11/07/2013 09:56 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Nữ hoàng Cleopatra (năm 69-30 trước Công nguyên) là nhà cai trị cuối cùng của Ai Cập thời cổ đại, là người đầy mưu mô và nhiều tội lỗi. Tuy nhiên thời hiện đại, bà lại trở thành một thần tượng trong văn hóa đại chúng và vẫn không ngừng thu hút thêm người hâm mộ.
Mỗi kỷ nguyên lại có một sự mô tả khác nhau về Cleopatra. Năm 1963, Elizabeth Taylor đã lột tả chân dung bà trong bộ phim Cleopatra và vai diễn đó đã đưa bà trở thành nữ diễn viên được công chúng mê mẩn. Giờ đây, Cleopatra đang là tâm điểm của cuộc triển lãm Cleopatra: The Eternal Diva được trưng bày tại Bundeskunsthalle ở Bonn (Đức).
Vẻ đẹp nữ hoàn hảo
Người ta biết rất ít về Cleopatra ở khía cạnh là một nhân vật lịch sử. Sinh thời bà được biết đến như người phụ nữ giàu có nhất thế giới. Bà từng liên quan đến 3 người đàn ông quyền lực nhất thời điểm đó, gồm Caesar, Mark Antony và Octavian, người sau này trở thành Hoàng đế Augustus. Caesar đã góp phần đưa Cleopatra lên nắm quyền và có con với bà. Huyền thoại điện ảnh Hollywood Elizabeth Taylor trong chân dung Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra
Sau khi Caesar bị ám sát vào năm 44 trước Công nguyên, Cleopatra đã hợp lực với người tình là Mark Antony để củng cố quyền lực của mình nhằm chống lại người thừa kế của Caesar là Octavian. Cleopatra và Antony có 3 con. Sau khi bị thua tại các trận đánh Actium và Alexandria, Mark Antony tự vẫn và Cleopatra cũng đã kết liễu đời mình bằng cách để cho rắn độc cắn.
Sau khi giành chiến thắng, Octavian đã truyền bá hình ảnh của Cleopatra là một người phụ nữ có sức quyến rũ ghê gớm và một nhà cai trị tàn bạo. Một thời gian dài sau khi bà qua đời, nhiều nghệ sĩ và nhà văn như William Shakespeare vẫn lấy cảm hứng từ nữ Pharaoh này và họ ra sức tái tạo hình ảnh của bà. Do không có nhiều tài liệu về người phụ nữ này, nên các nghệ sĩ đã thỏa sức thể hiện về huyền thoại của Cleopatra.
Trong thời Trung cổ, nhiều ký ức về thế giới cổ đại đã bị lãng quên. Tuy nhiên, trong thời kỳ Phục hưng, mối quan tâm tới Cleopatra đã được khơi lại và bà được tái thể hiện là một biểu tượng của vẻ đẹp nữ hoàn hảo. Mối quan tâm đặc biệt về bà vẫn được kéo sang thời kỳ Baroque, trong thế kỷ 17. Chẳng hạn như nghệ sĩ Italia Guido Cagnacci (1660-1663) đã mô tả Cleopatra đang hấp hối như thế nào.
Các nghệ sĩ còn tạo nên những hình ảnh tưởng tượng mô tả cuộc sống xa hoa của Cleopatra trong những cung điện nguy nga mang phong cách Baroque. Có 2 sự kiện được các nghệ sĩ đặc biệt quan tâm là cuộc gặp gỡ đầu tiên của bà với người tình Mark Antony và bữa tiệc mà theo tương truyền, Cleopatra đã hòa tan viên ngọc trai có giá trị nhất thế giới vào một bát dấm rồi uống. Sự kiện sau đã được họa sĩ Hà Lan Justus Van Egmon mô tả trong một họa phẩm.
Vào đầu thế kỷ 19, các nghệ sĩ châu Âu tiếp tục bị cuốn hút với chủ đề Ai Cập cổ đại. Các họa sĩ bắt đầu mô tả Cleopatra trong những bối cảnh phương Đông, biến vị bà thành một người phụ nữ bí ẩn. Bà còn được đặc biệt mến chuộng trên sân khấu và từng là nhân vật trọng tâm của đời sống văn hóa trong thế kỷ 19.
Giai đoạn đầu thế kỷ 20, nền công nghiệp quảng cáo đã nhanh chóng tái phát hiện Cleopatra và tận dụng hình ảnh của bà. Nhiều công ty đã lấy hình ảnh bà để quảng bá cho sản phẩm của mình. Chẳng hạn như năm 1910, hãng xà phòng Palmolive đưa hình ảnh bà lên sản phẩm của mình.
![]() Hình ảnh mô tả Nữ hoàng Cleopatra kết liễu đời mình bằng cách để cho rắn độc cắn, được trưng bày trong triển lãm Cleopatra: The Eternal Diva |
Cleopatra hiện vẫn ăn sâu trong ý thức của công chúng thời hiện đại và bà được coi là một thần tượng trên màn bạc. Bà từng là nhân vật chính trong một bộ phim của kỷ nguyên phim câm, tuy nhiên cho đến nay sự hóa thân của Elizabeth Taylor trong phim Cleopatra (1963) vẫn được coi là nổi tiếng nhất. Với nhiều người, gương mặt của Taylor lập tức hiện lên trong tâm trí họ mỗi khi nghĩ đến Cleopatra.
Theo một số nguồn tin, nhiều khả năng nữ minh tinh Angelina Jolie sẽ lột tả chân dung Cleopatra trong dự án điện ảnh sắp tới về bà.Triển lãm Cleopatra: The Eternal Diva tại Bundeskunsthalle ở Bonn cho thấy Nữ hoàng Ai Cập chủ yếu thu hút sự chú ý từ phương Tây. Ở châu Phi, quê hương Cleopatra, hiếm có sự miêu tả về bà. Bà được đưa vào các cuốn sách với vai trò là một học giả và một nhà cai trị hơn là một phụ nữ có sức quyến rũ đầy nhục dục. |
Rất nhiều nghệ sĩ trình diễn khác, trong đó có Lady Gaga, cũng lấy cảm hứng từ Cleopatra. Họ mượn một số nét đặc trưng của bà trong những hình ảnh mô tả về bà, như vẽ mắt đen, đeo đồ ngọc trai, vàng và để trang điểm cho mình.
Việt Lâm (theo DW)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất