Club World Cup: Barca "lạc lối trên đất Nhật"*

15/12/2011 20:25 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH Online) - Bóng đá không phải là môn thể thao được yêu thích nhất ở Nhật Bản. Và các cầu thủ Barca không hề khiến người Nhật phát cuồng. Thậm chí họ còn không được ai nhận ra trên đường hay trên tàu điện ngầm...

Người Nhật có rất nhiều đặc tính dân tộc. Một trong những đặc tính cội rễ của họ là xu hướng di chuyển theo nhóm, từ sau một buổi lao động mệt nhọc về nhà, đến những lần ít ỏi mà họ được nghỉ hè. Nhiều người tin rằng người Nhật luôn đi cùng nhau mặc dù đó có thể là một chuyến đi du lịch đến một hang động tăm tối. Họ thích bóng đá, đặc biệt là bóng đá Tây Ban Nha. Nhưng người Nhật thường không đi đến tận cùng. Đúng là người Nhật mang tính bầy đàn, nhưng theo cách mà họ cho là thuận tiện. Chả thế mà những người anh hùng của họ, từ nhân vật samurai Hideyoshi, người thống nhất đất nước, đến nhà văn Mishima (viết về đề tài tự tử) đều là biểu tượng của chủ nghĩa cá nhân.

Với bóng đá, điều đó cũng xảy ra một cách tương tự. Họ thích, nhưng vừa phải. Môn thể thao mà họ yêu thích nhất là bóng chày. Họ thường xuất khẩu các cầu thủ bóng chày sang các giải đấu của Mỹ và một số lần đã vô địch thế giới. Những VĐV đó cũng được coi là những anh hùng dân tộc. Bóng đá với người Nhật như là một thứ mốt, làm cho các quán bán bánh pizza đông vui, nhưng nó không ăn sâu trong tâm hồn người dân “xứ mặt trời mọc”.



Bóng đá cũng được yêu thích, nhưng không phải là nhất - Ảnh ElPais

Trên thực tế, trong khi môn bóng chày được chơi ở Nhật từ hơn một trăm năm nay thì bóng đá mới được biết đến ở đất nước này qua cuốn phim hoạt hình nhiều tập Oliver y Benji, lúc đầu được gọi là Capitan Tsubasa (Đội trưởng Tsubasa), lấy tên từ một nhân vật truyện tranh do Yoichi Takahashi sáng tạo. Tác giả của cuốn sách thậm chí không biết khái niệm một quả phạt đền hoặc việt vị là gì khi viết tập đầu tiên vào năm 1981. Nhưng những ông bố người Nhật đầy trách nhiệm nhận thấy trong loạt phim hoạt hình đó có những giá trị của sự nỗ lực và hy sinh vì tập thể nên đã hướng con em mình tập luyện môn thể thao mới mẻ được chơi bằng chân. Các công ty lớn của Nhật như Toyota đã ủng hộ truyền bá môn bóng đá và thành lập một giải đấu tập hợp những cầu thủ địa phương và những cầu thủ châu Âu và Mỹ La tinh đã qua thời kỳ vinh quang đến xứ mặt trời mọc trước khi giải nghệ.

Bây giờ nhiều cầu thủ Nhật đã sang châu Âu thi đấu, như là để đáp ứng một sự hiếu kỳ chứ không được như những lời quảng cáo. Ryo Miyaichi (Arsenal), Yuto Nagatomo (Inter Milan) hoặc Shinji Kagawa (Borrusia Dortmund) nằm trong số những người nổi bật nhất. Bằng cách như vậy, các CĐV nước Nhật chú ý đến các đội bóng nước ngoài để nuôi dưỡng sự ham thích bóng đá của mình, giống như các CĐV môn bóng rổ của Tây Ban Nha.

Sự đón nhận đối với Cúp Thế giới các Câu lạc bộ của FIFA được tổ chức tuần này tại Yokohama là một bằng chứng sống về sự ham thích “nửa vời” nói trên. Các đài truyền hình chỉ dành thời lượng ngắn cho giải. Và cũng chẳng có đám đông chen chúc đón chào các đội bóng. Tối chủ nhật, khi FC Barcelona đến sân bay Narita, chỉ có vài chục hymehyaru chờ đón họ, hầu hết là những đứa trẻ mới lớn ăn mặc ngộ nghĩnh như trong lễ Giáng Sinh. Đội Santos của Brazil cũng buồn không kém. Ở hành lang của khách sạn ở Nagoya, nơi Santos ăn nghỉ, có một lượng fan đông đảo, nhưng họ có mặt ở đây không phải để chào đón đội bóng của Neymar mà để chào đón Steven Tyler, ca sỹ của băng nhạc rock nổi tiếng Aerosmith hiện đang trình diễn tại thành phố.

Trong một đất nước mà môn giải trí vua là karaoke và những thanh niên không ngại ăn mặc theo lối rockabillys, tóc xoắn dây thừng, thì các ngôi sao nhạc pop đánh bại bất kỳ đối thủ thể thao nào cũng là điều dễ hiểu. Đến nỗi các cầu thủ của Barca như Xavi hay Pedro cũng chẳng có ai nhận ra khi họ dạo chơi ở một số tụ điểm đông người như Shibuya, Time Square của thủ đô Tokio. Không có nhiều CĐV dậy sớm để xem trận Madrid-Barca hôm thứ bảy vừa qua được truyền hình cáp của Nhật phát sóng. Ở đây, trận kinh điển của bóng đá Tây Ban Nha không nhận được nhiều sự chú ý, bởi vì trận kinh điển thực sự của họ là cuộc đối đầu giữa hai đội bóng chày: Các gã khổng lồ của Tokio và Các con hổ của Osaka, thuộc giải beisbol Nhật.



Giữa những toa tàu đông đúc, chẳng ai quan tâm tới Iniesta - Ảnh Internet

Mà đấy là trong hoàn cảnh nước Nhật cũng có Kashima Reysol, một đội bóng nhỏ xứng đáng được viết thành một chương cho phim hoạt hình nhiều tập Oliver và Benji. Vừa được lên chơi ở hạng hai, họ đã đăng quang và được tham gia vào giải đấu này. Được HLV người Brazil Nelsinho Baptista dẫn dắt, tên của đội bóng này biểu trưng cho sự kiên nhẫn, và trong hàng ngũ của mình đã từng có một cầu thủ nổi danh là Hristo Stoichkov.

Bóng đá trở thành một chuyện gì đó của phụ nữ ở đất nước mặt trời mọc. Đội bóng nữ của Nhật bất ngờ đăng quang tại World Cup tổ chức tại Đức, trong một trận chung kết nghẹt thở trước Mỹ, đội đã hai lần dẫn bàn trước nhưng lại thua trong loạt đấu phạt đền. Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản chớp cơ hội và làm mọi nỗ lực cần thiết để đăng cai World Cup nữ sắp tới và do đó họ sẽ không ứng cử chức chủ nhà của Giải Thế giới các CLB vào các năm 2013 và 2014.

Đối với giải hiện nay, vé cho hai trận bán kết và chung kết đã được bán hết. Trong trận chiến cuối cùng, giữa Barca và Santos, những người Brazil có lợi thế trên khán đài. Có tới gần 5000 CĐV đến từ nước Nam Mỹ trong khi từ Tây Ban Nha chỉ có 400 người , kể cả đội bóng xứ Catalunya. Tuy nhiên, phần lớn những người Nhật lại cổ vũ cho Barca do ảnh hưởng của cộng đồng người Nhật ở Sao Paulo, đều là con cháu của những người di cư đến thành phố nói trên của Brazil cách đây hơn 100 năm, và họ là fan của đội Sao Paulo, kình địch của Santos.

Trong những ngày này, các CĐV người Brazil khoác những chiếc áo choàng trắng đi dạo và thăm thú các ngôi đền của đạo Shinto và đạo Phật tại Tokio như Senso-Ji hay Maiji-Jingu. Họ sẽ phải cầu nguyện rất nhiều để hoàn thành ước muốn chiến thắng. Barcelona có các tuyến đều mạnh hơn và có thể từng cầu thủ cũng vậy, kể cả Neymar, một cái tên nổi như cồn bên cạnh danh tiếng của Messi và cũng như Cristiano đang chiếm nhiều chỗ trên trang bìa của các báo thể thao bởi số lần bóp cò trong các trận đấu của mình.

Mối nguy hiểm duy nhất là các cầu thủ Barca bị tấn công bởi một nỗi buồn vô định nào đó ở đất nước Nhật Bản vào mùa đông này, như điều xảy ra với các nhân vật chính trong phim Lost in translation. Trong cuốn phim tuyệt đỉnh của Sofia Coppola, một diễn viên ở độ tuổi xế chiều của sự nghiệp (Bill Murray) đến Nhật Bản để quay một bộ phim. Ông cố đi tìm lẽ sống cho cuộc đời mình trong trạng thái say khướt tại một quán bar của một khách sạn sang trọng (Park Hyaat của Tokyo) cho đến khi được Charlotte (Scarlett Johansson), một cử nhân triết họ theo chồng là nhiếp ảnh gia tới Tokyo, làm cho hồi tỉnh.

Đội bóng của Guardiola cũng đã giành được tất cả. Họ đến Nhật sau khi làm nhục đối thủ truyền kiếp Real Madrid, đội bóng đã bán linh hồn mình cho Jose Mourinho. Vì no nê chiến thắng, đội bóng áo đỏ-xanh còn rất ít động lực để chiến đấu tại Mundialito, giống như nhân vật do Bill Murray thủ diễn có thể để sự bàng quan về sự tồn tại cuốn mình đi trong khi đi tìm ý nghĩa cho những chiến công. Điều đó sẽ không xảy ra nếu các cầu thủ của Barca gặp được một nàng thơ tóc vàng biết trả lại cho họ khát vọng chiến thắng. Pep Guardiola đã phải mất cả ngày để thuyết phục các học trò của mình là chiếc cúp này cũng sáng giá như Scarlett. Chúng ta hãy chờ xem con mồi này có tác dụng hay không.

Khang Chi (lược dịch)

*: Tít bài đặt theo tên bộ phim "Lost in translation" của đạo diện Sofia Coppola, do diễn viên Bill Murray thủ vai chính.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm