Câu chuyện giáo dục ở đảo Lý Sơn

01/05/2013 08:23 GMT+7 | Giáo dục

Lý Sơn là một huyện đảo của tỉnh Quảng Ngãi, nằm cách xa đất liền khoảng 18 hải lý. Với tổng diện tích chỉ gần 10km vuông, nhưng có hơn 22.000 dân. Người dân ở đây sống chủ yếu bằng hai nghề chính là đánh bắt hải sản và trồng hành, tỏi. Vượt lên những khó khăn về vị trí địa lý, kinh tế xã hội, những năm qua, nhận thức của nhân dân đối với việc học tập, cũng như chất lượng dạy và học của thầy, trò trên đảo đã có những bước tiến đáng kể.

Nếu như cách đây khoảng mười năm, nhận thức của bà con trên đảo về vấn đề đầu tư cho con em đến trường còn thấp, thì trong vài năm trở lại đây giáo dục cho thế hệ trẻ được các bậc phụ huynh coi là vấn đề hết sức quan trọng. Người dân đã ý thức được rất rõ tầm quan trọng của việc học đối với tương lai con em mình. Ông Nguyễn Gia Viên, xã An Vĩnh tâm sự: "Gia đình tôi có 4 đứa con, tôi làm nghề đi biển. Trước đây tôi không được học hành đầy đủ, sớm phải bươn chải kiếm sống. Giờ ý thức được các con cần được học hành, nên dù khó khăn đến mấy vợ chồng tôi vẫn phải cho các cháu đến trường".

Các bạn học sinh trường THCS An Hải (Lý Sơn, Quảng Ngãi) thăm Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa Bắc Hải. Ảnh: Thiếu niên Tiền phong

Thầy Trần Phúc Sinh, Trưởng Phòng giáo dục Huyện Lý Sơn cho biết: Những năm gần đây nhân dân đưa con em đến trường với tỉ lệ cao, huyện đã sớm hoàn thành phổ cập giáo dục về tiểu học, phổ cập trung học cơ sở, tỉ lệ huy động trẻ đến lớp mẫu giáo trong độ tuổi đạt khoảng 90%, tiểu học 100%, THCS đạt khoảng trên 95%. Ngành cũng nhận được sự quan tâm đầu tư từ trung ương, của tỉnh nên nhìn chung đã kiên cố hoá được hệ thống trường lớp, có phòng ở cho giáo viên từ đất liền ra công tác, giáo viên có trình độ, nhiệt tình.

Đến thăm Trường THPT Lý Sơn, chúng tôi thấy trường có cơ sở vật chất khá khang trang, hơn hẳn nhiều trường của các huyện miền núi. Thầy Ngô Đình Mẫn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Với bề dày gần 30 năm thành lập, ban đầu trường chỉ có hai lớp với hơn 70 học sinh, cơ sở vật chất thiếu thốn, giáo viên cũng rất ít. Nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành Trung ương, địa phương cũng như các tổ chức cá nhân, đến nay, cơ sở vật chất và thành tích giảng dạy, học tập của thầy trò nhà trường đã được nâng lên rõ rệt. Để tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cũng như đại học, cao đẳng ngày càng cao, nhà trường chủ động cho các em thi thử nhiều vòng để học sinh làm quen với các dạng đề, đồng thời mở rộng mạng internet giúp các em có thêm thông tin, tư liệu phục vụ học tập…

Nằm trong định hướng chiến lược chung của toàn huyện, nhà trường phấn đấu năm học 2015 – 2016 sẽ trở thành trường chuẩn quốc gia. Được sự quan tâm của nhà nước, hàng tháng mỗi em học sinh được hỗ trợ 70 ngàn đồng, không thu học phí học sinh trên biển đảo, thông qua báo chí nhiều tổ chức đã trao học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó. Trong nhiều năm qua chất lượng giáo dục của nhà trường được nâng lên rõ rệt, cụ thể tỉ lệ tốt nghiệp THPT nhiều năm liền đạt 100%, tỉ lệ đỗ đại học, cao đẳng hàng năm đều tăng. Đặc biệt là có nhiều em đỗ thủ khoa các trường đại học.

Để hỗ trợ phong trào giáo dục trong huyện, từ năm 2000 đến nay huyện Lý Sơn đã hình thành hội khuyến học huyện, xã. Tại các khu dân cư, dòng họ dấy lên phong trào thi đua khuyến học khuyến tài, tạo điều kiện cho các cháu khó khăn tiếp tục đến trường. Trong chuyến công tác tại đảo Lý Sơn, chúng tôi có dịp tham gia một cuộc gặp gỡ, dặn dò các cháu học sinh trong họ trước khi bước vào kì thi kết thúc năm học 2012-2013 của tộc họ Nguyễn ở thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn.

Đây là tộc họ được nhận nhiều bằng khen giấy khen trong công tác khuyến học khuyến tài, hiện nay tộc họ này đã có 64 em đỗ đại học, 18 em đỗ cao đẳng, 3 thạc sĩ và 2 tiến sĩ. Năm 2011 – 2012 trong họ có 46 em học sinh thì 30 em đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ông Nguyễn Tiền, Chi hội trưởng Hội khuyến học họ Nguyễn - thôn Tây, xã An Vĩnh, cho biết: Năm năm trở lại đây bà con trên đảo Lý Sơn rất quan tâm tới vấn đề học hành của con cái. Dòng họ coi việc học rất quan trọng, anh chị em trong dòng tộc luôn giúp đỡ nhau về vật chất cũng như tinh thần. Để khuyến khích con cháu trong dòng họ, chi hội khuyến học họ Nguyễn có những việc làm cụ thể như khen thưởng các em đỗ đại học, cao đẳng; cho gia đình khó khăn vay tiền cho con học tập đến lúc ra trường mới phải hoàn trả…

Dẫu cuộc sống ở hòn đảo tiền tiêu này còn nhiều khó khăn, song sự học ở Lý Sơn chưa bao giờ chững lại. Từng ngày, người dân nơi đây vẫn bám biển, bám đảo để con em mình có điều kiện đến trường, đỗ đạt và trở về xây dựng biển đảo quê hương.

Đinh Thị Hương - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm