Chuyện về bức thư tình làm thổn thức cả thế giới

18/10/2016 06:21 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Một bước đi qua cánh cửa nhà tù Reading, không khí bỗng nặng như chì trong những dãy hành lang hẹp dài như bất tận. Chính trong một phòng biệt giam u ám ở đây, nhà viết kịch, nhà thơ, nhà tiểu luận, thiên tài mang tính biểu tượng Oscar Wilde đã viết nên bức thư tình làm thổn thức cả thế giới.

Vào ngày 16/10/2016 vừa qua - nhân kỷ niệm 162 năm ngày sinh Oscar Wilde - tiểu thuyết gia nổi tiếng Ireland Colm Toibin đã trở lại phòng biệt giam khu C, nơi thiên tài của đất nước ông từng bị giam giữ trong 2 năm, để đọc lớn cuốn De Profundis (tạm dịch: Từ trong sâu thẳm) cho mọi người nghe.

Nỗi đau không bao giờ gửi đi

Đầu năm 1895, khi đối mặt với án tù 2 năm theo luật chống đồng tính luyến ái, Oscar Wilde không tưởng tượng được quãng thời gian ngồi tù sắp tới sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới mình như thế nào. Người đâm đơn kiện ông là hầu tước Queensberry, cha của người tình Alfred Douglas.

Trong thời gian bị biệt giamđầu tiên tại nhà tù Pentonville và Wandsworth rồi sau đó chuyển tới nhà tù Reading hồi tháng 11/1895, Wilde phải ngủ trên chiếc giường ván ghép không nệm. Vào một giờ được phép ra sân tập thể dục mỗi ngày, ông bước đi trong hàng riêng và không được phép nói chuyện với các tù nhân khác. Ông không thể ngủ, luôn luôn đói khát và đau đớn vì kiết lị.


Oscar Wilde (trái) và người tình Alfred “Bosie” Douglas

Major Nelson, quản lý nhà tù Reading khi đó nói với bạn ông rằng: “Anh ta trông khỏe. Nhưng cũng giống như tất cả những người đàn ông không quen lao động chân tay khi phải nhận một án phạt như thế này, anh ta sẽ chết trong vòng 2 năm”.

Tuy nhiên, chính Nelson lại là người nới lỏng các quy tắc để giúp vị tù nhân đặc biệt được thoải mái hơn. Tháng 1/1897, khi Wilde vẫn còn 4 tháng tù, ông và Nelson đã đưa ra một ý tưởng rất khéo léo.

Theo quy định của nhà tù, tù nhân không được phép viết kịch, tiểu thuyết hay tiểu luận, nhưng lại được phép viết thư. Quy định cũng không nêu rõ thời gian cho phép để viết một lá thư và nếu lá thư chưa viết xong, sau khi mãn hạn tù, tù nhân có thể được phép mang theo.

Nhờ vậy, một mình trong phòng biệt giam, Wilde được cấp bút và mực mỗi ngày. Những tờ giấy ông viết được mang đi vào buổi tối và sau đó, được trao lại cho ông vào sáng hôm sau, như để sửa lỗi. Tác phẩm De Profundis đã ra đời theo dạng một lá thư dài như vậy.

Bức thư được viết cho kẻ bội tình Alfred Douglas tràn ngập những cay đắng tủi hổ về mối tình ông từng hết lòng nâng niu, nay bị đáp trả bởi nỗi cô đơn, nhục nhã và sự im ắng tù đọng đáng sợ trong phòng biệt giam.

Khi ra tù, Wilde mang theo “bức thư” De Profundis nhưng không gửi cho Alfred “Bosie” Douglas. Ông đã đưa bản thảo cho nhà báo, đồng thời là tình cũ Robert Ross. Ross đã sao thêm 2 bản và gửi 1 bản cho “tình địch” một thời. Bosie sau đó tuyên bố ông đã hủy bản sao này mà không thèm đọc.

Bản thảo được xuất bản lần đầu năm 1905 (5 năm sau cái chết của Wilde) với nhiều đoạn về Bosie và gia đình bị cắt bỏ. Bản đầy đủ hơn phát hành năm 1908 và tới tận năm 1962, gần hai thập kỷ sau cái chết của chính Bosie, nguyên tác mới ra mắt độc giả.


Nhà tù khét tiếng Reading lần đầu mở cửa cho công chúng để tưởng nhớ Oscar Wilde

Một kiệt tác văn chương

Từ ngày 4/9 tới ngày 30/10, lần đầu tiên trong lịch sử, nhà tù Reading mở cửa cho công chúng để tham dự triển lãm Inside: Artists And Writers In Reading Prison như một sự tưởng nhớ về nhà văn vĩ đại Oscar Wilde. Triển lãm gồm nhiều hoạt động đậm không khí Oscar Wilde với sự có mặt của nhiều nhà văn, diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng. De Profundis là trọng tâm của triển lãm bởi hoàn cảnh ra đời đặc biệt và hơn cả, là bởi giá trị văn học lớn lao của nó.

Trong nhiều thập kỷ qua, De Profundis được giới thiệu ở rất nhiều thể loại, từ thư tình có lối viết đột phá tới tự truyện, thậm chí, bài thuyết giáo nhưng nó không thật sự nằm ở thể loại nào.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, rằng giống như Thư gửi bố của Kafka, De Profundis là một kiệt tác văn chương hơn là một bức thư cá nhân. Nó không hoàn toàn phản ánh thực tế mối quan hệ giữa Wilde với Bosie mà còn là văn bản giàu trí tưởng tượng, đầy tính hùng biện và trên hết, là bức thư tình vĩ đại và phức tạp nhất từng được viết ra.

Đồng giám đốc đơn vị tổ chức triển lãm, ông Michael Morris đồng ý rằng triển lãm được thúc đẩy bởi “lối biểu đạt nghịch lý rất đáng chú ý” của bức thư.

“Lần đầu đọc lá thư cách đây 2 thập kỷ, tôi nhớ là mình bị cuốnhút bởi phần đầu, khi Wilde nóng nảy cáo buộc Bosie” - ông Morris chia sẻ. “Bây giờ, tôi lại bị trói buộc vào phần sau hơn, nơi ông cật vấn bằng những câu hỏi đầy đau thương. Nó thật đẹp”.

Còn theo nhà văn đồng hương Toibin, rất nhiều dòng trong De Profundis mới lạ đến khác thường, một lời tuyên bố dõng dạc rằng đa cảm đơn thuần là triền bãi miên man những nỗi hoài nghi.

“Ông ấy hiểu vị trí quan trọng của mình. Ông đặt tên mình cho một thời đại, một kiểu đầy đa cảm. Nhưng những năm cuối đời, sau khi được thả, ông đã phải chịu đau đớn quá nhiều” - Toibin ngậm ngùi.

Oscar Wilde qua đời 3 năm sau khi ra tù trong cảnh cô đơn, nghèo túng và bị xã hội khinh bạc. Cả cuộc đời sống trong cảnh phong lưu phóng đãng nhưng với Wilde, hời hợt mới là sự trụy lạc tột cùng. Bởi thế, dù chỉ để lại cho đời 1 tiểu thuyết, 4 tập truyện ngắn, 4 tập thơ, 10 vở kịch cùng một số tiểu luận và bài viết, Oscar Wilde được người đời nhớ là đỉnh cao của văn chương cầu kỳ duy mỹ, bất chấp những rên rỉ yếu ớt của đạo lý luân thường.

“Ông là vị giám mục suồng sã đang tìm kiếm sự tôn nghiêm thông qua mặt đối lập của nó” - Colm Toibin nhận định.

Thư Vĩ (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm