Chứng khoán ngày 23/10: Lập đáy mới, chờ tín hiệu

23/10/2008 16:07 GMT+7 | Thế giới

Diễn biến trên hai sàn đang thử thách kiên nhẫn của các nhà đầu tư
Phiên hôm nay, VN-Index chính thức phá đáy 366 điểm, thiết lập hồi tháng 6 vừa qua. Nhiều nhà đầu tư chờ khối ngoại mua ròng trở lại để có thể nâng đỡ thị trường, nhưng vẫn chưa có tín hiệu.

Không có lần thứ 3 thành công, VN-Index không thể bật trở lại khi về gần đáy 366 điểm như hai lần trước. Chỉ số này đã giảm mạnh ngay đầu phiên, xuống hẳn mức 361,21 điểm trong đợt 1 (giảm 13,7 điểm, 3,65%).

Sang đợt 2, VN-Index giảm mạnh hơn khi mất tới 15,33 điểm (4,08%) và chính thức xuyên qua mốc 360 điểm, còn 359,58 điểm. Kết thúc phiên, chỉ số này gượng nhẹ trở lại với mốc 360,43 điểm, giảm 14,48 điểm chung cuộc (giảm 3,86%).

Kết quả trên có từ trên 90% mã niêm yết phiên này cùng giảm giá, trong đó phần lớn giảm hết khả năng. Cụ thể, trong tổng 164 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết, phiên này có tới 147 mã giảm giá với 126 thành viên giảm giá sàn. Còn lại chỉ có 8 mã tăng giá và 9 mã trụ ở giá tham chiếu.

Sự xuống dốc của thị trường hôm nay kéo theo hầu hết nhóm cổ phiếu có mức vốn hóa lớn nhất trên sàn vào vùng giảm giá; trong đó riêng VIC và VPL giảm nhẹ (cùng giảm 500 đồng/cổ phiếu), còn lại những thành viên khác nằm phổ biến ở giá sàn.

Trên bảng điện tử, trong nhóm cổ phiếu lớn chỉ có duy nhất ITA của Công ty Cổ phần Công nghiệp Tập Tạo tăng giá trần, thêm 1.600 đồng/cổ phiếu và không còn dư bán. Đây là phiên thứ hai liên tiếp cổ phiếu này tăng trần, dù đây là một trong những mã khối đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất trong hai phiên đó.

Ngoài ITA, 7 thành viên tăng giá còn lại là BPC, MCP, PNC, SDN, TDH, TTC và VTC.

Về khối lượng, toàn phiên có hơn 13,5 triệu đơn vị giao dịch thành công, ứng với giá trị 408,2 tỷ đồng.

Qua phiên này, VN-Index đã chính thức phá đáy 366 điểm của ngày 20/6, xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm qua. So với đỉnh kỷ lục 1.170,67 điểm của ngày 12/3/2007, VN-Index đã giảm tới gần 70%.

Về phiên hôm nay, sự chao đảo của thị trường chứng khoán Mỹ được xem là một yếu tố có tác động nhất định đối với thị trường trong nước. Và một lo ngại khác đang có trong dự tính của nhiều nhà đầu tư là khả năng rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

Phiên hôm nay, khối đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng cường bán ra và giảm mua vào. Thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) kết thúc phiên cho thấy, khối này chỉ mua vào 842.470 cổ phiếu trong khi bán ra tới trên 2,7 triệu cổ phiếu; giá trị tương ứng là gần 45,5 tỷ đồng và 130 tỷ đồng.

Trao đổi giữa một số nhóm đầu tư trên sàn, diễn biến bán ròng liên tiếp của nhà đầu tư nước ngoài suốt từ đầu tháng trở lại đây là một lo ngại, đi cùng với nhận định có dấu hiệu rút vốn. Với tỷ trọng khá lớn trong tổng giao dịch toàn thị trường, vai trò của khối này có ảnh hưởng và chi phối nhất định đối với xu hướng chung.

Thời điểm này, một số nhà đầu tư cho biết các quyết định của họ đang “căn” theo diễn biến giao dịch của khối ngoại. Khi tín hiệu mua ròng trở lại, có thể sẽ xuất hiện điểm hẹn mua vào, bởi giá chứng khoán cũng đã liên tục giảm xuống mức thấp.

Tại sàn Chứng khoán An Bình (ABBS) (101 Láng Hạ, Hà Nội) những phiên gần đây, trái với sự ảm đạm thường thấy của các kỳ suy giảm, lượng nhà đầu tư trực tiếp đến sàn rất lớn, chen chúc, trao đổi sôi nổi không thua kém không khí của thời thăng hoa cuối năm 2006 đầu năm 2007.

Một số nhà đầu tư tại đây cho rằng họ đã quá quen với sự suy giảm của thị trường trong hơn một năm qua; và đây là thời điểm nhạy cảm, cần sự chủ động bám sát thị trường và nắm bắt các tín hiệu để có quyết định chính xác. Một trong những tín hiệu quan tâm lúc này vẫn là giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài.

Trở lại phiên hôm nay, trên sàn Hà Nội, chỉ số HASTC-Index tiếp tục giảm mạnh với tỷ lệ đáng chú ý: giảm 6,27% so với phiên trước, ứng với 7,71 điểm bị mất và còn 115,34 điểm. Chỉ số này chỉ cần một phiên giảm điểm tương tự là có thể về mức thấp nhất trong lịch sử (107,76 điểm của ngày 10/6 vừa qua).

Tại đây chỉ còn lại 5 cổ phiếu tăng giá và chỉ duy nhất 1 mã đạt giá trần là VSP. Lượng mã giảm cũng đã lên đến 143 mã, 4 mã không có giao dịch và 1 mã ở giá tham chiếu.

Hầu hết các cổ phiếu lớn đều giảm giá mạnh ở phiên này, như ACB, KBC, KLS, NTP, PVI, PVS, VNR, VCG… Và tính chung có tới 97 cổ phiếu giảm giá hết khả năng.

Điểm chuyển biến tại đây là khối lượng đã tăng trở lại, đạt gần 8,4 triệu cổ phiếu, trị giá 258,2 tỷ đồng.
 
(Theo VnEconomy)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm