Nghệ nhân Nguyễn Đăng Khiêm qua nét vẽ của con trai. |
Nếu như nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế sáng tác khoảng 15 bức tranh Đông Hồ thì ông Khiêm đã sáng tác tới gần trăm bức tranh (chưa có ai thống kê chính xác) mang phong cách Đông Hồ. Sở dĩ tôi dùng chữ “mang phong cách” vì trong đó chỉ có một số ít tranh có bản khắc gỗ, còn lại chủ yếu là vẽ tay, và những bức thuộc loại tranh trổ giấy. Nhưng đúng như con trai ông tự nhận: “Bố tôi là một tâm hồn Đông Hồ, ông ấy vẫn tiếp nối các sáng tác mà tổ tiên để lại”.
Đánh Mỹ trong tranh Đông Hồ
Bước vào nhà ông Nguyễn Đăng Giáp, con trai nghệ nhân Nguyễn Đăng Khiêm, người ta phải chú ý ngay đến bộ tứ bình Sơn Tinh Thủy Tinh treo trang trọng ở gian giữa. Bộ tranh khổ lớn, mô tả lại cảnh cầu hôn, chiến trận giữa sơn thần và thủy quái, cảnh ca khúc khải hoàn của Sơn Tinh với người đẹp Mị Nương… Bố cục tranh dàn đều trên một mặt phẳng, không tuân theo luật “viễn, cận”, sử dụng nhiều nét tròn, màu sắc sặc sỡ, đúng đặc trưng của tranh Đông Hồ, nhưng là bản vẽ tay, với những nét vẽ hết sức tinh xảo và công phu. Bức tứ bình này khiến các họa sĩ sành về mỹ thuật dân gian như Phan Cẩm Thượng, Đức Hòa… phải vị nể.
Khách càng ngạc nhiên hơn nữa khi thấy chủ nhà vào nhà trong bê ra các bản khắc gỗ, một tá tranh cuộn và hàng chồng tranh giấy dó dày cộp, bày ra giữa nhà. Tất cả đều là tranh do bố ông sáng tác trong suốt cuộc đời gần 90 năm (1914-2002).
Bản khắc gỗ Tuổi cao trí càng cao, không có bản in nào (trừ bản in giấy điệp để ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), nhưng nhìn vào đó (hình khắc lộn ngược), tôi cũng thấy được phần nào cảnh các lão dân quân Hoằng Hóa (Thanh Hóa) bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường. Số hiệu máy bay vẽ trong tranh là 2400. Vậy là chiến công oanh liệt này chẳng những đi vào lịch sử mà còn lặng lẽ đi vào… nghệ thuật dân gian. Và sau hơn 40 năm đến hôm nay, bản khắc bằng gỗ thừng mực (một loại gỗ kém hơn so với gỗ thị) đã bị rạn một chút ở giữa…
Bức Hà Nội- Huế- Sài Gòn đánh Mỹ
Nghe lời ông Giáp kể, tôi hình dung ra “cơ chế” để “chuyển hóa” các sự kiện thời chống Mỹ hào hùng vào “nghệ thuật dân gian” như sau: ban ngày ông Khiêm đi làm Nhà nước - cũng là khắc tranh, phục chế tranh dân gian ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – ban đêm, ông về ngồi nghe tin tức thời sự, ta thắng, địch thua…, thế rồi cặm cụi ngồi vẽ. Con trai ông cũng chưa thống kê được ông đã vẽ bao nhiêu bức, tới con số 100 thì không biết, nhưng khoảng dăm chục bức là còn giữ lại được đến nay. Một bản khắc gỗ còn giữ lại được là bức Hà Nội, Huế, Sài Gòn đánh Mỹ vẽ năm 1968 ngay trong năm Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Với lối tư duy hình họa đặc trưng của Đông Hồ, người xem có thể thấy không khí chiến trận cả ba miền, sinh động, cụ thể, bám sát sự thật lịch sử, tất cả đã được thể hiện trên bản khắc gỗ khổ chỉ nhỏ như quyển vở học sinh (khoảng 20x30cm)… Cũng như “truyền thống” các tranh Đông Hồ thời chống Pháp, chống Mỹ, ông khắc thêm câu thơ Bác Hồ vào tranh “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng lợi tin vui khắp mọi nhà” để tăng hiệu quả tuyên truyền...
Bổ khuyết cho bộ Tứ bình của dân gian
Hình như bên cạnh công việc hàng ngày là… vẽ theo thời sự để được triển lãm, in báo Thiếu niên Tiền phong, ông Khiêm còn lặng lẽ chăm chút cho những bộ tứ bình lớn, công phu mà bộ Sơn Tinh - Thủy Tinh chỉ là một. Với một nghệ nhân dân gian như ông, thì các câu chuyện truyền thuyết, dân gian đã thấm đẫm trong đầu, cứ thế mà vẽ ra thôi. Ông vẽ Quan Âm Thị kính, 4 bức được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật VN. Bức tranh theo phong cách Đông Hồ này còn đoạt HCĐ Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1985 (mà nay ở nhà chỉ còn bản hình phác thảo). Ông vẽ Mị Châu - Trọng Thủy cũng là tranh tứ bình, với cảnh lầu các nguy nga, đặc biệt có cảnh xác Mị Châu dưới nước, Trọng Thủy đứng trên bờ trông rất thương tâm. Có vẻ như ông hiện nhiều cảm xúc của cá nhân mình với câu chuyện này hơn là việc “mô phỏng” lại nó bằng 4 bức tranh theo phong cách dân gian.
Bộ Tứ bình “Sơn Tinh- Thủy tinh”
Tranh Đông Hồ vốn đã có những mẫu “Xuân Hạ Thu Đông”, ông lại sáng tác thêm một Xuân Hạ Thu Đông mới với cảnh voi, hươu, nai rất ngộ nghĩnh.
Một câu chuyện rất lý thú mà Giáp kể lại, ấy là khi Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam căn cứ vào tư liệu của người Pháp để khôi phục lại bộ tứ bình Tố nữ (vẽ các cô gái ngồi đánh đàn), thì công việc bị tắc lại, vì người Pháp chỉ chụp được có 3 bức, vậy là bộ Tứ bình còn thiếu mất một cô. Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật VN bấy giờ là ông Nguyễn Văn Y đã giao nhiệm vụ cho ông Khiêm là phải “sáng tác” thêm cô “Tố nữ” thứ 4 cho bộ Tứ bình được hoàn thiện.
Tuân lệnh thủ trưởng, ông Khiêm đã cặm cụi ngồi vẽ cả chục mẫu Tố nữ với các tư thế khác nhau (nay bản thảo vẫn còn)… để Hội đồng nghệ thuật của Bảo tàng góp ý, chỉnh sửa sao cho “ăn nhập” được với 3 cô còn lại của dân gian. Cuối cùng bức Tố nữ cầm nhị đã được chọn để “ghép” với 3 tố nữ của dân gian, thành bộ tứ hoàn hảo. Theo ông Giáp, bộ Tứ bình Tố nữ ở Bảo tàng bây giờ chính là một sự kết hợp giữa bố ông và… dân gian, mà nay bộ Tố nữ ấy đã quay trả về “dân gian” và có in bán trên thị trường.
Không muốn in sao hàng loạt
Lúc sinh thời ông Khiêm, tôi không được gặp, nhưng có lẽ hiếm có nghệ nhân nào mà gia đình, dòng họ ông lại được người trong giới nói đến với thập phần kính trọng như vậy. Hồi 80 tuổi, ông Khiêm vẫn thong dong đạp xe từ Hà Nội về Đông Hồ, 30-40 cây số, và suýt soát đến tuổi 90, ông vẫn uống rượu tì tì, nửa lít một lúc. Nghe kể về ông Khiêm, tôi thấy được cốt cách điển hình của một nghệ nhân - nghệ sĩ. Tranh ông không những có mặt ở Bảo tàng Mỹ thuật VN mà còn có 9 bức được Bảo tàng Phương Đông (Liên Xô cũ) mua.
Ông Nguyễn Đăng Giáp bên các bản khắc gỗ tranh của cha còn giữ lại được
Tranh Đông Hồ đang có giá, những mẫu mới do ông Khiêm sáng tác cũng không phải là kém hấp dẫn, nhất là đối với những du khách Tây muốn tìm… ký ức về chiến tranh Việt Nam. Những bức tranh này chỉ cần đưa đi khắc gỗ - một việc không quá khó, các “nghệ nhân” phố con dấu Tô Tịch cũng có thể làm ngay được - sau đó áp dụng kỹ thuật Đông Hồ in trên giấy điệp là đã thành những mẫu tranh Đông Hồ “thứ thiệt”. Thế nhưng, ông Giáp chỉ giữ tranh của bố như một kỉ niệm của gia đình, không muốn đưa đi sản xuất hàng loạt vì một lý do đơn giản: “Tôi khắc in sợ làm cho tranh của bố tôi xấu đi - ông tâm sự một cách thực thà – để 10-15 năm khi cháu tôi (Nguyễn Đăng Khoa) có đủ tiềm lực thì lúc ấy mới làm”(khắc gỗ, triển lãm…).
Nguyễn Mỹ