Chuyện vỉa hè: Tử tế thật khó

14/11/2015 10:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Quanh câu chuyện “ăn chặn của cả người tâm thần” mà mươi hôm trước, khắp các diễn đàn trên mạng người ta lao vào xỉ vả ông Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An không thiếu một từ ngữ thô tục nào. Rồi, một bài báo đưa ra ý kiến ngược lại, và có vẻ là có lý, thì gần như ào ào quay đầu, cô tác giả bài báo với những bức ảnh lõa thể của người tâm thần lập tức trở thành đích ngắm của các "thẩm phán mạng".

Ừ, hành xử như cô ấy chắc sai, thanh tra tỉnh cũng nói đây là chi sai mục tiêu, ông giám đốc không tư túi. Phải cái, cùng với việc ném đá cô, những người làm từ thiện - mà chắc chắn mục đích trong sáng chứ không mưu đồ gì - cũng ăn gạch theo. Đám đông lại cao giọng rằng không thể tin vào những người làm từ thiện.

Người ta kết luận: “Để trở thành một “nhà từ thiện” ở Việt Nam rất đơn giản. Chỉ cần có vài bức hình chụp một hoàn cảnh thương tâm đưa lên mạng xã hội, kèm ít lời than vãn lay động lòng trắc ẩn của cộng đồng, hoặc hình ảnh một nhân vật chụp cùng những người khuyết tật tại một trung tâm bảo trợ xã hội, lập tức người kêu gọi đã được gọi là nhà từ thiện và có quyền nhận những đóng góp vào tài khoản cá nhân mà không cần qua bất cứ một sự kiểm soát nào...

Vô số những tổ chức từ thiện do cá nhân tự lập đều đang có những bất cập về tính minh bạch và quản lý. Thậm chí, từ thiện đang có xu hướng biến tướng thành một “nghề” mang lại siêu thu nhập. Đã có không ít những ồn ào tai tiếng xung quanh vấn đề này. Hoặc người Việt làm từ thiện chỉ để thỏa mãn cá nhân chứ không hề quan tâm số tiền đó có được dùng đúng mục đích thiện nguyện của mình hay không…”.

Quả thật làm từ thiện dài hạn là ước mong của nhiều người. Nhưng bao năm rồi, một lời kêu gọi, một phiên chợ, những quyên góp trên mạng đã đem lại không ít quần áo, chăn ấm, sách vở, lớp học và những bữa ăn có chút đạm cho trẻ em vùng cao, vùng sâu, cho bà con vùng lũ những ngôi nhà.


Để tránh nạn cướp cơm từ thiện trước cổng bệnh viện, các nhóm từ thiện đăng ký sẽ được luân phiên sử dụng bếp của Bệnh viện Ung bướu TP để nấu cơm. Ảnh: Internet

Những người góp tiền làm thiện nguyện nhìn những đồ đạc, những căn nhà nhỏ bé ấy đến được với cộng đồng lòng cũng ấm lên nhiều. Minh bạch hay không có lòng mình, có trời biết, nhiều người nói thế.

Và nói chung những người âm thầm làm từ thiện vẫn làm không vì những lời chỉ trích nào. Về lý, những lời ấy chẳng sai. Có điều trên đời, người ta sống bên cạnh lý còn có cái tình.

Khổ nỗi chưa kịp trình bày gì, dù chỉ trong ý nghĩ, thì sáng nay mở báo đọc lại thấy nguyên trang cảnh “cướp cơm” từ thiện trước cổng Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Buồn quá, những người mang tấm lòng đi làm từ thiện.

Chỉ còn cách gõ vào bàn phím kêu lên: Sao làm người tử tế mà khổ thế này!

Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm