Chuyện về cụ Nguyễn Sư Lộ - người dạy chữ ở ven đường

20/11/2008 11:41 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Cụ Nguyễn Sư Lộ sinh năm 1519, là trưởng nam của cụ Nguyễn Thái Bảo và Từ Hạnh phu nhân, quê ở làng Bột Hưng, tổng Hành Vỹ, nay là xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Cụ chăm học từ thuở bé, năm 1554 thi đỗ Chế khoa đệ giáp nhất Tiến sĩ, cập đệ đệ tam danh, được ghi trên bia Tiến sĩ tại Văn Miếu (Hà Nội). Thời Tiền Lê, cụ giữ chức Lại Bộ Hữu Thị Lang, được phong tước Đoan Túc Hầu.

Nhưng vì yêu quý nghề dạy học nên cụ đã xin nghỉ việc triều đình, về quê mở trường dạy học cho lớp trai trẻ và con cháu trong làng.


Phiến đá ngày xưa cụ Nguyễn Sư Lộ ngồi dạy học hiện được nhân dân thờ cúng

Cụ có hai người con. Con trai là Nguyễn Thứ sinh năm 1572, chăm học và được dạy dỗ tốt nên năm 1598 đã thi đỗ Đệ Giáp Nhất Tiến Sĩ và được phong Hàn Lâm Viên Hiệu Lý Giảng Thái Thượng Tự Khanh (theo tộc phả họ Nguyễn, họ Bùi tại xã Hoằng Lộc và bia Tiến Sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội). Người con gái là Nguyễn Thị Liên. Trong làng có người thanh niên Bùi Khắc Nhất, nhà nghèo nhưng rất hiếu học. Cụ đã nhận Bùi Khắc Nhất làm con nuôi và đem về dạy dỗ học hành. Chẳng bao lâu Bùi Khắc Nhất đã thi đỗ Bảng Nhãn, được giao nhiều chức vụ quan trọng trong triều Tiền Lê và phong tước Bùi Đại Vương Thượng Đẳng Thần.

Bảng Nhãn Bùi Khắc Nhất đã thành thân với bà Nguyễn Thị Liên, con gái cụ Nguyễn Sư Lộ. Như vậy là một gia đình ở làng quê đã có ba người đỗ đại khoa gồm: cha, con trai và con rể. Thật đáng quý hóa và trân trọng lắm thay!

Tương truyền rằng cụ Nguyễn Sư Lộ có dị tướng là hai lông mày đỏ (biểu hiện của một người có biệt tài hoặc đức quý).

Ở bên đường trước cửa nhà cụ có một tấm đá, ngoài giờ dạy học trong nhà, cụ thường ra ngồi nghỉ trên tấm đá, sĩ tử trong vùng hoặc người qua đường thường hỏi cụ những điều còn nghi hoặc để mở mang học vấn. Cụ ôn tồn chỉ bảo tường tận cho những người đó. Nhân dân trong vùng trân trọng và trìu mến gọi cụ là Sư Lộ, có nghĩa là thầy giáo bên đường. Do đó cụ có tên là Nguyễn Sư Lộ.

Tấm đá ấy, con cháu hậu duệ của cụ còn giữ đến ngày nay và đang đặt tại Bảng Môn Đình xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Câu chuyện trên đây đã nêu tấm gương sáng về đức hiếu học và sự khuyến học của người xưa. Xã Hoằng Hóa ngày nay vẫn được tiếng là đất hiếu học. Ở đây hầu như không tổ chức dạy thêm và học thêm cho những học sinh phổ thông, nhưng các em thi đỗ tốt nghiệp phổ thông cũng như thi tuyển vào các trường Cao đẳng, Đại học thường đạt tỉ lệ đỗ rất cao. Ở đây cũng là địa phương cung cấp cho đất nước nhiều người con thành công, thành danh trên bước đường học vấn và công tác.

Nguyễn Bao

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm