Cựu giám đốc IMF lại vướng cáo buộc tình dục

06/07/2011 11:26 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Khi nhà chức trách Mỹ nới lỏng các cáo buộc quanh Dominique Strauss-Kahn xung quanh nghi án ông xâm hại tình dục một cô dọn phòng, đã có những đồn đoán rằng ông sẽ sớm trở lại chính trường và tham gia cuộc đua giành ghế Tổng thống. Nhưng những tin đồn này nhanh chóng tan biến, trước cáo buộc tấn công tình dục thứ 2 do một nữ văn sĩ đồng hương đưa ra.

Tristane Banon, một nữ văn sĩ kiêm nhà báo 32 tuổi, cho biết sẽ đâm đơn khởi kiện Dominique Strauss- Kahn, còn được gọi là DSK, vì một vụ tấn công tình dục mà ông ta gây ra với cô hồi năm 2003.

Khởi kiện vì thấy “bệnh” với chiến thắng của DSK

Nữ văn sĩ Tristane Banon, người quyết định đưa DSK ra tòa vì vụ tấn công tình dục hồi năm 2003

Trả lời phỏng vấn báo chí, Banon nói rằng cô quyết định đâm đơn kiện vì thấy “bệnh” lúc chứng kiến DSK được tự do trong nghi án hiếp dâm nữ dọn phòng ở Mỹ mà không phải đóng tiền thế chân và đã tự thưởng cho mình một bữa ăn tối sang trọng ở New York. DSK đã đạt được những điều trên do có nhiều nghi vấn liên quan tới tính đáng tin trong tư cách nhân chứng của nạn nhân.

Tờ New York Post hôm 5/7 thậm chí còn dẫn nguồn một điều tra viên giấu tên nói rằng cơ quan công tố chuẩn bị xóa hết các tội danh chống lại DSK. “Chúng ta đều biết rằng vụ này không thể tiếp tục. Uy tín cá nhân của nạn nhân đã bị tổn hại quá nghiêm trọng nên chúng tôi không thể tiếp tục theo đuổi vụ kiện của cô. Không một lời nào thốt ra từ miệng cô ta còn đáng tin nữa. Thật xấu hổ vì giờ chúng ta có thể sẽ không bao giờ biết được chuyện gì đã diễn ra trong căn phòng đó” - điều tra viên này nói.

Điều này làm tăng những hy vọng trong số người ủng hộ DSK rằng chính khách 62 tuổi có thể trở về Pháp một cách vinh quang và thậm chí có thể tranh cử cho Đảng Xã hội đối lập.

Trong bối cảnh đó, Banon giống như kẻ phá bĩnh cuộc vui.

“Một con tinh tinh đang trong thời kỳ phát dục”

Cô đã kể với báo chí Pháp khá nhiều chi tiết liên quan tới vụ tấn công tình dục mà DSK nhắm vào cô, trong một căn hộ ở Paris hồi năm 2003. “Khi bước vào căn hộ đó, tôi lập tức thấy bệnh. Nó gần như trống rỗng với không gian bên trong màu trắng, có một cái bàn tròn, một máy pha cà phê, bên phải phòng khách là một thư viện trống rỗng, và phía cuối phòng khách là một phòng ngủ với độc một chiếc giường” - cô kể với tạp chí l’Express - “Chúng tôi nói chuyện một chút và ông ấy đưa tôi một cốc cà phê. Tôi lấy chiếc máy ghi âm ra và ông ấy muốn chúng tôi ngồi lên salon và đề nghị tôi phải nắm tay ông để nhận được câu trả lời. Tôi nói rằng mình muốn về. Ông ấy bèn tắt chiếc máy ghi âm, nắm lấy tay tôi. Tôi yêu cầu ông ấy bỏ tay ra và đó là khi cuộc chiến bắt đầu”.

Banon từng kể lại sự kiện trên truyền hình hồi năm 2007, trong đó cô tả rằng DSK đã có hành động như “một con tinh tinh đang trong thời kỳ phát dục”. Cô cho biết DSK đã cởi được áo ngực và quần jean, trước khi cô đạp ông ra và thoát được.

DSK tươi tỉnh bên cạnh vợ, sau khi được tòa án Mỹ
ra phán quyết trả tự do khỏi cảnh giam lỏng

Banon đã không đâm đơn kiện DSK ngay trong năm 2003 vì sự khuyên can của mẹ đẻ, người khi đó đang là một chính khách trong Đảng Xã hội. Tuy nhiên, cô cho biết các cáo buộc hiếp dâm chỉ “hết hạn” về mặt pháp lý sau 10 năm nên quyết định sẽ đưa DSK ra tòa.

Thực tế sau khi DSK bị bắt ở New York, Banon và luật sư riêng David Koubbi đã cân nhắc khởi kiện ông, nhưng sau đó lại rút lại quyết định vì không muốn làm ảnh hưởng tới phiên tòa ở Mỹ. Hôm 4/7, Koubbi khẳng định việc thân chủ ông khởi kiện DSK ngay khi vụ ở Mỹ đang xấu đi sẽ không làm hư hại danh tiếng của Banon, cũng như không biến cô thành kẻ cơ hội.

“Tôi xin nhắc lại những gì xảy ra ở Mỹ không khiến chúng tôi quan tâm. Vụ ở Mỹ người ta có thể trắng tay nhưng vụ của chúng tôi thì không. Nó rất chắc chắn.” - ông nói.

Âm mưu chính trị?

Luật sư của DSK đã phản ứng với quyết định của Banon bằng tuyên bố rằng các cáo buộc chỉ là sảm phẩm tưởng tượng của cô và họ cũng có ý định kiện cô ra tòa vì tội vu khống.

Nội bộ nước Pháp hiện đang rất chia rẽ không biết sẽ phản ứng ra sao với vụ việc của DSK. Theo cuộc thăm dò hôm 4/7 của tờ Le Point, khoảng 42% người Pháp cho rằng ông vẫn còn tương lai chính trị và 51% nghĩ điều ngược lại.

Các đồng minh của DSK trong Đảng Xã hội đã bắt đầu một chiến dịch bênh vực, nói rằng ông là nạn nhân của một âm mưu gài bẫy. Họ đặt câu hỏi về vai trò của phụ trách an ninh tại khách sạn Sofitel nằm ở New York, nơi xảy ra cáo buộc hiếp dâm. Nhân vật này là một cựu sĩ quan cảnh sát có mối liên hệ với tình báo Pháp. Họ chất vấn vì sao quản lý khách sạn lại gọi điện cho Tổng thống Nicolas Sarkozy khoảng 1 giờ sau khi vụ việc xảy ra.

Tuy nhiên tập đoàn Accor, nơi sở hữu Sofitel, đã bác bỏ những cáo buộc kiểu này.

Cá nhân ông Koubbi cũng khẳng định rằng không có âm mưu chính trị nào nằm sau lá đơn kiện của Banon. “Hãy để tôi nói rõ rằng tôi không được ai ở phe cánh hữu liên hệ với mình và tôi chẳng nghe lệnh ai cả” - ông Koubbi tuyên bố.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm