Lối đá "fighting" của HLV Calisto đang phản tác dụng?

20/11/2010 19:02 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH Cuối tuần) - Những ai hay chứng kiến các buổi tập của ông Calisto với các học trò, thường nghe HLV hét lên “điệp khúc” trong buổi tập để đốc thúc cầu thủ: “Fighting! Fighting!” (tạm dịch là chiến đấu).

Trong buổi tập và cả những trận thi đấu nội bộ, ông Calisto luôn tập cho cầu thủ mình thói quen tinh thần chiến đấu cao. Ông rất ghét sự nhân nhượng và “xìu xìu” trong những trận đấu nội bộ và luôn gào thét để cầu thủ hưng phấn, máu lửa kể cả khi mặc áo tập (cũng có khi là cởi trần) và chân không mang miếng bảo hộ ống quyển.

Sau các buổi tập ông cũng rất hay gom cầu thủ lại để nhồi vào trong mỗi cầu thủ tinh thần chiến đấu như những cảm tử quân. Ông thường nói, mỗi cầu thủ là một người lính khi ra trận và luôn phải thể hiện tinh thần chiến đấu cao thì mới hy vọng giành được chiến thắng. Chính tư tưởng ấy và chính việc “nhồi nhét” tinh thần chiến đấu ấy mà AFF Cup 2008 các học trò ông, dù chuyên môn có thể không bằng Thái Lan hay Singapore, nhưng vẫn vượt qua hai đối thủ sừng sỏ này bằng những chiến thắng có giá trị tinh thần cao trên đối phương. Những chiến thắng quyết định đến chiếc Cúp vàng Đông Nam Á.



Cũng với tinh thần ấy, cũng với lối truyền đạt để nhồi vào tư tưởng các cầu thủ sức mạnh và ý chí, ông thực hiện nơi các cầu thủ Olympic. Điệp khúc “Fighting! Fighting!” cũng được lặp đi lặp lại trong những buổi tập để giải thoát cho cầu thủ mình sự rụt rè lẫn tinh thần yếm thế khi bước ra sân chơi lớn. Chỉ tiếc là việc “cấy” hai từ “Fighting! Fighting!” vào các cầu thủ trẻ đã không đạt được như ý, hay nói đúng hơn là các cầu thủ trẻ đã không hiểu trọn vẹn từ “fighting” trong bóng đá. Điển hình là trong trận knock-out với Olympic CHDCND Triều Tiên, các học trò ông đã chơi một thứ bóng đá theo đúng nghĩa đen của từ “fighting”. Từ cái giật chỏ của Trọng Hoàng vào giữa mặt đối thủ khi cùng chạy và cùng tranh bóng đến cú bay thẳng chân, đạp gầm giầy vào ống quyển đối phương của Chu Ngọc Anh… không cho thấy một tinh thần chiến đấu cao như mong muốn mà trái lại là hình ảnh bạo lực ở sân chơi châu Á. Đáng trách hơn là nó hiện hữu nơi những cầu thủ trẻ căng ra đá với đối thủ lớn và “chiến đấu” bằng những động tác chỉ có ở những môn võ.

Tôi không đồng tình lắm với những lời đề cao việc hạn chế tỉ số hay chỉ có 9 người mà chỉ để thua 2 bàn trước Olympic CHDCND Triều Tiên hùng mạnh. Ngược lại, tôi rất muốn qua thất bại trong cách chọn lối chơi bạo lực để hạn chế bàn thua, phải rút ra được những bài học kinh nghiệm sâu sắc.

Điều này đã nhiều lần được lên tiếng, khi các cầu thủ Olympic tham dự sân chơi Eximbank Cup, chỉ 3 trận nhưng nhận đến 2 thẻ đỏ và 9 thẻ vàng, trong đó được tha rất nhiều thẻ vì sự ưu ái của trọng tài với chủ nhà. Sang đến Asian Games, điều đó vẫn không được cởi bỏ và tất nhiên là phải trả giá bởi sự nghiêm khắc của trọng tài trong một sân chơi thật.


Lẽ ra kinh nghiệm này phải được rút ra ngay sau thất bại để chính các cầu thủ nhìn nhận và phân biệt giữa “fighting” trong đầu, trong tinh thần và “fighting” theo đúng nghĩa của từ chiến đấu như đánh võ.


Có lẽ cũng cần nhìn sang đội tuyển nữ của chúng ta với cái thua trước Trung Quốc để những cầu thủ nam học hỏi một cách tích cực hơn. Họ yếu cơ hơn, yếu cả thể hình lẫn thể lực và sự đầu tư, nhưng tinh thần thì đúng là “fighting” thực sự. Họ “fighting” từ một tinh thần lăn xả và đá bóng chứ không đá người.


Điều quan trọng sau Asian Games là cần dạy lại cầu thủ phải “fighting” bằng cách đá bóng thay vì đá người.


Trí Dũng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm