Mua bán, sang nhượng và… “sống thử”

06/09/2011 10:41 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Người ta đã quen với việc mua suất chơi, làm bóng đá theo kiểu đi tắt đón đầu từ lâu rồi; cũng chẳng lạ việc thay đổi phiên hiệu, hô biến và nhập khẩu một cái tên…, nhưng đúng là chuyện “sống thử”, góp gạo thổi cơm chung thì xưa nay hiếm. Bóng đá VN đúng là chẳng có chuyện gì là không thể.

Từ Cảng Sài Gòn, chuyển thành TMN.CSG và bây giờ là CLB TP.HCM, đội bóng giàu truyền thống bậc nhất VN đã 2 lần thay đổi phiên hiệu, để rồi bây giờ phải lay lắt ở giải hạng Nhất. Nhưng, TP.HCM có lẽ chỉ là một ngoại lệ hiếm hoi, mà người trong cuộc phải chịu thiệt thòi. Rất nhiều các cuộc mua bán, sang nhượng có thể cho đội bóng một tương lai sáng lạn. QK4 chuyển thành N.SG hay HP.V&V với SG.XT… là những ví dụ. Cả 2 đều được chuyển hộ khẩu về TP.HCM.

ĐT.LA (phải) rớt hạng chỉ vì ông bầu không còn bơm tiền như thời mới làm bóng đá. Ảnh: Quang Nhựt

Sự thật là V.NB bây giờ đúng có gốc gác từ… CATP.HCM. Sau khi đội bóng thuộc ngành công an giải thể, phiên hiệu được chuyển thành Ngân hàng Đông Á-Thép Pomina, rồi Đông Á TP.HCM, nhưng cũng chỉ 2 năm sau, sau scandal 2005, đội bóng được bán cho Đồng Tâm Group (với tên gọi là SĐT.LA). Năm 2007, bầu Trường ở đất Ninh Bình tiếp tục làm một vụ áp phe ngoạn mục, khi bỏ ra độ chục tỷ đồng để mua lại suất chơi hạng Nhất của SĐT.LA và biến thành V.NB.

Bầu Thắng của ĐT.LA khẳng định sẽ làm lại từ giải hạng Nhất, nhưng có thể thấy nó khá nửa vời, nếu chịu khó tìm hiểu các hoạt động kinh doanh khác của Đồng Tâm Group thời gian gần đây. Bóng đá VN cấp CLB vẫn ăn bám doanh nghiệp. Thế nên, khi các ông chủ doanh nghiệp đã thực sự ngán ngẩm thứ bóng đá chuyên nghiệp kiểu VN thì điều đó thực sự rất đáng suy ngẫm ở tầm vĩ mô chứ không phải là chuyện nói chơi. Sau những động thái của HP.HN, sẽ là ai nữa?

Một cuộc điều tra không chính thức cho thấy, nếu lợi nhuận của doanh nghiệp chỉ dừng ở mức vài trăm tỷ/năm thì đừng nói chuyện làm bóng đá. Bóng đá nói thì đơn giản, nhưng để đầu tư cho địa hạt này, bắt buộc phải là doanh nghiệp cỡ bự. Ở VN, “anh hùng” vì thế có mấy tay?!

Mảnh đất Nam Định không thiếu “đại gia” thành công trên mọi miền Tổ quốc, nhưng họ lại rất dè xẻn trong việc rót tiền đầu tư cho bóng đá quê hương cũng một phần vì những phức tạp của môn thể thao vua.

Các ông chủ khi chủ động đến, chủ động se duyên, thì họ cũng có thể chủ động chia tay. Có thể thấy ngay được những thiệt thòi của đội ngũ những người làm thuê trong bóng đá (từ ông trưởng đoàn, đến ông GĐĐH, HLV và các cầu thủ…), trong trường hợp doanh nghiệp lần lượt chủ động rút lui, không đầu tư cho bóng đá nữa. Thế nên một bộ phận những người trong nghề hiểu chuyện vẫn rỉ tai nhau về những e ngại, bóng đá VN có thể sẽ trở lại “thời kỳ đồ đá” trong tương lai gần.

TÙY PHONG

Lịch sử bóng đá VN cấp CLB khoảng 10 năm đổ lại (cũng là thời điểm mở đầu của bóng đá doanh nghiệp – PV) có không ít những trường hợp mất tích, với lý do không chỉ mỗi chuyện cơ chế (như các đội bóng ngành công an hay quân đội). Bài học của 2 đội bóng từng chơi hạng Nhất, trước khi phải nhận vé xuống hạng và giải thế luôn là Sài Gòn United hay Đá Mỹ Nghệ Sài Gòn vẫn còn sờ sờ ra đấy. Ông chủ của Hải An Group (Cty Hải An, đơn vị trước kia sở hữu Sài Gòn United) đã bị cơ quan điều tra khởi tố vì tội lừa đảo cách đây vài tháng; trong khi, không ai rõ ông bầu Vạn của Đá Mỹ Nghệ Sài Gòn (tiền thân là Đá Mỹ Nghệ Vạn Chinh) đã làm gì để tiêu tan một đội bóng có lịch sử hẳn hoi.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm