15/08/2022 20:02 GMT+7 | Tin tức 24h
Sau giai đoạn giảm mạnh về vùng quá bán trong khi kết quả kinh doanh vẫn rất tích cực ở quý II/2022, cộng thêm nhiều tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ đã giúp cổ phiếu ngân hàng đồng loạt phục hồi mạnh trong những phiên gần đây.
Kết phiên giao dịch ngày 15/8, nhóm cổ phiếu ngân hàng trên cả 3 sàn giao dịch đều ghi nhận diễn biến khá tích cực khi có tới 22/27 cổ phiếu tăng giá, trong khi chỉ 4 mã đứng ở mốc tham chiếu và 1 mã giảm giá. Cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội là mã ngân hàng “hot” nhất trong phiên hôm nay, khi tăng kịch trần 6,71% ngay khi mở cửa và duy trì sắc tím trong phiên, đưa thị giá lên 15.900 đồng/cổ phiếu.
Thanh khoản giao dịch cổ phiếu này cũng ghi nhận đột biến với 46,25 triệu đơn vị, tăng gấp 6,5 lần so với phiên trước đó. Đây cũng là một trong những cổ phiếu ngân hàng được khối ngoại gom mạnh nhất trong phiên hôm nay, với khối lượng mua ròng hơn 1,8 triệu cổ phiếu.
Thị giá của SHB tăng kịch trần trong bối cảnh cuối tuần qua ngân hàng này vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 26.674 tỷ đồng. Theo kế hoạch, trong năm 2022, SHB sẽ nâng vốn điều lệ lên mức 36.459 tỷ đồng, dự kiến đứng trong Top 3 ngân hàng cổ phần tư nhân lớn nhất về vốn điều lệ.
Cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam là mã ngân hàng tăng mạnh thứ hai trong phiên hôm nay. Đóng cửa, BID tăng 4,6% so với phiên trước đó, lên mức 41.000 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản BID cũng tăng mạnh, đạt hơn 150 tỷ đồng, gấp 2,3 lần phiên trước. Với mức giá trên, BID gần như hồi phục sau chuỗi biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam vừa qua.
Một mã cổ phiếu ngân hàng khác cũng đáng lưu ý trong phiên hôm nay, đó là cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh. Thị giá HDB đã tăng 3,5% lên 26.300 đồng/cổ phiếu với thanh khoản tăng gấp 3 lần. Đây là mã ngân hàng được khối ngoại mua ròng nhiều nhất với hơn 2,2 triệu cổ phiếu, đánh dấu phiên mua ròng thứ 11 của khối ngoại đối với mã cổ phiếu này.
Trong tuần qua, HDBank cũng là một trong những ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 20.273 tỷ đồng lên 25.503 tỷ đồng. Số vốn tăng thêm dự kiến được lấy từ phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối năm 2021 thông qua trả cổ tức tỷ lệ 25% và một phần cổ phiếu phát sinh từ giao dịch chi trả ESOP cho nhân viên.
Ngoài 3 cổ phiếu trên, thị giá và thanh khoản của nhiều mã ngân hàng khác cũng ghi nhận diễn biến tích cực, thu hút dòng tiền trong phiên hôm nay, như VPB, CTG, MBB, TCB… Diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu này cũng là động lực chính giúp chỉ số VN-Index tăng gần 12 điểm trong phiên hôm nay và đóng cửa ở mức 1.274,2 điểm.
Thực tế, sau giai đoạn điều chỉnh của thị trường chứng khoán vừa qua, nhiều mã cổ phiếu ngân hàng rơi về vùng quá bán, thị giá được cho là hấp dẫn để đầu tư dài hạn. Điều này được nhiều công ty chứng khoán, quỹ đầu tư nhận định và tích cực mua vào trong thời gian qua.
Thống kê của các công ty chứng khoán cho thấy, trong tháng 7/2022, nhóm ngành tài chính (bao gồm ngân hàng, bảo hiểm và các công ty chứng khoán) đã tăng 5,28%, ghi nhận mức tăng trở lại tốt nhất đã giúp thị trường thoát khỏi mức đáy.
Theo Dragon Capital, trong tháng 7 vừa qua, hai quỹ mở DCBC và DCDS đã tập trung phân bổ vào các cổ phiếu thuộc ngành nghề chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường. Đặc biệt, quỹ cũng giải ngân chọn lọc vào một số ngân hàng có định giá hấp dẫn khi giá nhiều cổ phiếu trong ngành đã chịu sự điều chỉnh mạnh từ đầu năm.
Đây là cơ hội đầu tư hấp dẫn cho dài hạn trong bối cảnh nhiều ngân hàng có chất lượng tài sản tốt vẫn có khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận khả quan trong thời gian tới.
Trong nhận định mới đây, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital cũng kỳ vọng giá cổ phiếu ngân hàng sẽ tích cực hơn trong nửa cuối năm.
Vị chuyên gia này cho rằng, các vấn đề về chất lượng tài sản sau COVID-19 của các ngân hàng ít nghiêm trọng hơn so với lo ngại của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là trong bối cảnh tăng trưởng GDP bùng nổ của Việt Nam trong năm 2022.
Trong báo cáo cập nhật ngành vừa công bố, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) cũng cho rằng, ngành ngân hàng đang có mức định giá hấp dẫn so với mức tăng trưởng về lợi nhuận, cùng nhiều yếu tố xúc tác có thể diễn ra sẽ giúp các cổ phiếu ngành ngân hàng tăng trưởng vượt trội hơn so với mặt bằng chung của VN-Index.
Theo BSC, sức khỏe tài chính các ngân hàng hiện nay xứng đáng có mức định giá cao hơn so với thời điểm hiện tại. Trong năm 2022, BSC cho rằng nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục ở mức cao khoảng 14%, được hỗ trợ bởi sự hồi phục nền kinh tế sau dịch bệnh và gói hỗ trợ ước tính 350.000 tỷ đồng trong năm tới. Trong khi đó, các ngân hàng hiện nay đang kiểm soát tốt bảng cân đối, từ đó hạn chế rủi ro từ biến động nền kinh tế…
Hứa Chung/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất