Chuyện vỉa hè: Sàng lọc sinh viên - cho thôi là thôi?

08/11/2015 08:13 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Chưa hẳn là yên với việc thi vào ĐH, CĐ năm học vừa rồi, mấy hôm rồi lại nghe các báo bàn chuyện sàng lọc sinh viên.

Thì ra, đỗ vào đại học cao đẳng rồi, không phải kiểu gì ba, bốn năm sau cũng có được mảnh bằng cử nhân (chưa bàn đến chuyện có bằng cử nhân nếu chưa xin được việc thì đi học tiếp cao học lấy bằng thạc sĩ. Có bằng thạc sĩ rồi vẫn chưa có việc thì học tiếp tiến sĩ...).

Bằng cử nhân không nghiễm nhiên mà có, vì sau khi các trường ĐH, CĐ thực hiện Thông tư 57/2012/TT-BGDĐT sửa đổi Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ, thì thời gian gần đây, số lượng sinh viên bị buộc thôi học khá nhiều. Bị cảnh báo kết quả học tập kém 2 lần liên tiếp mà không thay đổi, có thể phải thôi học. Con số cụ thể báo chí đưa ra là một ví dụ:

Trường ĐH Tây Nguyên công bố danh sách dự kiến hơn nghìn sinh viên, trong đó 414 sinh viên bị buộc thôi học và 627 sinh viên đang nằm trong diện cảnh báo. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, hằng năm cũng có cả trăm sinh viên bị buộc thôi học. Tại Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, trung bình mỗi năm học, nhà trường có hơn 2.000 sinh viên bị cảnh cáo học vụ và buộc thôi học.


Sinh viên sẽ bị sàng lọc trong quá trình học

Trong đó, có hơn 1.000 sinh viên bị buộc thôi học (gồm hơn 100 sinh viên thuộc hệ đại học, còn lại là sinh viên ở các hệ cao đẳng khác). Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM cũng cho biết, sau mỗi học kỳ, nhà trường đuổi học khoảng 100 sinh viên cùng với vài trăm sinh viên khác bị cảnh cáo học vụ rải đều ở các ngành học.

Tương tự, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM kết thúc học kỳ 1 vừa qua, trường này buộc thôi học 201 sinh viên, cảnh cáo học vụ gần 100 sinh viên; Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM buộc thôi học 280 sinh viên, cảnh cáo hàng trăm sinh viên khác…

Nghĩ đến cái sự học hành thi cử, bước chân vào được trường đại học khó thế, mà ra khỏi trường dễ thế, cũng ớn người. Thế nhưng ngẫm ra, các trường ĐH mạnh dạn cảnh cáo, buộc thôi học hàng ngàn sinh viên là một việc làm nên khuyến khích và rất cần thiết.

Thế cũng là một cách nói không với thành tích, nói không với thái độ tháo khoán, thả lỏng trong giảng dạy và học hành. Cứ trưng cái biển có bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp khá giỏi, bao nhiêu sinh viên tiếp tục học lên, đào tạo được bao nhiêu thạc sĩ, tiến sĩ... để rồi đến lúc đi làm, mới thấy cái sự học được ở trường chẳng đáng là mấy, như hiện nay ấy, thì buồn lắm!

Chỉ mong cho thôi là thôi, bao giờ đủ ý chí học hành thì quay lại. Chứ cho thôi để... chạy, thì các cháu sinh viên chơi lại càng chơi, càng không coi chuyện học là cần.

Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm