Chuyển nhượng V-League: Ảo ảnh và sự hào nhoáng giả tạo

24/07/2024 07:59 GMT+7 | Bóng đá Việt

Quang Hải có giá 27 tỷ đồng, cho 3 năm gia hạn tiếp theo với CAHN (bản hợp đồng mới có giá trị đến hết mùa giải 2026/27); công thần Nguyễn Tiến Linh ở B.Bình Dương thậm chí còn cao hơn; trước đó, trung vệ đội trưởng ĐTQG Quế Ngọc Hải gia nhập Đất Thủ với 6 tỷ đồng/năm. Người ta phải đặt ra câu hỏi, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn và lạm phát, tiền ở đâu ra mà lắm thế?!

Trong một diễn biến có liên quan, với những lùm xùm nghi vấn gian lận tuổi ở hệ thống các giải bóng đá thiếu niên - nhi đồng và lại là cái tên SLNA bị réo gọi. Lãnh đạo Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ SLNA đã lên tiếng phủ nhận, kèm theo công văn, nhưng không có lửa thì làm sao có khói?!

Đã có ví von rằng, một đứa trẻ được sinh ra ở xứ Nghệ, chưa tập chạy đã tập... đá bóng. Nhân tài bóng đá Nghệ An dồi dào như dòng Lam xanh. Vắt qua 3 thập niên đổ lại, SLNA vẫn luôn là phân xưởng xuất khẩu cầu thủ lớn nhất nước. Điều này không có gì phải bàn cãi cả.

Ở góc độ người làm bóng đá, ở đây là bóng đá trẻ, thành tích hay danh hiệu chính là đòn bẩy để thu hút nguồn lực đầu tư hay ít nhất khơi gợi phong trào. Với từng cá nhân có tên trong các bảng vàng ấy, hẳn đã có tấm vé thông hành, với sự đảm bảo về năng lực. Với gia đình các cầu thủ, đấy là niềm tự hào, là hy vọng đổi đời... Nhưng với nền bóng đá, thì thậm chí chẳng là gì cả. Chỉ là sự hào nhoáng giả tạo mà thôi.

SLNA vẫn thiếu quân và thiếu tiền nghiêm trọng ở mùa giải 2023/24 và cả những mùa giải trước nữa. Có bận vào Đà Nẵng thi đấu với Quảng Nam mới đây, quân tướng không đến 20 người, trong đó, chỉ có 13 cầu thủ khỏe mạnh và không dính thẻ.

Sự việc - Ý kiến: Ảo ảnh và sự hào nhoáng giả tạo - Ảnh 1.

Tài năng của bóng đá xứ Nghệ (áo vàng) là không thể phủ nhận, nhưng điều đó không có nghĩa là bóng đá SLNA không khó khăn. Ảnh: Kim Như

Trở lại với biểu hiện bão giá trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ nội mà chúng ta đề cập ở đầu bài viết, lợi bất cập hại. Giá trị thương mại đẩy lên quá cao so với giá trị thật - giá trị cống hiến của cầu thủ, dễ tạo những ảo giác và nền bóng đá vì thế cứ mãi lơ lửng trên không trung. Khi dòng tiền không tái tạo, nó chỉ là tiền chết. Bóng đá Việt Nam vốn dĩ vẫn chưa thể nuôi sống chính cơ thể mình, bằng một cơ chế tài chính minh bạch.

Mới đây, một nhà môi giới người Slovakia đã nói rằng, một số cầu thủ giỏi của Việt Nam hoàn toàn đủ sức chơi ở các giải đấu hàng đầu Đông Âu, nhưng các thị trường ấy không kham nổi mức lương của họ. Bởi đơn giản, nó quá phi thực tế.

Lại nhắc, lịch sử hơn chục bản hợp đồng xuất khẩu cầu thủ của Việt Nam, từ thời Lê Huỳnh Đức đến Công Phượng sau này, phần lớn (nếu không muốn nói là tất cả) đều phục vụ yếu tố quan hệ ngoại giao hoặc thương mại, hoặc nữa là ký gửi. Những kỳ vọng vào chuyên môn là rất thấp, bởi đơn giản, chất lượng sản phẩm thấp, không thể đáp ứng đòi hỏi của thị trường. Hệ lụy của sự hào nhoáng giả tạo hay thứ ảo giác mà nền bóng đá đã và đang phải gánh chịu là đây chứ đâu.

Lời trung khó nghe là nghĩa như vậy. Chưa biết công cuộc đi tìm tuổi thật, giá trị thật của bóng đá Việt Nam sẽ đi đến đâu, hay lại câu chuyện đánh bùn sang ao.

CCKM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm