Chuyện những người trở về

03/01/2011 07:01 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Không còn nghi ngờ gì nữa, làn sóng những nhà làm phim Việt trở về từ hải ngoại đã tạo nên một bước ngoặt trên thị trường phim Việt năm 2010: “Đế chế” độc tôn của phim Tết sau nhiều năm “trị vì” giờ đã chính thức “sụp đổ” sau những cú hích của những nhà sản xuất phim mang dòng máu Việt nhưng được thụ hưởng kiến thức từ nền công nghiệp điện ảnh hàng đầu thế giới.

Jimmy Nghiêm Phạm, Towny Trúc Nguyễn và Chánh Phương Film

Tên của Jimmy Nghiêm Phạm gắn với hầu hết các bộ phim do Chánh Phương sản xuất, kể cả phim truyền hình, anh là chủ tịch HĐQT của hãng phim thanh thế nhất trong giới làm phim Việt kiều ở Việt Nam hiện nay. Nghiêm sinh năm 1972 tại Sài Gòn, sang Mỹ sau khi tốt nghiệp trung học, sau đó tốt nghiệp ngành đạo diễn tại trường đại học của tiểu bang Cali (Cal State Long Beach). Tuy nhiên, ngoài đạo diễn bộ phim tốt nghiệp, Nghiêm chưa đạo diễn thêm một bộ phim nào mà ngoặt sang lĩnh vực sản xuất. Dòng máu anh hùng là bộ phim nhựa đầu tiên anh giữ vai trò giám đốc sản xuất và cũng đánh dấu bước đầu tiên trong sự nghiệp làm phim của Nghiêm tại quê hương, vào năm 2004. Từ đó đến nay, gần như mỗi năm, Jimmy Nghiêm Phạm cùng hãng phim của gia đình đều sản xuất được ít nhất là một bộ phim và tạo được phong cách rất riêng cho Chánh Phương.

Vợ chồng Towny Trúc Nguyễn, Jimmy Nghiêm Phạm và hai trong số 4 nhóc tì của họ

Vợ của Jimmy Nghiêm Phạm là Tawny Trúc Nguyễn, em gái đạo diễn Charlie Nguyễn và là chị của Johnny Trí Nguyễn. Nếu đã xem phim Bẫy rồng, chắc chắn khán giả không quên được nữ sát thủ mảnh mai nhưng cực kỳ ấn tượng với mái tóc ngắn và hình xăm ở gáy, xuất hiện chỉ vài giây trong đầu phim rồi ra khỏi bộ phim với cảnh bị bắn chết (sát thủ này là mẹ của nhân vật Trinh do Ngô Thanh Vân thủ vai). Người đóng vai đó chính là Towny Trúc Nguyễn, chị cũng là người đồng sản xuất của phim. Trúc sống ở Mỹ từ năm 11 tuổi, tốt nghiệp ngành kế toán trường Cal State Fullerton, việc đi vào con đường sản xuất phim ảnh là chuyện… bất đắc dĩ với Trúc bởi chị “bị” anh và em mình, Charlie Nguyễn và Johnny Trí Nguyễn, “lôi” vào cuộc khi họ cần một người tin cậy phụ giúp công việc. Trúc và Nghiêm gặp nhau khi làm việc chung tại các phim trường ở Mỹ lúc tham gia sản xuất những sản phẩm cho các trung tâm giải trí của cộng đồng người Việt. Họ sinh con đầu lòng ở Mỹ rồi trở về Việt Nam trong sự can ngăn của nhiều thành viên cả hai gia đình. Nhưng càng ngày họ càng chứng minh được rằng lựa chọn của mình là chính xác. Sau Bẫy rồng, Trúc trở thành bà nội trợ đúng nghĩa vì đã kịp sinh thêm… 3 đứa con. Hiện tại chị phải tạm nhường lại vị trí sản xuất phim cho chồng mình và chờ đợi các con đủ lớn để quay lại với công việc. Nghiêm vẫn đùa khi có ai hỏi về vai sát thủ của Trúc trong Bẫy rồng rằng: “Ở nhà bả làm sát thủ với tụi nhỏ quen rồi nên được đặc cách cho vào vai sát thủ trong Bẫy rồng mà không cần thử vai!”.

Jimmy Nghiêm Phạm, Towny Trúc Nguyễn và anh em họ không chỉ mang đến cho khán giả Việt những sản phẩm với kỹ thuật làm phim hiện đại mà còn “mang về” Việt Nam thêm nhiều người bạn từ giới làm phim ở Mỹ, như Hàm Trần (dựng phim), Christopher Wong (âm nhạc), Dominic (quay phim)…

Để có vốn làm được bộ phim đầu tiên, Dòng máu anh hùng, anh em nhà Charlie Nguyễn đã phải vay vốn và đến bây giờ họ vẫn chưa trả hết nợ (tổng số vốn đầu tư là 1,6 triệu USD nhưng thu về từ thị trường cả trong và ngoài nước mới chỉ được 1,2 triệu). “Học phí” họ phải “đóng” để làm ra được những bộ phim có lãi sau này còn bao gồm cả số vốn bỏ ra cho bộ phim 14 ngày phép (đầu tư 300.000 USD, thu về chỉ 200.000 USD). Jimmy Nghiêm Phạm nói rằng 14 ngày phép cho Chánh Phương nói chung và cá nhân anh một bài học về sản xuất, họ đã tính nhầm và vạch ra hướng đi sai ngay từ đầu với bộ phim này, một bộ phim chỉ hợp với một bộ phận rất nhỏ công chúng: Việt kiều. Tuy nhiên, sau phim này, tất cả các phim Chánh Phương sản xuất đều thu được lãi. Với Bẫy rồng, vốn đầu tư chỉ bằng một nửa số vốn bỏ ra cho Dòng máu anh hùng (800.000 USD), không chỉ mang lại cho Chánh Phương những khoản lãi đến bây giờ vẫn còn thu về mà còn mở cho họ một cánh cửa khác “dễ thương” hơn nhiều: khi họ đưa ra bất cứ dự án nào, các nhà đầu tư đều sẵn sàng chi 100% số vốn, họ chỉ còn phải lo mỗi một việc là sản xuất phim!

Hiện Jimmy và ê-kíp Chánh Phương đang làm tiền kỳ cho bộ phim tiếp theo, một dự án phim hành động với đội ngũ nòng cốt là những cái tên đã gắn với Dòng máu anh hùng. Họ đang rất hào hứng vì đây là bộ phim thứ hai mấy anh em cùng nhau làm, sẽ lại được sống trong không khí sôi sùng sục khi làm ra sản phẩm đầu tiên tại mảnh đất đã cho họ rất nhiều cơ hội phát triển và ghi danh mình vào điện ảnh: Quê hương.

Lê Văn Kiệt – Làm phim truyền hình để hiểu Việt Nam

Khác với nhiều đạo diễn Việt kiều khác, Lê Văn Kiệt (Kiệt Lê) trở về Việt Nam với một lời mời làm phim truyền hình. Bộ phim anh đạo diễn và quay phim, Cuối đường băng, đang phát sóng trên kênh HTV3. Kiệt bảo anh muốn làm phim TH vì thấy TH Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển hưng thịnh nhất và giai đoạn đó sẽ không kéo dài mãi, trong khi phim chiếu rạp thì có nhiều thời gian để có thể “nhâm nhi” hơn. Quyết định nhận lời làm phim Cuối đường băng với hãng phim Trí Việt được Kiệt đưa ra sau… 5 năm suy tính. Trước đó Kiệt khá lo lắng vì “chưa rõ tình hình phim ảnh ở Việt Nam thế nào”.

Lê Văn Kiệt sinh năm 1978 tại Biên Hòa, anh sang Mỹ từ nhỏ và tốt nghiệp đạo diễn tại đại học UCLA năm 2002, từng làm việc cho Nippon Herald, một công ty chuyên phát hành phim của hai hãng New Line và Miramax tại thị trường Nhật Bản. Anh đã viết kịch bản và đạo diễn 2 bộ phim chiếu rạp là Bụi đời Sầu ngư, được phát hành cho cộng đồng người Việt ở Mỹ.

Với Cuối đường băng, bộ phim dài 50 tập nói về giới người mẫu và ngành thời trang, Kiệt đã mang phong cách làm phim của Mỹ vào một bộ phim TH. Khi được hỏi tại sao đã nhận lời làm phim TH lại không làm với các đài lớn mà chỉ làm cho một đài phát sóng trên TH cáp, Kiệt nói vì họ đáp ứng được những yêu cầu của anh về điều kiện làm việc, trong đó có một yêu cầu quan trọng là thu tiếng trực tiếp. Kiệt không bài xích việc lồng tiếng cho phim, anh lý giải: “Tôi không thể làm được vì tôi… không biết làm!”. Với bộ phim này, Lê Văn Kiệt cũng “kéo” về thêm mấy người bạn Việt kiều khác, đó 2 phó đạo diễn và 3 quay phim. Anh sẽ sớm có tác phẩm điện ảnh chiếu rạp bởi tất cả đã được lên kế hoạch sản xuất vào năm 2011 này.

Jenni Trang Lê - nhà sản xuất phim xuất thân từ ngành… nhân chủng học

 

Sống ở Việt Nam mới 2 năm nhưng Jenni Trang Lê đã tham gia sản xuất tới 7 bộ phim trong vai trò sản xuất hoặc phó đạo diễn. Sinh năm 1980 tại Texas (Mỹ), tốt nghiệp ngành nhân chủng học của đại học UCLA, ngành nghệ thuật mà Jenni Trang Lê yêu thích không phải phim mà là sân khấu và cô mong muốn sẽ trở thành nhà văn. Trang bước chân vào nghề làm phim do đi phụ giúp bạn, người bạn đó là đạo diễn Hàm Trần. Sau vài việc làm chung với Hàm Trần, Trang biết thêm công việc phó đạo diễn, kịch vụ… nói chung là những việc hậu cần của ê-kíp sản xuất.

Jenni Trang Lê biết đến điện ảnh Việt Nam từ khi cô tham gia tổ chức LHP quốc tế Việt Nam (VIFF) lần đầu tiên tại California năm 2003, lúc đó, không có một bộ phim nào từ Việt Nam tham gia. Nhưng đến VIFF 2005, cô được xem Thung lũng hoang vắng, Sống trong sợ hãi… và biết thêm về quê hương của mình. Năm 2004 Trang về Việt Nam làm phó đạo diễn phim Dòng máu anh hùng. Sau đó cô tiếp tục làm phó đạo diễn cho Cú và chim se sẻ, và vẫn đi đi về về giữa Mỹ và Việt Nam. Nhưng tới tháng 2/2008, Jimmy Nghiêm Phạm và Chánh Phương đặt cô trước một lựa chọn lớn: dành 100% thời gian, sức lực và tâm trí cho chỉ một công việc làm phim chứ không phải làm song song với một công việc khác như trước đây. Và Trang đã quyết định dành một năm để “thử xem sao”, nhưng đã gần 3 năm, Trang chưa có ý định quay lại Mỹ, cô đã “dính” chặt mình với những bộ phim và những lời mời tới tấp từ các nhà sản xuất. Có lúc Trang phải từ chối 2-3 bộ phim vì trùng thời gian làm việc và cô không muốn chạy sô.

Trang bảo khó khăn lớn nhất cô gặp phải khi làm việc tại Việt Nam là… không thể áp dụng những bài đã học ở Mỹ! Nhưng cô cũng đúc kết được kinh nghiệm rất quý báu, đó là thẳng thắn nhưng phải biết nói cho khéo để người khác không để bụng!

Trang yêu cuộc sống ở Việt Nam vì ở đây, cô có một công việc rất thú vị, một mức lương không cao như ở Mỹ nhưng đủ để sống thoải mái ở nơi mà mọi thứ không đắt đỏ, có thể uống cà phê với bạn bất cứ lúc nào mình muốn và đi du lịch ở nhiều nơi một cách dễ dàng. Tuy nhiên, hai thứ khiến cô rất đau lòng là luôn bắt gặp người ta xả rác bừa bãi và… rất khó kiếm bạn trai! Trang muốn viết kịch bản và trở thành đạo diễn nhưng cô không lựa chọn việc quay trở lại Mỹ để học về những thứ cô muốn làm mà muốn học ngay tại Việt Nam. Cô nói rằng cô phải tìm những lớp học mở tại Việt Nam để học, xem thêm nhiều phim Việt Nam và sống nhiều ở Việt Nam hơn để làm được những bộ phim ra chất Việt Nam.


Dương Vân Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm