Chuyện nghề làm cờ vây cổ truyền ở Trung Quốc: Nghệ nhân tận tâm thổi hồn vào hàng nghìn hạt cờ mỗi ngày, thành phẩm nhỏ bé nhưng tinh xảo như ngọc quý

06/05/2023 18:00 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Một quân cờ vây Vân Nam, từng giọt mồ hôi lăn dài trên trán người thợ thủ công, thổi vào hơi thở của văn hóa nghìn năm...

Từ bên đường Quảng Phúc ở Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc), cửa Tây vào cổ trấn Quan Độ, đi thẳng hơn trăm mét là đến Bảo tàng Cờ vây Vân Nam (viết tắt Vân Tử).

Bảo tàng Vân Tử là một tứ hợp viện (kiểu kiến trúc nhà truyền thống của dân tộc Hán Trung Quốc) cổ kính rộng mở. Bước vào bảo tàng, đâu đâu cũng là tạo hình lấy cảm hứng từ cờ vây: Đường mòn trải đá cuội đen trắng; 10 nghìn quân cờ đen trắng ghép lại thành bát quái Thái Cực trên tường; mặt bàn đá xanh, khắc bàn cờ có thể đánh cờ…

Chuyện nghề làm cờ vây cổ truyền ở Trung Quốc: Nghệ nhân tận tâm thổi hồn vào hàng nghìn hạt cờ mỗi ngày, thành phẩm nhỏ bé nhưng tinh xảo như ngọc quý - Ảnh 1.

"Cờ vây Vân Nam có lịch sử hơn 1.100 năm. Cho đến ngày nay, những quân vờ vẫn được làm bằng thủ công...". Người hướng dẫn nói về quá trình chế tác hạt cờ trắng đen khiến du khách phải trầm trồ.

Cúi người quan sát, cờ trắng sáng bóng như ngọc, cờ đen tao nhã như nước hồ mùa thu. Cầm lấy hạt cờ đen nhìn xuyên qua ánh nắng, lại phản chiếu sắc xanh ngọc bích.

"Đằng sau những hạt cờ này cất giấu không ít chuyện xưa". Lưu Đình Cử, 58 tuổi, là bậc thầy số một của xưởng sản xuất cờ vây Vân Nam. Theo bước chân ông đi vào xưởng làm cờ ở sân sau viện bảo tàng, quá trình “thổi hồn” vào những hạt cờ vây đen trắng lộ ra trước mắt.

Làm cờ

"Thổi linh khí vào quân cờ, máy móc không thể thay thế"

Đứng bên cạnh lò nung ở nhiệt độ bên trong 1.200 độ C, hơi nóng phả vào mặt nóng rang từng cơn. Học trò của Lưu Đình Cử, tay phải cầm thanh sắt đầu tròn đưa vào lò nung, chấm đầy “dung nham”, khéo léo nhỏ xuống tấm sắt dài bên tay trái, sau đó lưu loát trở tay thu nguyên liệu. Chất liệu nóng chảy tiếp xúc với tấm sắt, lúc đầu đỏ thẫm, sau đó chuyển thành màu trắng sữa, cuối cùng nguội đi, một hạt cờ thô hình thành.

“Chấm, nhỏ giọt, xoay người”, động tác nhìn như đơn giản, 3-5 giây liền mạch. Trên thanh sắt nhỏ có 6-7 quân cờ; kích thước, dày mỏng, độ tròn, tất cả đều giống nhau. Nếu không đủ tròn, có hoa văn hoặc xuất hiện bong bóng khí, hạt cờ này phải bỏ đi. Một khâu động tác ngắn ngủi này phải lặp đi lặp lại mấy ngàn lần một ngày.

Chuyện nghề làm cờ vây cổ truyền ở Trung Quốc: Nghệ nhân tận tâm thổi hồn vào hàng nghìn hạt cờ mỗi ngày, thành phẩm nhỏ bé nhưng tinh xảo như ngọc quý - Ảnh 2.

Nghệ nhân làm cờ vây Lưu Đình Cử

Tại xưởng cờ vây Vân Nam, công phu "nhỏ giọt hạt cờ" của Lưu Đình Cử không ai sánh bằng. "Cổ tay phải chắc, lực tay di chuyển vừa vặn, hoàn toàn dựa vào cảm giác để kiểm soát khối lượng mỗi hạt cờ, làm nhiều thành quen". Ông Lưu Đình Cử có thể làm ra hơn 6.000 hạt cờ mỗi ngày khi ở độ tuổi đỉnh cao nhất, tỷ lệ hạt bỏ đi không vượt quá 5%.

Định hình dạng cho hạt cờ như trên chỉ là một trong những mắt xích để tạo nên quân cờ vây hoàn chỉnh. Từ việc chọn nguyên liệu, trộn thành phần, nung chảy, nhỏ giọt, thành hình, đánh bóng, làm sạch, phân loại, đóng gói… tổng cộng 12 công đoạn, mất 3-4 ngày. Lò nung nhiệt độ cao liên tục 24 giờ, kiểm soát nhiệt độ, đảm bảo lửa. Mỗi bước đòi hỏi phải tận tâm tỉ mỉ để làm ra một quân cờ vây Vân Nam "thượng phẩm".

Lưu Đình Cử tiện tay lấy ra một hạt cờ trong túi áo: "Cờ đen trắng đều có đặc điểm riêng, kết cấu tinh tế, cứng mà không giòn, nặng mà không trơn". Ông thả hạt cờ lên bàn cờ, âm thanh phát ra như ngọc va vào nhau.

Chuyện nghề làm cờ vây cổ truyền ở Trung Quốc: Nghệ nhân tận tâm thổi hồn vào hàng nghìn hạt cờ mỗi ngày, thành phẩm nhỏ bé nhưng tinh xảo như ngọc quý - Ảnh 5.

"Tại sao hạt cờ đen lại có màu sắc khác dưới ánh sáng?". Lưu Đình Cử nghe thế chỉ mỉm cười. Thì ra trong quá trình làm hạt cờ, các nghệ nhân đã lựa chọn thạch anh tím, mã não và hơn 30 loại khoáng chất đá, thông qua các tỷ lệ khác nhau, khiến hạt cờ đen có màu xanh biếc và màu sắc khác dưới ánh sáng mặt trời.

Bên ngoài xưởng, những chiếc giỏ mây xếp thành hàng chứa đầy hạt cờ bán thành phẩm đang phơi nắng. Những hạt cờ mới ra lò vốn sáng trong, sau khi mài giũa sẽ mờ bóng. Nhìn kỹ hơn, hạt trắng vừa có màu ngà, cũng có màu trắng sữa. Lưu Đình Cử giải thích, hạt cờ trắng hơi ngả màu ngà là loại cờ kiểu truyền thống, loại trắng hơn là cờ kiểu mới rất được ưa chuộng, sản lượng cao hơn, giá cả bình dân hơn. “Chúng tôi cũng phải chạy theo nhu cầu thị trường để không ngừng đổi mới”.

Hạt cờ vây trân quý nhờ tài nghệ thủ công, kỹ thuật làm cờ truyền từ đời này sang đời khác, theo đuổi sự hoàn mỹ trước sau như một. Để có thể hoàn công, mỗi hạt cờ phải được đo bằng thước, chênh lệch không được quá 0,5mm. Khuyết điểm cực kỳ nhỏ phải cho vào lò nung làm lại.

"Từ xưa đến nay, thợ làm cờ dùng cả cái tâm và sức hòa vào mỗi hạt cờ, thổi vào chúng chút linh tính, là điều mà máy móc không thể làm được", Hà Hoa Phong, người thừa kế kỹ thuật làm cờ, nguyên giám đốc xưởng cờ vây Vân Nam cảm thán.

Chuyện nghề làm cờ vây cổ truyền ở Trung Quốc: Nghệ nhân tận tâm thổi hồn vào hàng nghìn hạt cờ mỗi ngày, thành phẩm nhỏ bé nhưng tinh xảo như ngọc quý - Ảnh 7.

Kế thừa

"Tâm vô tạp niệm mới làm ra hạt cờ tinh túy"

Nghề làm cờ vây Vân Nam bắt đầu vào thời nhà Đường, phổ biến vào thời nhà Minh và nhà Thanh, được mệnh danh là "Quốc bảo Vân Tử". Thật không may, kỹ thuật làm cờ vây truyền thống này đã biến mất vào giai đoạn đầu Dân quốc. Đến những năm 1960, Trung Quốc mới phát động kế hoạch phục sinh nghề này. Tuy nhiên quá trình này cực kỳ khó khăn vì cần phải tìm lại kỹ thuật thời xưa, tìm lại cái hồn trân quý của truyền thống nghìn năm.

Lưu Đình Cử trở thành nhân viên của xưởng sản xuất cờ từ năm 1992, là học trò của Hà Hoa Phong - người đã mang kỹ thuật làm cờ đến công xưởng ở Vân Nam năm 1987. 

Thời điểm đó, lò vẫn đốt than cốc, nghiền nguyên liệu hạt cờ thành bột, cho vào lò nung chảy ở nhiệt độ cao. Một ngày phải theo dõi ca mười mấy tiếng đồng hồ, mặt mũi Lưu Đình Cử lúc nào cũng đen nhèm lọ nghẹ. Sau đó, lò được chuyển đổi thành lò điện, không chỉ kiểm soát nhiệt độ ổn định hơn, năng suất và mức độ bảo vệ môi trường cũng được cải thiện đáng kể.

Công nghệ liên tục được đổi mới, quy trình sản xuất tiêu chuẩn hóa và kỹ thuật ngày càng được cải thiện. Trong những năm gần đây, xưởng cờ vây Vân Nam đã phát triển 3 công thức bí mật, nộp đơn xin 13 bằng sáng chế. Hà Hoa Phong, Lưu Đình Cử dẫn đầu nhóm nghiên cứu và phát triển hơn 40 sản phẩm cờ vây, chính thức bán chạy ở nước ngoài vào năm 2019.

Người trong giới mộ điệu đánh giá về cờ vây Vân Nam: "Toát ra vẻ đẹp trầm tĩnh, nho nhã". Cờ vây Vân Nam đồng hành cùng các thế hệ cao thủ cờ vây chinh chiến các giải đấu quốc tế.

Chuyện nghề làm cờ vây cổ truyền ở Trung Quốc: Nghệ nhân tận tâm thổi hồn vào hàng nghìn hạt cờ mỗi ngày, thành phẩm nhỏ bé nhưng tinh xảo như ngọc quý - Ảnh 9.

Trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đợt 5 được công bố vào năm 2021, cờ vây Vân Nam có tên trong danh sách kỹ thuật sản xuất. Nhận được tin vui, Lưu Đình Cử dặn dò các học trò: “Tâm vô tạp niệm để làm trọn vẹn từng hạt cờ, để kỹ nghệ nghìn năm truyền từ đời này sang đời khác”.

Phát triển

"Không ngừng cách tân để cờ vây Vân Nam sống mãi với thời đại"

Xưởng cờ vây Vân Nam tại thị trấn cổ Quan Độ, trước là bảo tàng hoan nghênh khách từ phương xa, sân sau xưởng làm cờ. Trưa nắng đổ bóng yên tĩnh, vang vọng tiếng đá mài. Người thợ ngồi trước lò, "sắt dài ấm mồ hôi, nhỏ giọt thành cờ".

Lưu Đình Cử đã sử dụng lò nung này suốt 31 năm, từ học nghề đến làm thầy, hiện là người phụ trách bộ phận sản xuất. Muốn luyện đến trình độ "nhỏ giọt thành cờ" thành thạo, người thợ cần mài giũa ít nhất 4-5 năm.

Chuyện nghề làm cờ vây cổ truyền ở Trung Quốc: Nghệ nhân tận tâm thổi hồn vào hàng nghìn hạt cờ mỗi ngày, thành phẩm nhỏ bé nhưng tinh xảo như ngọc quý - Ảnh 10.

Hiện nay hơn 20 thợ lành nghề trong xưởng, đều là học trò của Lưu Đình Cử, người làm lâu nhất cũng đã hơn 10 năm. Thủ công làm cờ, chỉ thuần thục nắm vững kỹ nghệ vẫn chưa đủ, mấu chốt là phải chịu đựng được sự tịch mịch, biết kiểm soát cái tĩnh trong đầu, "chỉ cần trong lòng bận tâm đến chuyện khác, không thể làm ra những hạt cờ đẹp".

Trong thời đại ngày nay, công nghiệp sản xuất đã và đang được cơ giới hóa, nghề thủ công liệu có bị thay thế?

Trên thực tế, sau khi nghiên cứu và phát triển thành công máy đúc cờ vây, hạt cờ lồi một mặt đã được sản xuất bằng dây chuyền tự động, tăng sản lượng, giảm chi phí, cải thiện doanh số bán hàng. Nhưng các sản phẩm chất lượng trung và cao cấp vẫn phải dựa vào thủ công. Lưu Đình Cử chia sẻ: “Điểm tinh tế nhất của hạt cờ là kỹ thuật nhỏ giọt, cùng một nguyên liệu và công thức, máy móc bắt chước chuyển động của con người và vận hành nhanh hơn. Chỉ là khi làm thủ công, hạt cờ càng có linh khí”.

Chuyện nghề làm cờ vây cổ truyền ở Trung Quốc: Nghệ nhân tận tâm thổi hồn vào hàng nghìn hạt cờ mỗi ngày, thành phẩm nhỏ bé nhưng tinh xảo như ngọc quý - Ảnh 11.

Dành trọn cái tâm vào nghề là điều kiện tiên quyết, không chỉ riêng nghề làm cờ vây, mà tất cả công việc khác cũng vậy. Một lần, Lưu Đình Cử và 6 đồng nghiệp đã dành một tháng trời để đánh bóng 20 hạt cờ đặc biệt vì có khắc văn tự tinh xảo. Họ làm bằng sự nhẫn nại rèn luyện lâu năm mà không hề có một tiếng thở dài.

Nay đã lớn tuổi, ông Lưu Đình Cử vẫn duy trì niềm đam mê đổi mới mạnh mẽ. Ông có thể thức cả đêm để nghiên cứu nguyên liệu để “nhỏ giọt” cho ra những hạt cờ theo yêu cầu của khách hàng.

Theo Hà Hoa Phong, Vân Tử phát triển cũng giống như thế cờ, phải đi đủ đường để tìm thấy sinh cơ.

Giữa đêm tối lặng im, xưởng cờ thủ công vẫn sáng đèn. Chạm vào hạt cờ đen trắng còn mang hơi ấm, tinh thần thợ thủ công được truyền lại qua nhiều thế hệ, lặng lẽ và tận tâm.

Trung Hạ (Nguồn: Renminwang)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm