâu. Bắt đầu từ năm lên lớp 10, nó nhận việc đun rượu và chăm bầy lợn nái hộ tôi. Cứ mỗi lứa lợn bán nó đều xin tôi một ít bảo để tiết kiệm để mua sách học. Thấy công nó đổ vào bầy lợn cũng nhiều nên tôi giấu giếm cho nó một ít. Sau này tôi mới biết tiền đó nó không dùng mua sách mới để học mà để dành. Năm nào nó cũng lần tìm mấy đứa học lớp trên mượn hoặc xin lại sách giáo khoa cũ để học. Ngày nó làm hồ sơ đăng ký thi có hỏi bố mẹ. Tôi thì chẳng biết gì bảo tuỳ con, bố nó quát ầm ĩ bảo học đến đấy được rồi. Con gái cần gì học cao, đằng nào mà chẳng lấy chồng rồi về nhà người ta. Thấy bố kiên quyết không cho học lên, nó âm thầm làm hồ sơ rồi giấu bố mẹ đi thi. Đến lúc nhận được giấy báo đỗ trường Đại học Sư phạm Huế và trường Cao đẳng giao thông, nó lại một lần nữa xin bố cho đi học. Chồng tôi vẫn không cho, thế mới dẫn đến cơ sự nó bỏ nhà đi.

- Sao cháu học được mà anh Thông lại không cho cháu học tiếp?

- Trăm sự cũng vì cái thằng con trai. Ông ấy nói tiền cho mấy đứa con gái học đại học để dành sau này ông đầu tư cho thằng con trai. Con trai học cao sau này còn làm rạng danh cho bố mẹ và dòng tộc, phát triển nòi giống. Chứ con gái học cao chẳng để làm gì. Mấy đứa con gái cứ cho chúng học hết lớp 12 là được. Đứa nào thích đi làm công nhân thì cho đi, đứa nào không thích ở nhà mấy năm phụ với bố mẹ rồi lấy chồng là xong trách nhiệm.

Một tuần trôi qua, chị Ngọc như ngồi trên đống lửa trong khi đó anh Thông vẫn bình chân như vại. Anh luôn mồm bảo trước sau gì nó cũng về, từng ấy tuổi làm gì ra tiền mà học. Không chịu nổi lý sự cùn của chồng, chị Ngọc vay mượn người thân ít tiền rồi mua vé xe vào Huế tìm con. Theo sự mách bảo của mấy sinh viên cùng xã đang học trong ấy, chị đến trường và dò hỏi lịch nhập học của khoá mới. Sau 10 ngày, chị trở về phờ phạc khóc thút thít, bảo gặp được con rồi nhưng nó vẫn không chịu về. Trước sau như một nó xin chị cho nó được học, nó sẽ theo bạn đi dạy thêm, rủa bát ở các nhà hàng để lấy tiền ăn học. Thấy con quyết chí học, chị thương con đứt ruột. Nằm với con trong căn phòng trọ tồi tàn, chị vắt óc tính toán lại số tiền làm ra hàng tháng để xem có thể chu cấp thêm cho con được bao nhiêu. Tính đi tính lại, chị bảo với con chỉ có thể cho nó mỗi tháng ba trăm ngàn đồng. Nó bảo chừng đó là tốt rồi và bảo chị về nhà cố gắng thuyết phục bố cho nó được toại nguyện việc học hành. Trên đường trở ra, chị không khỏi dằn vặt, số tiền đó chưa đủ tiền học phí của con mỗi tháng, còn tiền ăn, tiền ở... nó phải lăn lộn để kiếm thêm.

* Ăn mày cũng phải đầu tư cho con trai đến cùng.

Việc đứa con gái đầu tự ý bỏ nhà để theo đuổi giấc mơ học đại học dường như không làm anh Thông bận lòng bằng việc sang năm thằng cu Tý vào lớp 1. Nhà anh năm đứa con gái kia có thể học hành thế nào cũng được chứ đứa con trai thì anh nhất định không được lơ là. Mặc dù chị Ngọc bảo sang năm cứ cho nó vào học trường của xã như các chị. Cả năm đứa đều học ở đấy và đều học khá, cũng thi đỗ vào đại học được, cần gì phải chạy vào trường chuyên, trường điểm làm gì cho tốn kém, học lại xa nhà. Anh Thông gạt đi bảo mấy đứa con gái gặp may, cứ học kiểu thả cỏ như thế được đến đâu hay đến đấy. Bây giờ học càng ngày càng khó, phải vào trường điểm học tử tế ngay từ đầu để nắm chắc cái suất đại học sau này. Chị Ngọc cũng không quên nhắc nhở chồng về thu nhập thực tế của gia đình. Ngoài khoản lo cho đủ ăn hàng ngày, tiền học cho các con và cả cái khoản cho đứa con gái đầu học ở Huế thì chẳng kiếm đâu ra để theo trường điểm. Gạt đi sự lo lắng của vợ, anh Thông bảo có phải đi ăn mày thì cũng phải đầu tư cho thằng con trai đến nơi đến chốn. Thế là anh dò hỏi cách chạy chọt, nhịn ăn nhịn uống, cắt cả phần mua sắm cho mấy đứa con gái để dành tiền đầu tư cho thằng con trai.

Sự phân biệt con trai con gái rõ ràng của anh Thông khiến cho mấy đứa con gái cảm thấy tủi thân. Thêm vào đó là sự cưng chiều thái quá của bố dành cho đứa em trai càng làm cho nó lên mặt với các chị. Từ nhỏ đến lớn, nó luôn đặt mình lên trên tất cả mọi người, muốn gì được nấy. Thậm chí có những đòi hỏi vô lý của nó mà chị nào không đáp ứng được nó điều mách bố và sẵn sàng "ăn không nói có" để bố trừng phạt chị. Bị không ít những trận đòn oan, mấy đứa con gái trở nên xa cách với bố và đâm ra thù ghét đứa em trai. Có đứa nhiều lần sang kể với hàng xóm rằng ước gì chúng không có đứa em trai kia. Chẳng biết anh Thông có nghĩ được cái ngày anh bị chính những đứa con gái của mình căm ghét chỉ vì cách đối xử không công bằng giữa con trai và con gái. Và trên hết bản thân anh cũng đang vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình mà không hề hay biết.
 
Theo ĐSGĐ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm