Có một nỗi buồn tên là Hội An

20/10/2012 06:20 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH Cuối tuần) - Rời quán ăn trong một con ngõ nhỏ sau khi đã thưởng thức đủ 3 món đặc sản bình dân phố Hội: hến xúc bánh tráng, bánh đập và chè bắp, với một cái “bill” (hóa đơn thanh toán tiền) chưa đầy 60 ngàn đồng, thay vì sung sướng như gặp món hời khi đi du lịch, trong tôi lại len lỏi một nỗi buồn…

1. Có một số nỗi sợ thường trực trong tôi khi tới những địa danh du lịch nổi tiếng ở Việt Nam sau nhiều lần “trải nghiệm” thực tế. Một là nơi đó thay đổi rất nhanh sau những lần trở lại, mà xu hướng chính là xấu đi. Hai là bị “chặt chém”.

Nếu bỏ được đi cái cây cầu mới xây bắc ngang con sông Hoài thơ mộng ở vị trí vào loại đẹp nhất của Hội An, có thể xem như một “thảm họa thẩm mỹ cầu”, thì Hội An miễn nhiễm với cả hai cái thói xấu ấy. Nhưng thôi, nếu không đi dạo bên sông Hoài ở chỗ con mắt có thể bị “hành hạ” (thật tiếc vì dãy phố cổ sát bờ sông không được khai thác đúng như những gì nó có thể), thì phố Hội “em vẫn như ngày xưa”. 4-5 năm mới trở lại, dáng phố lúp xúp với những ngôi nhà kiến trúc ấy gần như không thay đổi. Không có một tòa nhà ống nào bất ngờ chen ngang nhà cổ như 36 phố Hà Nội. Chợ Hội An chưa bị xây mới hay di dời. Các quán cà phê nhà cổ, các tiệm bán quần áo may sẵn và đặt may ngay trong ngày mà Hội An là nơi khai sinh dịch vụ này ở Việt Nam, vẫn san sát. Và những ngõ nhỏ bất ngờ đưa chúng ta tới những ngôi nhà vườn xinh xắn ngay trong lòng phố cổ vẫn rất nhỏ, tuy đã xuất hiện vài chiếc xe máy dựng vô tư ở ngay nơi treo biển không để xe máy, thì cũng vẫn êm đềm và vô cùng sạch sẽ.

Cửa hàng vắng khách, ông chủ bắc ghế ngồi chơi

Chuyện chặt chém, như mấy nhà hàng Vũng Tàu, Hạ Long bắt khách trả giá kiểu “gan trời” hay nâng giá phòng vô tội vạ trong mùa lễ hội ở Đà Lạt, Cửa Lò,... là thứ chưa bao giờ nghe và thấy ở Hội An. Những nhà hàng sang trọng cỡ Phố trăng Hội An (Hoi An Fullmoon Town), cỡ Nam Long nằm thơ mộng bên dòng sông Cổ Cò (cái tên nghe một lần là nhớ, thú vị hơn là khi chảy qua những địa phương nào thì cư dân nơi đó lấy tên đất, tên làng gọi tên sông, nên sông Cổ Cò còn có nhiều tên khác như là: Sợi Mây, Cồn Động, Làng Câu, Cồn Nhì, Cồn Búp hay Đế Võng), giá mỗi suất ăn có phục vụ cả thả đèn trên sông cũng chỉ khoảng 200 ngàn đồng. Và nhiều hơn ở Hội An là quán dân dã cả về đồ ăn lẫn cung cách phục vụ. Như quán Slow Food for Slow Life mới mọc lên trên đường từ Cửa Đại vào Hội An chẳng hạn. Cũng con nước, nhà sàn ngay bên cánh đồng xanh lúa, nhưng đơn sơ tre lá. Nếu như ở Ubud, Bali, thể nào kề bên hoặc chính giữa cánh đồng lúa ấy cũng sẽ là một nhà hàng decor thật độc đáo và sang trọng, nơi thực khách khó kìm lòng mở ví… Như quán không tên hến trộn, bánh đập, chè bắp tôi ăn hôm ấy, quán đồng thời cũng là nhà, khách ngồi ăn quà ngoài hiên, còn trong nhà, gia chủ cũng ăn cơm, vừa ăn hai bên vừa nói chuyện qua lại qua cái cửa sổ, thân mật như những người hàng xóm. Như những quang gánh chè, tào phớ vẫn tần tảo trên vỉa hè phố Hội mà muốn ăn no bụng tốn quá lắm cũng chỉ hai ba chục ngàn đồng. Như tấm biển hiệu cửa hàng đặc sản bánh ít lá gai Hội An nằm khiêm nhường giữa đám lá cây trong ngõ nhỏ, khách đi ngoài đường tinh mắt mới nhìn thấy, rẽ vào, thì thấy quầy hàng, cũng nằm khuất khuất góc hiên nhà, thứ quà quê dung dị buộc từng xâu trong rổ, 2 ngàn đồng một cái… Cung cách sống ấy liệu còn kiếm được ở đâu giữa thời buổi chen lấn xô bồ này?

“Thông điệp sống” của Hội An: Ăn chậm, sống chậm?

2. Tôi tìm lại ngôi nhà gần chợ Hội An mà mình đã từng ở trọ nhiều năm trước. Đây là một trong những ngôi nhà cổ còn giữ kiến trúc khá hoàn hảo của phố Hội với các tầng lớp không gian liên kết, từ gian trước đến gian giữa - giếng trời, và gian trong. Các phòng trọ vốn được cải tạo từ không gian cũ, khá nhỏ, dĩ nhiên không được tiện nghi như phòng khách sạn hay resort, nhưng lại cho du khách một trải nghiệm sống lạ lẫm ngay trong lòng phố cổ, bởi vậy mà đắt khách vô cùng, nhất là khách Tây… Tôi nhớ thời điểm đó nếu không “book” phòng trước thì hết chỗ. Ở theo dạng home-stay ngay trong phố cổ thế này khá phổ biến tại những thành phố di sản văn hóa như Melaka hay George Town ở Malaysia, Ubud ở Bali, Indonesia hay Kyoto của Nhật Bản.

Nhưng ngôi nhà trọ của tôi năm nào ở Hội An đã không còn nữa. Nói đúng hơn, nhà vẫn còn, nhưng trọ thì không. Cánh cửa gỗ đen mun chạm khắc tinh tế giờ im ỉm đóng. Nghe nói ngôi nhà đã được sang tên cho chủ khác và chưa biết người chủ mới sẽ làm gì với không gian này.

Một quán ăn đơn sơ trên sông Hoài

Và không chỉ có ngôi - nhà - trọ - của - tôi đóng cửa, loanh quanh phố Hội, thoảng lại gặp một căn nhà cửa đóng, có căn như bị bỏ hoang. Chuyện lác đác người ta bỏ nhà cổ mà đi đã nghe loáng thoáng một hai năm nay. Và mới nhất là thông tin trên báo: Hội An hiện có 56 di tích nhà cổ đang xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ đổ sập bất kỳ lúc nào, song mặc dù chính quyền Hội An và ngành chức năng thường xuyên vận động và “năn nỉ” các chủ sở hữu di tích nhà cổ này vay vốn ưu đãi để đầu tư trùng tu nhưng họ vẫn lắc đầu từ chối. Lý do chính khiến chủ nhân những ngôi nhà cổ này lắc đầu từ chối mà ông Chủ tịch UBND thành phố Hội An nêu ra là do các di tích nhà cổ này có đồng sở hữu là anh em trong cùng một gia đình hay dòng tộc nên không ai chịu đứng ra ký hồ sơ vay vốn để trùng tu! Nhưng có lẽ, ai cũng có thể tự hỏi: Nếu những ngôi nhà cổ ấy sau khi trùng tu có thể mang lại một nguồn lợi đáng kể và chắc chắn cho chủ nhân ngôi nhà, thì liệu những người chủ ấy có thờ ơ với một việc như thế không? Người Việt vốn giỏi thu xếp, và người Hội An vốn bặt thiệp và sành sỏi như nhận xét của nhà nghiên cứu nước ngoài Li Tanna. Khi những khu khách sạn và resort sát biển ở Ngũ Hành Sơn hay Cửa Đại hấp dẫn hơn các phòng trọ home-stay giá 10-15 USD trong phố cổ, khi những tiệm quần áo may sẵn chủ yếu “nhái” kiểu cọ Thái Lan và may đo lấy ngay giá rẻ không còn là món hấp dẫn như nhiều năm trước, khi hóa đơn thanh toán một bữa đặc sản phố Hội chỉ 60 ngàn đồng, khi phần đông du khách ghé Hội An chỉ để dạo chơi và chụp ảnh trong ngày…, thì những ngôi nhà cổ và một đời sống phố cổ vô giá ở đây dường như thành... không giá.

Cây cầu mới - một “thảm họa thẩm mỹ cầu”?

Mỗi thành phố di sản chọn một cách ứng xử và khai thác khác nhau với những giá trị vô giá của mình. Ở Lệ Giang cổ trấn, một ngôi làng cổ thuộc Vân Nam, Trung Quốc, du khách vào phố cổ phải mua vé, giá 80 tệ/người (khoảng 260 ngàn đồng) và các màn hấp dẫn du khách ăn, chơi, mua sắm bằng toàn bộ đặc sản địa phương thì nhiều không kể xiết, kể cả việc mời đạo diễn Trương Nghệ Mưu dựng cả một show trình diễn trên núi cao, du khách đến xem kìn kìn với giá vé cả triệu đồng. Bởi vậy mà cổ trấn này trở thành một điểm “ăn chơi có hạng” ở Trung Quốc khi đầu tư cho những nhà vệ sinh công cộng y như những biệt thự cổ! Singapore thì trang hoàng khu phố China Town (được xem là khu phố di sản của đảo quốc này) như một khu phố nghệ thuật. Màu sơn từng căn nhà, từng ô cửa đều được chọn lựa kỹ càng. Malaysia có vẻ không làm gì mấy với khu phố cổ ở Melaka và George Town (thuộc Penang), hai thành phố được UNESCO xếp hạng Di sản văn hóa của họ, thuộc sở hữu tư nhân, không ít ngôi nhà trong những khu phố cổ đó bị chủ nhân bỏ hoang nhiều năm. Nhưng những di tích, bảo tàng thuộc sở hữu Nhà nước thì được trang hoàng và chăm chút đặc biệt biến chúng trở thành những điểm thu hút chính du khách tới đây. Và cả Melaka lẫn George Town đều là những thành phố mua sắm hàng đầu của Malaysia với những trung tâm mua sắm hàng hiệu lớn chỉ thua Thủ đô Kuala Lumpur và những cửa hàng đồ cổ nổi tiếng trong khu vực…

Hến xúc bánh tráng và bánh đập - hai món ăn dân dã truyền thống ở Hội An

“Cách đây bốn thế kỷ, người dân Hội An đã sống chủ yếu bằng dịch vụ” (nhà nghiên cứu Li Tanna). Cách đây hơn một thập kỷ, Hội An đã biết giữ lại cho mình những giá trị lịch sử và văn hóa khác biệt đang dần trở nên quý hiếm trong đời sống hiện đại. Nhưng có lẽ giờ đây, cần có thêm những giá trị mới, ở một tầm vóc mới để những giá trị văn hóa của Hội An còn có thể trở thành những giá trị đắt giá trong ngành công nghiệp du lịch.

Lang thang dưới những hiên nhà lún phún rêu, tôi mơ nhìn thấy những cửa hiệu thời trang độc đáo với các thương hiệu thiết kế hàng đầu Việt Nam, những phòng tranh nghệ thuật quy tụ các tên tuổi họa sĩ hàng đầu Việt Nam, những nhà hát nghệ thuật truyền thống và hiện đại mở cửa hàng đêm với các chương trình được dàn dựng bởi những nghệ sĩ hàng đầu của Việt Nam và quốc tế…

Thu Mây
Ảnh: P.T

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm