CLB bóng đá Viettel: Từ đi Tây thành đi Phủ Lý

27/12/2009 14:01 GMT+7 | Hạng Nhất

(TT&VH) - Đội bóng hạng Nhất Viettel từng được hứa sẽ đầu tư tối đa, chấp thuận mọi đề nghị về chuyên môn, nhưng giờ lại đang khá vất vả trong quá trình chuẩn bị.

Từ đi Tây thành đi tỉnh lẻ

Trong ngày mừng công đội bóng Trung tâm bóng đá Viettel thăng hạng Nhất, lãnh đạo đã gật đầu trước đề nghị của BHL, rằng đội sẽ đi tập huấn ở nước ngoài trong quá trình chuẩn bị cho mùa 2010.

Thế nhưng giờ đây, sau chuyến đi nhồi thể lực ở Tam Đảo trong giai đoạn đầu tập huấn, thì đội hiện đang ở Phủ Lý (Hà Nam). Giai đoạn này được thừa nhận mang tính quyết định trong chu trình huấn luyện 3 tháng, nó sẽ ảnh hưởng tới phong độ của đội khi mùa giải chỉ còn 1 tháng nữa là khởi tranh.

Điều kiện tập luyện ở Phủ Lý không có nhiều thứ để coi là ưu điểm, ngoài việc khi cần thì di chuyển vào Ninh Bình, Nam Định đá giao hữu, nhờ gần hơn được chừng 50km.  

Trước đấy, đội tập trung ở đại bản doanh Phương Liệt (Hà Nội), nhưng cả trung tâm chỉ có 1 sân tập, lại phải chịu tới 4 cữ tập mỗi ngày (2 buổi của đội hạng Nhất, 2 buổi của đội U19), nên mặt sân và mặt cỏ rất xấu.  
 
Từ sẽ được “mua hàng khủng” thành “gom hàng thải”

Lãnh đạo đội bóng cũng từng chấp thuận không cần đắn đo trước đề xuất BHL sẽ đích thân ra nước ngoài tuyển quân, giống như đội V-League đã từng làm mùa 2009 (nhưng đội hạng Nhất tự tin sẽ không chọn lầm người).


Tương lai của bóng đá quân đội sẽ được hồi sinh từ lứa cầu thủ này?

Vậy mà trong suốt 2 tháng chuẩn bị đầu tiên, đội chỉ thử việc cầu thủ ngoại chứ không ký được hợp đồng với ai cả. Lý do không phải không chấm được cầu thủ da màu nào, mà đơn giản là vì chưa có ngân sách để thực hiện. Có cầu thủ ngoại ở đội khi trò chuyện về việc thử mãi mà không thấy đội bóng ký, cuối cùng đã chán, không tập luyện và cũng không thử việc nữa.

Cuối cùng, đội bóng cũng có được 3 cầu thủ ngoại. Nhưng cũng chỉ đơn thuần là những người đã qua đội này đội kia, và phải chờ tới khi bóng lăn, giải khởi tranh mới đánh giá được đúng thực lực và tính cách chuyên nghiệp.

Và từ tồn tại để chờ xóa sổ?

Viettel, một trong những tổng công ty có tiềm lực, nằm trong tốp 5 những doanh nghiệp nhà nước lớn nhất Việt Nam, lại vừa nhận được sự chấp thuận của Chính phủ, cho phép nâng cấp lên thành tập đoàn, dĩ nhiên không thể có một thành viên là đội bóng yếu kém về lực lượng, không đủ thỏa mãn bài toán thành tích chứ chưa nói tới thương hiệu.

Suy luận này dẫn tới một suy luận khác, thực chất là những thông tin mà người ta đã râm ran từ khá lâu: đội bóng hạng Nhất cũng sẽ chịu chung số phận như đội bóng V-League, bị bán cho một địa phương khác cần có tên trên bản đồ BĐVN?

Đó chỉ là suy luận, nhưng cơ sở của nó thì không phải không đáng nghe, bởi nếu Viettel muốn nuôi và làm đội bóng một cách tử tế, tương xứng, thì họ phải đầu tư tương xứng với tiềm lực. Tiền chưa bao giờ là vấn đề với Viettel, mà chỉ có thể là sự đam mê và khát khao bóng đá còn hay mất.

Nhưng vẫn đam mê

Ở đội bóng giờ đây không còn “những tướng, những tá” đã gắn liền với đội trong những năm thăng ít mà trầm nhiều. Nếu không tính các HLV trẻ, nay chỉ còn lại bộ đôi trụ cột, là Giám đốc Nguyễn Thanh Hải và HLV trưởng Đỗ Mạnh Dũng.

Nhưng cũng may, đó là những người mà người ta đã chờ đợi sẽ là tương lai của đội bóng, bởi khả năng và những tâm huyết của họ suốt cả một chặng đường dài.

Họ xây dựng lực lượng đội bóng từ những cầu thủ trẻ vô địch U19 QG, 2 năm thăng 2 hạng, cùng với những cầu thủ còn sót lại từ lứa đi Đức và Bulgaria tập huấn một cách bài bản nhất có thể. Các lứa trẻ đang được cơ cấu lại từ lứa năng khiếu tới U19.

Tất cả những điều đó được thực hiện để kỳ vọng nếu thành công, biết đâu bóng đá quân đội lại hồi sinh từ đống đổ nát sau vụ mua bán lịch sử, chuyển Thể Công cho Thanh Hóa.  

Phong Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm