09/03/2012 06:32 GMT+7
(TT&VH Cuối tuần) - N., nhân vật trong chuyện vỉa hè của chúng ta đang nghĩ rất nhiều về sức khỏe. Không phải nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam mà vấn đề sức khỏe làm rối loạn tâm trí anh. Cũng không phải N. nghĩ về sức khỏe của riêng anh, mà anh nghĩ về tình trạng bảo vệ sức khỏe chung của toàn xã hội. Ngồi trên vỉa hè, người ta hay nghĩ đến những việc rất ít hoặc chẳng liên quan gì đến mình.
>> Chuyên mục: Lối sống đô thị
Đầu đuôi là bởi sau cái tin rất vỉa hè mà báo chí đưa mấy hôm vừa rồi, một cụ bà sống ở Đà Lạt, 82 tuổi qua đời để lại tài sản đến 50 lượng vàng mà không di chúc gì về thừa kế, N. cho rằng mối đe dọa cuộc sống các cụ già độc thân sẽ tăng lên… Một cụ già có vẻ nghèo, căn nhà trên ảnh của cụ rách nát như túp lều, mà lại có chừng ấy vàng trong nhà, như thế là quá bất ngờ với cả họ hàng lẫn kẻ trộm... Sẽ có không ít kẻ tự trách mình đã không quan tâm đến cụ sớm hơn. Việc kẻ cướp đột nhập tiệm vàng, cướp và sát hại dã man chủ tiệm… lâu nay không phải việc hiếm, nhất là khi cuộc sống tiếp tục khó khăn và vàng tiếp tục tăng giá, nghe đâu sắp vượt 50 triệu đồng một lượng.
Trên phố
N. nghĩ về điều này lúc uống trà chanh ngoài đường, chỗ đối diện Nhà thờ Lớn. Ở đây vỉa hè lúc nào cũng chật. Bọn thanh niên trẻ vừa cắn hạt hướng dương vừa rôm rả chuyện một Quỳnh Anh (và mẹ), một Phương Anh gì đó… ở một cái cuộc thi gì đó trên truyền hình có tên đâu như là Vietnam’s Got Talent. N. ít khi xem những chương trình này, anh cũng chỉ mang máng chuyện ầm ĩ, thư kêu cứu của một trong hai cô bé tên Anh kia gửi cho Quốc hội, nghe đâu không phải giọng điệu trẻ con…, vấn đề kêu cứu thì lại rất trẻ con, loại được nuông chiều quá mức, nhảy vọt lên khi có ai động đến mình. Thôi thì trẻ, nhà có điều kiện, gây ầm ĩ được đến đâu thì gây. Chứ như cụ già kia, chết âm thầm trong nghèo khó, đống vàng bạc tích cóp cả đời không mang đi được, không cho ai cả, uổng lắm…! Mà đấy còn là có của để tích cóp, còn bao nhiêu cụ già nghèo khó thật sự, cả đời không được nghỉ ngơi dù chỉ một ngày, bán nước chè nước vối, bán báo, bán bánh mì, bơm xe… Cuộc sống văn minh hiện đại lên từng ngày, mà vẫn còn bao nhiêu cụ già sống vất vưởng kiếm ăn qua ngày
Vỉa hè, ở khắp thành phố, đâu đâu cũng có những cụ già vất vưởng. Quanh cái Bờ Hồ ở Hà Nội này thôi, từ Cầu Gỗ, Hàng Trống, Hàng Hành, Bảo Khánh…, những ngày Đông rét mướt dưới 10 độ C, vẫn có những người già co ro vỉa hè, áo không đủ ấm. Một năm vài lần, các cụ già không nhà lại được cơ quan chức năng gom về những chỗ tập trung để nuôi nấng nhưng vài hôm họ lại trốn. Ở trại, có cơm ăn, nhưng nhà còn nhiều thứ cần, con cái cũng nghèo, có khi vẫn cần chu cấp. N. biết một cụ ông đánh giày, con trai duy nhất nghiện, cần có thu nhập để nuôi mình và vợ bệnh tật, nên chẳng còn cách nào là sống bám vỉa hè. Tất nhiên, những người già ấy, họ khiến người ta ái ngại, thậm chí bực mình, họ làm cho vỉa hè thêm phần nhếch nhác… Cứ âm thầm sống, sau một đợt lạnh kéo dài, trên vỉa hè lại vắng đi một số cụ già mà không ai biết. Ai chăm sóc sức khỏe cho các cụ khi con cháu, người thân không có? Ở vỉa hè, ai cũng biết là nghèo, có khi còn may mắn và an toàn hơn có môt căn nhà, mà chẳng ai ở cùng. Cụ bà ở Đà Lạt mới mất, có vàng trong nhà, cứ phải giữ, chẳng để ai động vào mình… Đấy là một cách rất tiêu cực, nhưng chắc cũng bởi nhiều chuyện đăng trong mục pháp luật của các tờ báo trên vỉa hè người ta hay đọc, ở đó quá nhiều các vụ người già cô đơn bị kẻ gian dòm ngó.
N. nghĩ linh tinh như vậy, vì anh cũng có bố mẹ già, nhờ Trời, sức khỏe chưa đến nỗi. Hôm nọ một cụ bệnh sơ sơ vào viện, con cái chăm sóc cẩn thận, nhưng so với bệnh nhân giường bên cạnh, là một cụ có con cái nghe đâu đương chức đương quyền, thì chẳng ăn thua gì. Cụ kia nhập viện mới nửa ngày, trong khi chờ phòng riêng, đã nườm nượp khách thăm. Tiền bạc hoa quả không thèm tính, riêng sừng tê giác đã mấy người mang đến. Đấy là thứ N. không dám mơ đến chuyện mua cho bố mẹ mình. Anh sẽ luôn mang một áy náy trong lòng là chưa báo đáp đầy đủ cho bố mẹ, nhưng bố mẹ anh may là không phải sống một mình…
Tin vỉa hè cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia nhập nhiều sừng tê giác nhất trên thế giới. Và dù bị cấm, chuyện sừng tê giác từ nhiều cửa vào Việt nam cũng rất dễ dàng!
Hà Phạm
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất