Cô gái Áo kể lại 3.096 ngày làm nô lệ

06/09/2010 16:19 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Natascha Kampusch, cô gái Áo bị bắt cóc từ bé và sống cảnh giam cầm suốt 8 năm trời sau đó, đã hé lộ toàn bộ bi kịch của bản thân trong một cuốn hồi ký mới chuẩn bị ra mắt bạn đọc.

Natascha Kampusch, 22 tuổi, bị bắt cóc từ năm lên 10 tuổi bởi một kẻ phạm tội ấu dâm người Áo, sẽ kể lại chuyện đời cô trong cuốn hồi ký được phát hành vào tuần này, mang tựa đề 3.096 Days (3.096 ngày). Cái tên cuốn sách nhắc cho độc giả nhớ về quãng thời gian thống khổ mà Kampusch phải chịu đựng cho tới khi cô đào thoát khỏi kẻ bắt cóc.

Những tháng ngày bị biệt giam


Một tờ rơi với thông tin tìm kiếm
Natascha Kampusch.

Cuốn hồi ký sẽ bắt đầu xuất hiện ở các hiệu sách tại Vienna từ ngày 9/9 và sẽ được dịch ra nhiều thứ tiếng để bán ở châu Âu. Mặc dù đã nhiều lần trả lời phỏng vấn kể từ khi được giải cứu, Natascha Kampusch ít khi đề cập sâu tới số phận của cô trong tay kẻ phạm tội ấu dâm Wolfgang Priklopil. Nhưng Kampusch thấy rằng giờ đã là lúc để cô kể hết mọi chuyện. “Tôi cảm thấy mình đã có đủ sự mạnh mẽ để kể hết câu chuyện về vụ bắt cóc của mình” - Kampusch nói.

Cuốn sách sẽ kể lại câu chuyện, từ ngày cô bị bắt cóc, bị giam cầm trong một buồng giam cao 1,5m dưới gara nhà Priklopil và ngày cô trốn thoát thành công.

Kampusch đang trên đường tới trường vào ngày 2/3/1998 khi cô bị Priklopil bắt cóc và kéo lên xe, mang về giam dưới gara ở nhà. Trong 6 tháng đầu tiên, cô bị biệt giam trong một căn phòng không có cửa sổ, với lối ra vào bị chặn kín sau một cánh cửa thép to nặng. “Cảm giác giống như bị chôn sống. Sự xuất hiện của khí ôxy là thứ duy nhất khiến nơi giam cầm tôi khác biệt so với một hầm mộ. Tôi đã có những cảm giác hết sức khủng khiếp. Đôi khi tôi mơ mình sẽ cắt đầu ông ta (Priklopil) nếu tôi có một cái rìu. Chuyện này cho thấy trí óc bị tra tấn khổ sở thế nào khi người ta tìm kiếm một giải pháp cho tình huống tuyệt vọng” - Kampusch kể.

Nung nấu ý định tẩu thoát

Kampusch kể rằng cô đã luôn nghĩ về sự tồn tại của bản thân mình. “Tôi thường thức giấc mỗi đêm và băn khoăn tự hỏi điều gì sẽ xảy đến với mình nếu ông ta đột ngột qua đời hoặc không thể trở lại căn hầm với tôi. Liệu tôi có chết đi và không ai biết chuyện gì xảy ra” - Kampusch thổ lộ.

Trong vòng 8 năm tiếp theo, Kampusch dần dần được Priklopil nới lỏng các biện pháp giam cầm. Cô được ra khỏi phòng giam lên sống ở nhà y. Tuy nhiên đổi lại cô bị lạm dụng tồi tệ. Priklopil là kẻ bị ám ảnh bởi sự bẩn thỉu và đối xử với Kampusch như nô lệ. Cô phải lau sạch mọi địa điểm vô tình chạm tay vào và phải cạo đầu để tóc không rơi lên nền nhà.


Natascha Kampusch và chương trình đàm thoại cô phụ trách
trước khi rút lui khỏi sự chú ý của dư luận.

“Ông ta cấm tôi khóc vì ông ta không muốn thấy vết muối ở bất kỳ chỗ nào. Khi tôi không thể kìm được những giọt nước mắt, ông ta lao tới bóp cổ. Và ông ta ấn đầu tôi xuống dưới một cái chậu nước nếu tôi để lại quá nhiều dấu tay trên một mặt kính hoặc tay nắm cửa” - Kampusch kể.

Sự khổ ải đã khiến Kampush nung nấu ý định tẩu thoát. “Khi tôi mới chỉ 12 tuổi, tôi đã mơ thấy rằng năm lên 15 tuổi, lúc đã đủ mạnh mẽ, tôi sẽ trốn thoát khỏi nơi giam cầm mình. Tôi luôn lúng túng không biết khi nào mới là thời gian thích hợp. Tôi biết mình không được mạo hiểm bất kỳ điều gì, nhất là một âm mưu đào tẩu không thành. Tôi phải gây dựng lòng tin ở nơi ông ta” - Kampusch nói.

Ngày 23/8/2006, cơ hội vàng để trốn thoát đã tới với Kampusch. Đó là khi cô đang hút bụi chiếc xe BMW 850i của Priklopil ở trong vườn. Lúc 12h trưa, có ai đó gọi Priklopil vào di động làm ông ta phải đi ra ngoài để nói chuyện bởi tiếng ồn của máy hút bụi. Kampusch lợi dụng cơ hội đó đã chạy trốn. “Tôi chạy, nhanh nhất có thể, khi đôi chân còn nâng đỡ được cơ thể” - Kampusch kể.  

Cô gõ cửa một người hàng xóm cũ, tự xưng mình là Natascha Kampusch. Người hàng xóm là Inge T., 71 tuổi, đã gọi điện báo cảnh sát. Nhân viên công lực tới đón Kampusch lúc 1h chiều ngày hôm đó và đưa cô về đồn cảnh sát ở thị trấn Deutsch Wagram. Khi biết cảnh sát chuẩn bị tới bắt mình, Priklopil, 44 tuổi, đã tự tử bằng cách nhảy xuống chắn mặt một đoàn tàu.

Chật vật tìm kiếm sự bình yên

Sau khi thoát nạn, Kampusch đã tìm cách làm quen với cuộc sống mới và đã từng phụ trách một chương trình đàm thoại trên truyền hình Áo. Nhưng rồi Kampusch bắt đầu rút ra khỏi ánh đèn sân khấu, khi người ta nghi ngờ mối quan hệ của cô với Priklopil. Một số người nói rằng liệu Kampusch có thông đồng với Priklopil trong vụ bắt cóc của cô hay không và liệu cô có tình cảm với ông ta hay không.

Họ chỉ ra rằng Kampusch đã mua lại nhà riêng của Priklopil sau khi ông ta chết, cũng như chiếc xe BMW của Priklopil dù cô không biết lái xe. Cô còn luôn mang theo bên mình một tấm ảnh của kẻ bắt cóc. Kampusch đã tránh trả lời những câu hỏi soi mói đó. Cô từng tuyên bố: “Tôi không muốn và sẽ không trả lời bất cứ câu hỏi cá nhân nào”.

Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm