13/02/2013 07:05 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Năm mới nói chuyện đầu cũ, đầu ở đây không nói về kiểu tóc. Có những người cả đời chỉ để một kiểu tóc, nhưng điều đó không có nghĩa cả đời họ chỉ nghĩ một kiểu. Họ có thể cạo trọc hay nuôi tóc dài chừng nào tùy ý, dài quá chân cũng được, tóc không liên quan đến tư duy. Ngược lại, có người thay rất nhiều kiểu tóc, nhưng từ lúc tốt nghiệp mẫu giáo đến lúc tốt nghiệp đại học và tận lúc về hưu, vẫn khăng khăng chỉ nghĩ một điều.
N. đem chân lý này ra để giải thích thắc mắc vì sao, vào thời điểm này, khó khăn chung cả đất nước, thì bỗng mọc ra một dự án “Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa, cụ thể là nâng cấp và xây dựng mới 71 nhà hát giai đoạn 2012 - 2020”. Công trình vĩ đại này có tổng vốn đầu tư dự kiến là 10.800 tỷ đồng (tương đương với nửa tỷ USD), trong đó ngân sách nhà nước là 6.500 tỷ, phân kỳ đầu tư chia thành 2 giai đoạn, 2012-2015 (3.000 tỷ đồng) và 2016-2020 (7.800 tỷ đồng).
Bà bán nước bảo thôi chú ơi đừng nói mấy con số nữa mà tôi chóng hết cả mặt. Mà xây làm gì chứ, một khi xây xong khối công trình nghìn tỷ chỉ chủ yếu dùng làm nơi tổ chức đám cưới… Mà đám cưới bây giờ cũng có quy định không được mời quá 300 người, thì cũng chả cần những chỗ to đến thế! Đấy, Bảo tàng Hà Nội được đầu tư trên 2.000 tỷ đồng nhưng chưa có gì để trưng bày. Rạp Đại Nam được rót 96 tỷ đồng nhưng xây xong chỉ đông nhờ đám cưới. Một phần diện tích Nhà hát Chèo Kim Mã hiện giờ đang cho thuê bán đồ gốm sứ, mở quán ăn. Công viên bao nhiêu tỷ cũng đang đắp chiếu vì xuống cấp, bị băm nát thành nơi kinh doanh của tư nhân, còn công viên khác lăm le thành bãi đỗ xe… Tóm lại thì đầu tư tiền tấn cho những công trình lớn để sau đó hoặc là vắng tanh, hoặc biến tướng, hoặc hoạt động không hiệu quả dẫn đến đóng cửa là chuyện quá thường, báo chí, công luận nói mãi rồi.
Thế nên cần gì phải có một kế hoạch xây một lúc chừng ấy nhà hát mất ngần ấy tỷ. Chẳng lẽ vì người ta chuẩn bị nó từ năm 2008, bây giờ mới được chuẩn y, nên đừng trách nó vì sao lại ra đời vào thời điểm này. Thế, khác gì công nhận kiểu tóc chẳng ảnh hưởng gì đến tư duy!
Tất nhiên người ta có thể rất đúng về lý thuyết, rằng thà đầu tư cho các công trình văn hóa còn hơn bỏ tiền đi xây công trình gì đó không văn hóa (!). Nói thế, thì đúng là việc quản lý và sử dụng công năng của những công trình văn hóa tốn kém hiện thời không hề làm cho người ta đau lòng. Dân tình bây giờ, giá một quả trứng tăng còn hoảng hốt, chưa biết được hưởng thụ văn hóa chất lượng cao đến đâu, nghe hàng chục công trình nghìn tỷ càng thêm hốt hoảng.
Vả lại, xây công trình văn hóa chắc gì đã đem lại đời sống văn hóa, nếu cứ vài ngày lại hốt hoảng vì có những quy định giời ơi. Khắp thành phố, muốn coi chỗ nào là nhà hát chẳng được, bà chủ quán nước bảo thế. Sắp Tết, đang lo trộm cắp hoành hành, tự dưng mất thời gian nghĩ xem sắp tới nhiều rạp hát quá đi xem ở đâu. Xa xỉ mất thì giờ…!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất