13/06/2012 14:25 GMT+7 | Bảng B
(TT&VH) - Trình làng từ năm 2004, thế hệ vàng của Hà Lan hiện nay đang đứng trước cơ hội, có thể là cuối cùng trong sự nghiệp, giành một danh hiệu lớn cùng đội tuyển quốc gia.
Sau thất bại cay đắng tại EURO 2000, giải đấu tổ chức trên sân nhà với một thế hệ đang ở độ chín rực rỡ, chỉ bốn năm sau, người Hà Lan đã trình làng được một đội bóng mới đầy hứa hẹn, là sự kết hợp giữa những gương mặt cũ như Jaap Stam, Clarence Seedorf với các tài năng trẻ khi đó mới 19-20 như Wesley Sneijder, Van der Vaart và đặc biệt là Arjen Robben. Tại giải đấu tổ chức trên đất Bồ Đào Nha, “Oranje” đã thi đấu khá ấn tượng, lọt vào tới bán kết, chỉ chịu dừng bước trước đội chủ nhà đang ở đỉnh cao phong độ với những cái tên như Luis Figo hay Rui Costa.
Bốn năm sau, thế hệ 1983-1984 đã thực sự trưởng thành. Những mầm non như Sneijder, Robben đã thêm phần cứng cáp lại được bổ sung những nhân tố mới như Dirk Kuyt, Robin van Persie hay Nigel de Jong. Ở vòng bảng, “Oranje” đã cho thấy sức mạnh hủy diệt của mình khi toàn thắng, cuốn phăng cả Italia lẫn Pháp, hai đội đứng đầu World Cup 2006. Tuy nhiên, đến tứ kết, cơn lốc này đã bị chặn đứng bởi hiện tượng Nga. Đến World Cup 2010, thế hệ vàng này còn rực rỡ hơn nữa với Sneijder và Robben đạt tới đẳng cấp thế giới nhưng dù đã thay đổi hoàn toàn cả lối chơi, danh hiệu vẫn ngoảnh mặt với người Hà Lan.
Thế hệ 83-84 của Hà Lan - Ảnh Getty
Với 8/11 cầu thủ thi đấu trong trận Đan Mạch đang ở độ tuổi từ 25 đến 30, chỉ trừ Jetro Willems (18 tuổi), Gregory van der Wiel (24) và Mark van Bommel (35), có thể xem như đây là cơ hội cuối cùng để thế hệ hiện nay có thể giành chức vô địch EURO. Bốn năm nữa, Van Bommel, Kuyt và Mathijsen gần như sẽ rời đội tuyển còn Van der Vaart, Robben, Sneijder và Van Persie đều đã bước sang ngưỡng tuổi 30, tức khó có thể sung sức như hiện nay. Chính Van der Vaart cũng thừa nhận: “Tôi không muốn nói rằng bây giờ hoặc không bao giờ nhưng dĩ nhiên, đây là thời điểm thích hợp bậc nhất”.
Tuy nhiên, số phận lại dường như đang muốn trêu ngươi thế hệ vàng hiện nay khi liên tục đẩy “Oranje” vào những hoàn cảnh trớ trêu. Ngay trong trận đầu ra quân, thầy trò HLV Bert van Marwijk đã phải nhận thất bại cay đắng trước Đan Mạch, đội bóng có đẳng cấp kém xa. Đã vậy, nội bộ Hà Lan tưởng như đã đoàn kết sau World Cup 2010 lại có dấu hiệu lục đục. Klaas Jan Huntelaar đã ca thán về Van Persie, Van der Vaart đã chỉ trích chính HLV trưởng. Thêm vào đó, niềm hy vọng lớn nhất Robben không những chưa tìm được phong độ đỉnh cao lại phá rối với sự ích kỷ của mình.
+ Wesley Sneijder - CLB: Inter Milan, ngày sinh: 9/6/1984
+ Arjen Robben - CLB: Bayern, ngày sinh: 23/1/1984
+ Van Persie - CLB: Arsenal, ngày sinh: 6/8/1983
+ Van der Vaart - CLB: Tottenham, ngày sinh: 11/2/1983
Nói chung, với một lối chơi vẫn còn ngổn ngang, lại để thua đội yếu nhất bảng, cơ hội để Hà Lan đi tiếp, chứ chưa nói tới giành chức vô địch, đang dần khép lại bởi ở hai trận tới, đội bóng này sẽ phải lần lượt tiếp Đức và Bồ Đào Nha. Cần nhớ “Die Mannschaft” đang ở đỉnh cao phong độ, trong trận giao hữu gần đây đã đè bẹp “Oranje” tới ba bàn không gỡ. Nếu thúc thủ trước đội bóng láng giềng, thầy trò HLV Van Marwijk sẽ chính thức xách vali về nước. Còn Bồ Đào Nha, qua những gì thể hiện trong trận đầu cũng cho thấy không phải là một đối thủ dễ chơi.
Nhưng những người Hà Lan mộng mơ cũng có thể tin vào vòng quay lịch sử của số phận. Còn nhớ tại EURO 1988, “Oranje”, khi đó chỉ gồm hầu hết các cầu thủ đang thi đấu ở giải trong nước, chỉ có Ruud Gullit xuất ngoại, cũng bị thất bại trước Liên Xô trong mở màn. Tuy nhiên, ở trận tiếp theo với Anh, Hà Lan đã bất ngờ bùng nổ với hat-trick của Marco van Basten, cầu thủ tưởng sẽ không thể dự EURO do trước đó phải dưỡng thương gần như cả mùa. Sau chiến thắng này, “Oranje” đã tiến thẳng một mạch tới ngai vàng với những chiến thắng không tưởng trước chủ nhà Đức ở bán kết và Liên Xô ở chung kết.
Nếu không thể xốc lại tinh thần sau thất bại trước Đan Mạch, không tìm được một người hùng cỡ Van Basten trước đây, cơ hội giành danh hiệu thứ hai của người Hà Lan sẽ phải kéo dài thêm rất lâu nữa bởi những Adam Maher, Luciano Narsingh, Ola John hay Luuk de Jong mới chỉ ở dạng tiềm năng, cần phải có nhiều thời gian mới sánh được thế hệ vàng hiện nay.
Ngược dòng lịch sử: Hà Lan và ám ảnh thất bại Có một câu chuyện rằng tai các cầu thủ Hà Lan thường dài hơn so với nơi khác bởi các ông bố thường…kéo tai con mình, chỉ về phía nước Đức và nói rằng phải đá bóng để giành danh hiệu như bên kia kìa. Đây chỉ là một câu chuyện hài hước nhưng nó cũng cho thấy một thực tế rằng người Hà Lan luôn bị ám ảnh với những thất bại, kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đội bóng của Johan Cruyff và các đồng đội năm 1974 được đánh giá là một trong những kẻ mạnh nhất mọi thời đại nhưng ai cũng biết, họ chỉ biết nhìn người Đức chinh phục hết EURO 1972 tới World Cup 1974. Gần đây, tại EURO 2000, “Oranje” cũng trình làng một lứa cầu thủ tài năng, từ phòng thủ (Van der Sar, Jaap Stam) tới tấn công (Patrick Kluivert, Marc Overmars hay Dennis Bergkamp), lại được thi đấu trên sân nhà nhưng rốt cuộc, cũng phải dừng bước ở bán kết. Lần duy nhất người Hà Lan lên ngôi tại một giải đấu lớn là EURO 1988. “Oranje” ở giải đấu đó chưa phải là mạnh nhất (chỉ có Ruud Gullit đã ở đỉnh cao còn Marco van Basten và Frank Rijkaard sau đó mới thành ngôi sao) nhưng nhờ một lần hiếm hoi biết đoàn kết đã chinh phục được vinh quang. Một số cầu thủ Hà Lan tại EURO 2012 đang có dấu hiệu “dở chứng” liệu có biết nắm tay lại để giành lấy một danh hiệu cùng nhau trước khi quá muộn? |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất