Có hay không một 'thế hệ lạc lõng'?

16/01/2015 07:48 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Có hay không những bạn trẻ ngồi trong phòng khép kín, tiếp xúc với bên ngoài qua thế giới mạng và than mình lạc lõng. Trong khi đó, có những người không hề băn khoăn về điều mình muốn làm cho xã hội và xa lạ với từ "lạc lõng".

Từ "lạc lõng" được đưa ra trong buổi tọa đàm "Một thế hệ lạc lõng ở Việt Nam - có hay không?" tại Hà Nội chiều 15/1 để lại nhiều suy ngẫm. Thế hệ được nói đến là những người sinh ra từ giữa thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990.

Đây không phải lần đầu tiên một tính từ được đặt ra sau cụm từ "một thế hệ" với tham vọng gọi tên cho giới trẻ ngày nay. Trong văn học, âm nhạc, điện ảnh, từng có những nỗ lực gọi tên một thế hệ, như "chênh vênh" (tên sách và bài hát), "chơi vơi" (tên phim), "lơ lửng" (tên sách), "cúi đầu" (tên bài thơ), "hoang mang" (ý kiến của một bạn trẻ)... Và nay là "lạc lõng".

Những từ ngữ khác nhau nhưng có điểm chung là đều mơ hồ và chỉ một trạng thái không vững vàng, nhưng dường như đều chưa đủ cơ sở thực tế và độ sâu sắc. "Tôi nghĩ ở đây có sự làm màu ở một mức độ nào đó" - Nhật Phi, nhà văn sinh năm 1991 có tiểu thuyết Người ngủ thuê đoạt giải Nhất Văn học tuổi 20 năm 2014, nói với Thể thao & Văn hóa.

Nhật Phi nói, anh đồng cảm được phần nào cảm giác lạc lõng vì anh cũng từng vài lần trải qua trong đời, và nhiều người cùng thế hệ cũng vậy. Nhưng anh cho rằng, những cách gọi tên này chỉ đúng với giới trẻ ở thành thị, những người sống trong môi trường khá tương đồng và có điều kiện kinh tế. Những đặc điểm đó không đại diện cho giới trẻ ở các vùng miền khác trên cả nước.

Còn Võ Tiếng, cũng sinh năm 1991, một hướng đạo sinh quê gốc miền Tây đang đi xuyên Việt và tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, nhắc đi, nhắc lại câu hỏi: "Thế nào là lạc lõng? Tại sao lại lạc lõng?". Tiếng cho biết, anh không thể nào đồng cảm với thái độ này.

Là hướng đạo sinh - người được huấn luyện bài bản về khả năng sinh tồn và tinh thần cống hiến cho xã hội, Tiếng cho biết anh chưa bao giờ cảm thấy lạc lõng trên hành trình xuyên Việt một mình, bằng xe đạp và xe máy. Chính nhờ trải nghiệm và hoạt động thực tiễn, tìm hiểu và giúp đỡ người dân các vùng miền Việt Nam, anh xa lạ với cảm giác lạc lõng mà Nhật Phi cho là "chỉ của giới trẻ thành thị".

"Con người, cây cỏ, loài vật xung quanh cũng là những người bạn khiến tôi thấy không hề lạc lõng" - Tiếng nói.

Vậy thế hệ cuối 8x, đầu 9x ngày nay có hoang mang và lạc lõng? Nhà phê bình 69 tuổi La Khắc Hòa, người tham dự tọa đàm hôm 15/1, đặt câu hỏi với diễn giả Hà Thủy Nguyên rằng liệu có số liệu thống kê bao nhiêu phần trăm giới trẻ cảm thấy lạc lõng hay không. Và một câu hỏi từ một bạn trẻ "Nếu đông thì sao gọi là lạc lõng?".

Đó đều là những câu hỏi chưa có câu trả lời, bởi chưa có cuộc khảo sát nào được tiến hành.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm