Có thể bạn chưa biết: Trận cờ vua giữa hai thế giới

26/03/2023 19:00 GMT+7 | Văn hoá

Cựu vô địch cờ vua người Mỹ Bobby Fischer đã qua đời từ lâu, và kỷ niệm được nhắc đến nhiều nhất về ông là trận đấu với Boris Spassky (Liên Xô) năm 1972 ở Reykjavik, thủ đô Iceland. Trong ngôn ngữ thiên về cường điệu của báo chí, trận đấu ấy được Mỹ coi là sự tiếp nối của Chiến tranh Lạnh với phương tiện khác!

Channel 13, kênh truyền hình nhà nước của Hoa Kỳ, từng đạt được số lượng khán giả kỷ lục trong lịch sử của mình - không phải vì truyền trận bóng chày nào đó, vốn là môn thể thao vua ở Mỹ, mà với loạt phóng sự buổi chiều tháng 7 năm 1972: người ta đếm được hơn một triệu khán giả phát sốt phát rét theo dõi vẻn vẹn hai nhân vật, hai người này thậm chí ngồi gần như bất động - họ chơi cờ vua!

Kỷ lục hi hữu

Không chỉ trước các màn ảnh nhỏ, mà theo các phóng viên túa ra khắp các quán bar của thành phố New York thì chỉ có 3 nhà hàng bật kênh truyền trận đấu bóng chày của New York Mets, trong khi khán giả 18 quán bar để nguội vại bia vì chăm chú theo dõi cờ vua. 

Chưa hết: tháng này cũng là đỉnh điểm của cuộc vận động tranh cử của tổng thống đương nhiệm Richard Nixon và đối thủ cực gắt là George McGovern. Khi Channel 13 dừng truyền trận đấu để đưa báo cáo về đại hội Đảng Dân chủ, lập tức có hàng trăm cuộc điện thoại của các khán giả phẫn nộ gọi đến, thậm chí có người doạ vác súng đến "xử lý" nhà đài nếu không quay lại trận cờ vua giữa Fischer và Spassky ngay lập tức.

Chậm hơn và ít máu me hơn người Mỹ, nhưng đài BBC cũng nhanh chóng thiết lập một chương trình cờ vua hàng tuần, được hàng triệu người theo dõi.

Tại Geneva, trong mọi giờ giải lao ở một hội nghị về cứu trợ thiên tai, các nhà ngoại giao không có chủ đề nào khác ngoài các nước cờ vừa diễn ra trông mấy phút cuối. Cờ vua cũng xuất hiện trên trang nhất của mấy tờ báo ít tên tuổi như nhật trình Bangladesh Observer hoặc tờ Al-Ahram của Ai Cập. Ở đất Argentina, nó thống trị trang nhất của tờ báo Clarín ở Buenos Aires hai tháng liền và chỉ chịu lu mờ bởi một vụ thảm sát tù nhân chính trị.

Tại sao sinh ra cơn sốt cờ vua toàn cầu này? Trong khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam đang đi vào phần kết kịch tính và thường là nội dung nóng nhất của truyền thông! Chỉ sáu tháng trước đó, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) trong báo cáo thường niên đã gọi năm 1971 là "năm bản lề" - giống như năm 1947 sau Thế chiến 2 đánh dấu giai đoạn mới của thế giới. Và đúng thế, chỉ một năm sau IISS tuyên bố Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nhà sử học Samuel Huntington nói một cách văn vẻ: "Bầu trời đông nghịt phi cơ chở các nhà ngoại giao bay đến những cuộc đàm phán, và bầu không khí tươi lành của giải trừ vũ khí đem lại nhiều hứa hẹn".

Có thể bạn chưa biết: Trận cờ vua giữa hai thế giới  - Ảnh 1.

Fischer và Spassky trong một giải đấu hồi thập niên 1960, những cuộc đụng độ như vậy luôn được coi là sự cạnh tranh giữa hai hệ thống

Áp đảo cả mặt trận truyền thông

Vào thời điểm đó, Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đang triển khai hoạt động ngoại giao con thoi không ngừng nghỉ của mình. Nixon thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước mang tính bước ngoặt tới Bắc Kinh, và vào tháng 5 cùng năm, ông được Leonid Brezhnev tiếp. Nhưng tờ báo Anh The Guardian lại mô tả cuộc đàm đạo thượng đỉnh này với dòng chữ đậm: "Đưa được Nixon và Brezhnev lại với nhau chỉ là trò trẻ con so với cuộc đấu cờ vua đỉnh cao giữa Fischer và Spassky".

Cái giọng hồ hởi cường điệu của nhà bình luận người Anh không có vẻ bất hợp lý. Bởi vì cơn sốt cờ vua lan rộng trên toàn thế giới đến từ một giải đấu duy nhất được tổ chức tại Reykjavík trong hai tháng mùa Hè năm 1972. Các ván đấu giữa đại kiện tướng Boris Spasski và đối thủ Bobby Fischer đã viết nên lịch sử cờ vua - và vẫn còn hấp dẫn cho đến tận ngày nay.

Ở một bên của bàn cờ là người Mỹ Fischer, bên đối diện là đương kim vô địch thế giới Spassky người Liên Xô. Đột nhiên quốc tịch của hai phe khiến cờ vua trở thành một vũ khí, một phép quy chiếu xem hệ thống nào vượt trội hơn hệ thống kia.

Kể từ khi Thế chiến kết thúc, nhà vô địch cờ vua thế giới luôn là một công dân Liên Xô. Theo đại kiện tướng cờ vua Mark Taimanov, "công tác tuyên truyền dựa trên ba trụ cột chính: cờ vua, xiếc và ballet. Trong cả ba lĩnh vực, Liên Xô đã cho thấy họ vượt xa phương Tây".

Theo ý đó, Fisher và Spassky là chiến binh trong Chiến tranh Lạnh (thực tế đã không còn tồn tại). Và ở Reykjavik (thủ đô Iceland), phương Tây đã chiến thắng.

Fischer, một kẻ lập dị trong làng cờ vua, qua cách hành xử kỳ quái của mình đã gây ra một cuộc chiến cân não. Giải cờ này về sau được thuật lại chi tiết trong sách của bộ đôi tác giả David Edmonds và John Eidinow với những tính từ ít ngọt ngào khi miêu tả Fischer: tâm lý phức tạp, loạn thần kinh, hưng cảm bệnh hoạn.

Newsweek mô tả Fischer là "sự pha trộn hỗn loạn giữa kiêu ngạo, non nớt, hoang tưởng và nhạy cảm quá độ". Bản thân người Mỹ cũng chẳng ưa "đại diện" của mình. Một độc giả Mỹ viết đến tờ Washington Post: Fischer là "người Mỹ duy nhất có thể làm cho mọi người Mỹ đứng về phía người Nga".

Có thể bạn chưa biết: Trận cờ vua giữa hai thế giới  - Ảnh 2.

Bị bắt ở sân bay Tokio vì hộ chiếu Mỹ mất giá trị, Fischer ngồi tù mấy tháng, cho đến khi được Iceland tặng cho cuốn hộ chiếu Iceland như “món quà sinh nhật thứ 62” để di cư qua đó cho đến cuối đời

Hai đối thủ phức tạp

Tuy nhiên, không chỉ Fischer mà cả Spasski đều không phải là những nhân vật tiêu biểu được lựa chọn.

Spassky sinh ra ở Leningrad năm 1937, không hề là công dân kiểu mẫu. Ông ta không coi mình là công dân Liên Xô, mà dứt khoát nhấn mạnh là một người Nga và tự hào xuất thân từ một gia đình linh mục. Hết lần này đến lần khác, ông ta khiến các quan chức của Liên đoàn cờ vua Liên Xô khó xử vì tỏ ra không quan tâm đến chính trị.

Nhưng người ta nhắm mắt bỏ qua, vì trong thập niên 1960, ông là một trong những kỳ thủ giỏi nhất thế giới và thực tế là nhà vô địch thế giới từ năm 1969. Năm 1972, ông ngồi đối diện với Bobby Fischer ba lần một tuần trong hội trường đa năng ở trung tâm Reykjavík. Ông cũng ít nhiều bị cuốn vào cái thường được gọi là "nỗi kinh hãi trước Fischer". Cũng phải nói thêm là ông đã chuẩn bị vào giải đấu một cách tự mãn và chủ quan.

Thiên tài cờ vua người New York Fischer thì khi đó mới 29 tuổi, thường nhốt mình trong phòng để phát triển các chiến lược trong tiếng nhạc rock chói tai, thực hiện những nước đi khiêu khích cực kỳ đơn giản, đơn giản đến mức không ai tin là khả thi - và điều đó gần như đã làm nên thành công của Fischer và đẩy đối thủ vào thế tuyệt vọng.

Ai thi đấu với Fischer thường mất bình tĩnh. Họ luống cuống, đổ mồ hôi đầm đìa, phạm những sai lầm ngớ ngẩn. Một số người còn đoán rằng Fischer biết thôi miên đối thủ, làm suy yếu khả năng của họ bằng một sức mạnh quỷ quyệt, không thể giải thích được.

Thực tế là trong các cuộc thi kéo dài, các đối thủ của Fischer hay bị suy nhược thần kinh, đau nửa đầu, cảm cúm, huyết áp cao và kiệt sức. Bản thân Fischer đã trơ trẽn tuyên bố rằng ông chưa bao giờ đánh bại một đối thủ... khỏe mạnh.

Hồi kết

Trước khi diễn ra ván thứ hai ở Reykjavik - ván đầu tiên được trao cho Spasski vì Fischer ... không thèm xuất hiện, Fischer đưa ra vô số yêu cầu thay đổi từ ánh sáng đến ghế ngồi cũng như đòi thêm tiền thưởng vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày hay đêm. Được các luật sư kỳ cựu và đoàn tùy tùng đông đảo hỗ trợ, Fischer đã khiến các nhà tổ chức địa phương và ban trọng tài chính phát điên.

Bỏ qua các chi tiết vụn vặt không thể nhớ hết, sau chiến thắng ở Iceland, Fischer đột nhiên biến mất tăm. Spassky chuyển đến Pháp cùng người vợ thứ ba, một phụ nữ Pháp gốc Nga. Mặc dù tiếp tục chơi cờ vua ở trình độ cao trong 15 năm và tham gia các giải đấu cũng như Olympic cờ vua, nhưng thất bại mà Bobby Fischer gây ra đã giáng một đòn trí mạng vào Spassky.

Dù thua, Spassky vẫn là một người đàn ông lịch lãm. Ông nghe tin Fischer bị trầm cảm và cho biết: "Ở trên đỉnh cao rất lạnh, rất cô đơn. Tôi thích Fischer và tôi lo lắng không biết bây giờ anh ấy sẽ ra sao".

Fischer tái xuất một thời gian ngắn vào năm 1992, để một triệu phú người Serbia dụ chơi lại trận đấu ở Iceland. Trong vụ này ông ta phớt lờ lệnh tẩy chay của Hoa Kỳ đối với Serbia. Lệnh truy nã quốc tế đã được ban hành. Năm 2004, Fischer bị bắt ở Tokyo và thoát nạn vì được Iceland cấp cho quốc tịch, khả dĩ chặn được lệnh dẫn độ từ Nhật Bản sang Hoa Kỳ.

Đoạn kết vở bi hài kịch này dở đến nỗi chẳng ai buồn theo dõi nữa, chỉ biết Fischer qua đời ở Reykjavik, khi vẫn bị Mỹ truy lùng vì tội trốn thuế.

Ai thi đấu với Fischer thường mất bình tĩnh. Họ luống cuống, đổ mồ hôi đầm đìa, phạm những sai lầm ngớ ngẩn. Một số người còn đoán rằng Fischer biết thôi miên đối thủ, làm suy yếu khả năng của họ bằng một sức mạnh quỷ quyệt.

Lê Quang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm