04/11/2015 18:10 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Dự thảo đề án “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” đã được ban soạn thảo thuộc Bộ GD&ĐT hoàn thiện vào tháng 8 vừa qua. Trong năm 2016, đề án sẽ được Quốc hội đưa ra thảo luận với mục tiêu là “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, nhằm đáp ứng cơ hội và thách thức của thời đại.
Câu chuyện quả táo thối
“Tự học” có lẽ cũng chính là sự thay đổi lớn nhất về mặt tư duy giáo dục, theo như đề án. Nhìn vào thực tế hiện nay, không khó để tìm thấy những ý kiến từ các học sinh, phụ huynh cũng như các chuyên gia cho rằng nền giáo dục của nước ta quá nặng nề về cung cấp kiến thức. Điều đó dẫn đến những biến thể như học vẹt, học thêm, “nhồi nhét” kiến thức... Định hướng dạy dỗ, cũng vì thế, đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Nhà bác học Thomas Alva Edison, một tấm gương sáng về tinh thần tự học
Trước hết, hãy quay về năm 1854. Khi ấy, ở Mỹ, một sự kiện rất nhỏ diễn ra. Giáo viên Reverend Engle của trường Port Huron (bang Michigan, Mỹ) mắng mỏ một học sinh 7 tuổi là “quả táo thối”. Quá tức giận, cậu nhỏ này tức giận đi thẳng về nhà.
Bà Nancy, mẹ của “quả táo thối” dắt con đến trường vào ngày hôm sau để tìm hiểu rõ câu chuyện. Ban đầu, mục đích của bà là gửi lời xin lỗi vì nghĩ rằng con mình đã làm sai điều gì đó. Nhưng khi gặp giáo viên Engle, bà Nany đổi ý hoàn toàn.
Con trai bà hóa ra chỉ đơn giản là đã hỏi những câu “Vì sao” quá nhiều, còn người giáo viên độc đoán thì cho rằng thằng nhóc nên im lặng và làm theo hướng dẫn.
Thủ tục rút hồ sơ cho con lập tức được bà Nancy hoàn tất. Bà cho rằng cách giáo dục khô cứng và áp đặt không thể là môi trường tốt cho con trai. Nancy quyết định sẽ tự dạy dỗ con ở nhà, thay vì gửi gắm vào bất kỳ trường lớp nào khác.
Việc đầu tiên bà làm là dạy con tập đọc. Sau đó, trước sự tò mò của cậu nhóc về mọi thứ xung quanh, bà bắt đầu mua cho con những cuốn sách thiếu nhi về khoa học vật lý.
Đụng trúng sở thích, cậu bé đọc từ cuốn sách này sang cuốn sách khác về chủ đề này. Nghiền ngẫm những cuốn sách chưa đủ, cậu nhờ bố mẹ mua những thiết bị hóa học, vật lý, điện năng đơn giản để tự làm thí nghiệm. Dĩ nhiên những vị phụ huynh này không tiếc gì việc tạo điều kiện cho con khám phá thế giới.
Không dừng lại ở khoa học, cậu bé tò mò này còn tự tìm đọc hết những tác phẩm văn học kinh điển tính tới thời điểm bấy giờ và trở thành người hâm mộ lớn của Victor Hugo. Đến năm 12 tuổi, cậu bắt đầu đọc cả những cuốn sách triết học đầu tiên.
Dĩ nhiên, cảm hứng chính của cậu vẫn dành cho khoa học. Tự học, tự đọc, tự nghiên cứu và tự thử nghiệm, sau này, “quả táo thối” ngày thơ ấu ấy được biết đến như một trong những nhà sáng chế vĩ đại nhất lịch sử nhân loại.
Chúng ta vừa kể lại cho nhau câu chuyện của Thomas Alva Edison, người mà mọi tri thức tiếp thu đều từ thứ tinh thần tự học mà bà mẹ Nancy dạy cho từ ở nhà.
Bài toán siêu khó không chỉ với học sinh
Rõ ràng, “tự học” chính là điều tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể dạy dỗ, xây dựng cho trẻ thơ. Việc nhồi nhét kiến thức bao nhiêu năm qua đã tự chứng minh rằng phương pháp ngược lại là không phù hợp.
Học sinh lớp ba Việt Nam từng đón nhận những bài toán siêu khó, đến nỗi lên mặt báo nước Anh như một sự “ngưỡng mộ” về kiến thức trong giáo dục Việt Nam, nhưng người Anh khi ấy đã nói đến việc họ bỏ xa Việt Nam trên gần như mọi mặt phát triển.
Bài toán lớp 3 siêu khó của học sinh Việt NamLượng kiến thức ấy được nhồi nhét để làm gì thì chưa ai biết, nhưng hệ quả thì đã rõ. Sau mỗi mùa thi lại thấy hình ảnh những cổng trường trắng màu... “phao”. Thành ngữ hiện đại sinh ra câu “Dân ta không biết sử ta thì tra Google”.
Ngược lại, việc học nếu bắt đầu từ sự tự học của chính học sinh thì sẽ trở thành kiến thức thật sự, được lưu trữ thực sự và sử dụng một cách hiệu quả.
Tôi tìm gặp chị Phạm Thiên Hương ở Thanh Xuân, Hà Nội. Chị Hương hiện đang là quản trị viên của một diễn đàn có tên “Homeschooling Vietnam”. Đó là nơi gặp mặt, qui tụ của những phụ huynh dạy con ở nhà.
Không đến nỗi quá bức xúc như bà Nancy Edison nhưng chị Hương cũng tỏ ý không hài lòng về cách dạy học cứng nhắc, khuôn mẫu sáo rỗng của trường công lập hiện nay. Và chị quyết định tự dạy con tại gia.
Chị chia sẻ, giáo trình dạy con mà chị đã mua là từ Mỹ, hết 1.260 USD, trong đó có đầy đủ tài liệu, băng hình và hướng dẫn cho trọn vẹn một năm học. Chị tự tìm hiểu và chuyển hóa cho phù hợp với điều kiện tại Việt Nam. Hai con nhỏ nhất của chị được dạy đọc, dạy viết, giờ đã biết nói lưu loát cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt.
Với chị Phạm Thiên Hương: “Kiến thức từ giáo trình học tại gia chẳng thua gì ở trường bình thường”
Cũng như điều bà Nancy đã làm với Thomas Edison, giáo trình của chị Hương cũng chỉ hướng tới việc cung cấp những kỹ năng cơ bản, rồi sau đó định hướng cho con tìm hiểu những gì con thích.
“Kiến thức từ giáo trình học tại gia chẳng thua gì ở trường bình thường” – chị Hương khẳng định. “Thậm chí, nó còn nhiều hơn nữa, bởi con tự chủ động tìm hiểu qua sách báo rất tích cực. Con cảm thấy thích nên con học cũng nhanh hơn”.
Rõ ràng, “tự học” đang là một định hướng đúng đắn của đề án “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”. Nhưng đây vẫn chỉ là định hướng, tinh thần. Chi tiết thực hiện ra sao, yếu tố con người như thế nào sẽ là điều làm đau đầu các nhà quản lý giáo dục trong thời gian tới. Nhưng ít nhất, chúng ta đang chọn đúng đường.
Vào 8h30 sáng thứ Năm, 5/11, tại Hội trường tầng 4 – Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, số 53 Nguyễn Du – Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED Communication) sẽ tổ chức hội thảo có tên: “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - Từ tầm nhìn đến hiện thực”. Hội thảo sẽ bàn luận về dự thảo đề án cải cách giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra xin ý kiến rộng rãi từ tháng 8/2015, có sự tham gia của đại diện ban biên soạn, các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực quản lý giáo dục, đại diện của giới giáo viên, nhóm Homeschooling Vietnam, anh Nguyễn Quang Thạch, người phát triển tủ sách trong cộng đồng... |
Dũng Lê
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất