01/03/2012 14:52 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH) - Có những cô gái mắc chứng bệnh tâm thần, trong những ngày đi lang thang đã bị hãm hiếp và mang thai bởi những gã đàn ông đồi bại. Để rồi sau đó, lẫn khuất phía sau khuôn mặt hoang dại, mớ ngôn từ lộn xộn của những bà mẹ “điên” là tình mẫu tử thiêng liêng.
Khi những cơn “loạn thần” đi qua, nỗi khắc khoải nhớ con của các bà mẹ “điên” lại dâng trào, dày xéo họ trong suốt quãng đường đời còn lại.
Những cuộc chia ly vĩnh viễn
Một buổi sáng cuối tháng 2, chúng tôi có mặt tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần TP.HCM tại quận Thủ Đức, nơi đây có hơn 1.200 người tâm thần đang sống và điều trị, phần lớn đều bị thân nhân bỏ rơi. Điều đó có nghĩa, “họ mãi mãi không được bước ra ngoài cánh cổng sắt của Trung tâm để tái hòa nhập xã hội, cho dù căn bệnh tâm thần đã được… khắc chế”, như lời một bác sĩ ở đây.
Bác sĩ L.T.P, Trưởng trạm Y tế của Trung tâm dẫn chúng tôi vào trại C, nơi nuôi dưỡng và điều trị cho những nữ bệnh nhân tâm thần (BNTT). Ông không cho chúng tôi ghi rõ họ tên nhân vật. Câu chuyện đầu tiên mà chúng tôi nghe, Điệp, nữ BNTT 27 tuổi, vào Trung tâm năm 2002 sau những ngày tháng lang thang, bị cưỡng hiếp và mang thai.
Bệnh nhân Lê Thị Tám: “Em không muốn xa con em"
“Điệp không trắng trẻo nhưng đẹp và dễ thương. Trước khi vào đây cô đã mang bầu 3 tháng. Trong ký ức mơ hồ Điệp chỉ nhớ là nhà mình ở chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh. Tôi cố gắng tìm mọi cách liên lạc với gia đình của Điệp, để nói về tình hình của Điệp và cả đứa con đang lớn lên từng ngày. Nhưng gia đình đã phủ nhận và chối bỏ. Còn gặng hỏi về cha của đứa bé là ai, Điệp nhìn tôi bằng ánh mắt ngơ ngác” - bác sĩ L.T.P hồi tưởng lại.
6 tháng trong Trung tâm, rồi cũng đến ngày “chuyển dạ”, Điệp sinh con trong điên loạn, đau đớn, ngay cả cho đến khi đứa bé chào đời, Điệp nhìn đứa con của mình bằng ánh mắt “vô hồn”. Thế rồi khi cơn “loạn thần” tạm yên, Điệp lại hỏi: “Con tôi đâu rồi bác sĩ?”
Sau khi sinh con, Điệp được chuyển từ BV Phụ sản về Trung tâm, mỗi ngày các y bác sĩ thay phiên nhau chăm sóc cho bé và dành 2 tiếng để đưa bé vào gặp mẹ cho bú. Bác sĩ L.T.P kể: “Ngày tôi trực, đến giờ bế bé vào để Điệp cho bú. Hai tay tôi nâng bé để uống từng giọt sữa mẹ, thế rồi trong cơn điên, Điệp tát vào mặt con. Tôi ôm bé chạy ra xa, rồi hỏi sao đánh con? và Điệp trả lời: nó bú đau quá là đánh”.
Các y bác sĩ ở Trung tâm này không nhớ hết được đã bao lần đón những đứa bé chào đời từ những nữ BNTT, các y bác sĩ ở đây vừa cảm thấy vui mừng, hạnh phúc khi những đứa trẻ này ra đời lành lặn, rồi lại vừa cảm thấy xót xa cho số phận nghiệt ngã của những đứa bé sẽ lớn lên trong cô nhi viện, không được sống trong vòng tay yêu thương của người mẹ. Và những bà mẹ điên lại phải cứa lên mình một vết thương sâu thẳm trong tâm hồn với nỗi nhớ con da diết mỗi khi bừng tỉnh sau cơn điên. Và từ đó cuộc chia ly có thể vĩnh viễn, những bà mẹ “điên” mãi mãi không còn gặp lại đứa con bé bỏng của mình.
Y tá Phó trưởng trại C, Nguyễn Lệ Vân đã công tác tại Trung tâm hơn 30 năm tâm sự: “Họ đã mất chức năng làm mẹ, nên khi các bé chào đời thì ở lại Trung tâm được vài hôm để các y bác sĩ ở đây chăm sóc và làm thủ tục chuyển về Trại trẻ mồ côi Tam Bình”.
Tình mẫu tử thiêng liêng
Thời gian trôi qua hơn 4 năm, nhưng mỗi khi Điệp ra khỏi cơn điên, Điệp luôn lại chạy tìm đến các y bác sĩ để hỏi: “Con tôi đâu rồi bác sĩ”? Bác sĩ L.T.P cho biết: “Mỗi lần như thế, tôi lại nói với Điệp là: mấy bác sĩ đưa qua một chỗ gần đây chăm sóc, Điệp ráng khỏe lại bình thường, bác sĩ đưa Điệp qua thăm con nhé”. Thế nhưng, chẳng có cơ hội nào để tôi đưa Điệp đi được cả, thời gian tỉnh táo của Điệp không đủ để qua thăm con của mình”.
Đến lúc này, Điệp đã chuyển qua cơ sở 2 của Trung tâm tại huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và ước ao gặp lại đứa con của mình là một điều… không thể. Bác sĩ Nguyễn Văn Ngái, Giám đốc Trung tâm buồn nói: “Nhiều bệnh nhân nói với tôi là họ muốn ra ngoài, muốn được gặp con, được sống gần con. Nhưng họ đều bị người thân rũ bỏ và họ phải sống ở Trung tâm mãi mãi”.
Tại trại C, chúng tôi gặp chị Lê Thị Tám, 29 tuổi, một BNTT vừa vào Trung tâm khoảng 3 tuần cùng với đứa con trai Trần Đình Duy, 6 tuổi. Theo các bác sĩ, Tám phải vào trại vì do mâu thuẫn chuyện gia đình ở Lâm Đồng nên phát bệnh tâm thần và ôm con đi lang thang tại TP.HCM cho đến khi công an quận 1 đưa vào đây.
Khi nói chuyện với chúng tôi, Tám vẫn ôm chặt bé Duy vào lòng. “Xin mấy anh giúp em đừng để em phải xa con, em bình thường mà, em muốn ra ngoài để đi làm, ở đây em không làm được gì cả. Ra ngoài em làm ruộng, làm công nhân để lo cho con em đi học. Em không chịu nổi khi phải xa con” - Tám đã van xin chúng tôi như thế.
Khi đưa Tám vào Trung tâm, BGĐ Trung tâm đã nghĩ ngay đến việc đưa cháu Duy về trại trẻ mồ côi Tam Bình, tuy nhiên khi mỗi lần các bác sĩ nói với Tám về việc đó, Tám đều lồng lộn, hung dữ, hét lớn: “Nếu bắt con tôi, tôi sẽ đập đầu vào tường chết ngay”.
Bác sĩ L.T.P không cầm được nước mắt, nói: “Nếu là tôi, tôi còn “điên”, còn làm dữ hơn Tám nữa. Tình mẫu tử thiêng liêng lắm”.
Và có lẽ câu chuyện có hậu nhất mà chúng tôi nghe được là của BNTT nữ có tên Vân Roai. Cô cũng từng bị hãm hiếp và đã có một bé trai chào đời vào năm 2007. Nhưng Vân Roai hạnh phúc hơn những bà mẹ điên khác, tháng 3/2008, cô đã được gia đình phát hiện và đón cả 2 mẹ con cô về quê hương.
Chia tay Trung tâm Điều dưỡng BNTT TP.HCM, chúng tôi thầm mong sao sẽ không còn những nghịch cảnh… “khi người điên có bầu”.
Anh Đức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất