Chuyện hạn chế cầu thủ ngoại nhập quốc tịch: Một cái nhìn khác

22/11/2009 14:00 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - VFF đáng phải chịu sức ép và cũng đáng bị phê phán liên quan tới chuyện siết chặt cầu thủ ngoại nhập tịch ra sân. Nhưng ở hướng ngược lại, có vẻ các CLB cũng đã không thật sòng phẳng và minh bạch.

Bộ Tư pháp cách đây hơn 1 tháng cho biết: chưa có bất cứ trường hợp nhập quốc tịch nào kể từ khi Luật Quốc tịch sửa đổi chính thức có hiệu lực.

Mà kể cả Luật sửa đổi cũng như luật trước kia đều không rộng rãi với các trường hợp được hưởng quy chế song tịch (2 quốc tịch). Cụ thể, khi một người nước ngoài muốn nhập quốc tịch VN, ngoài việc đảm bảo các quy định như sống ở VN 5 năm, biết tiếng Việt, có tên Việt, không vi phạm pháp luật VN, anh (chị) ta phải từ bỏ quốc tịch gốc. Ngoại lệ chỉ dành cho các trường hợp có đóng góp đặc biệt cho xã hội.

Nhưng hầu hết các trường hợp nhập quốc tịch cho cầu thủ ngoại ở Việt Nam, họ đều giữ được quốc tịch gốc sau khi trở thành công dân Việt Nam. Trong khi ấy, người ta chưa thể xác định được những đóng góp của những cầu thủ ngoại nhập tịch đã ở mức độ đặc biệt hay chưa. Nói thẳng ra, những cầu thủ ngoại nhập quốc tịch chỉ có ý nghĩa với vài CLB cụ thể, với các ông bầu khát thành tích và muốn thỏa mãn yếu tố đánh bóng thương hiệu một cách tức thời.
 
Nirut (trái) đã đóng góp được gì để được coi là có ý nghĩa đặc biệt với xã hội Việt Nam để hưởng quy chế song tịch?

Nirut và Sakda khi mang họ Đoàn của bầu Đức, cả 2 cầu thủ này vẫn là những công dân Thái Lan. Nhưng, nếu ai đó hỏi, Nirut và Sakda có đóng góp đặc biệt gì cho xã hội Việt Nam, người ta sẽ không thể trả lời ngoài việc, họ đã tới Việt Nam vài năm và nhận một mức lương mà ở bóng đá Thái không thể trả cho họ.

Nguyễn Rogerio có đóng góp gì cho xã hội Việt Nam sau 5 năm ở Đà Nẵng? Câu trả lời chỉ đơn giản là anh ta là một cầu thủ rất khỏe, chạy không biết mệt ở tuyến giữa đội bóng sông Hàn.

Trần Lê Martin và Phan Lê Issac, họ đã làm được gì ”cho đời” khi vốn dĩ 2 cầu thủ này luôn được xếp vào diện các cầu thủ Tây ba lô trước khi HPHN nhập quốc tịch cho họ.

Thậm chí, thủ môn Đinh Hoàng La, sự đóng góp ở tầm mức quốc gia của anh chỉ đến sau khi anh trở thành người Việt. Còn trước đó, anh chỉ có ý nghĩa với CLB Thanh Hóa và Ninh Bình.

Vậy mà các cầu thủ nói trên đều đã và đang hưởng quy chế song tịch. Và ở khía cạnh khác, không ai dám chắc, khi họ phải từ bỏ quốc tịch gốc, họ đã chấp nhận trở thành công dân Việt Nam, dù ai cũng biết, các CLB, các ông bầu đã và sẽ trả cho họ rất nhiều tiền.

Chỉ có thủ môn Phan Văn Santos là người đã phải từ bỏ cộng đồng Brazil ở quê hương khi trở thành người Việt. Hoặc những cầu thủ có vợ là người Việt như Kesley, Đinh Hoàng Max, họ mới đương nhiên được hưởng quy chế song tịch. Hoặc, với quan điểm cá nhân của người viết, người nước ngoài duy nhất hành nghề trong làng bóng VN cho tới lúc này đáng được coi là đã có đóng góp đặc biệt cho xã hội VN chỉ là ông Calisto - người sống ở VN 7 năm, đã mang lại những thay đổi cho nền bóng đá Việt, và đã giúp chúng ta trở thành các nhà vô địch ĐNA.

Đến đây, có một câu hỏi đặt ra, là có sự công bằng hay không trong việc nhập quốc tịch cho các cầu thủ ngoại ở các CLB? Và liệu tự bản thân các cầu thủ ngoại nhập quốc tịch dạng này có quyết chí cống hiến cho BĐVN sau khi họ đã hết hợp đồng với các CLB, các ông bầu không còn trả tiền cho họ?

Dĩ nhiên, VFF không thể lấy đó làm yếu tố biện minh cho một quyết định vi hiến và đi ngược lại các bộ luật (dân sự, lao động) của VN.

Song, đây cũng là lúc để các CLB nhìn lại một chủ trương làm bóng đá ”ngắn ngày” và những bước đi tắt của họ nhằm đạt được những mục tiêu của riêng mình.

Phải khẳng định một điều là những điều chỉnh, thay đổi trong Luật Quốc tịch 2008 (có hiệu lực từ tháng 7-2009) không phải có mục đích chính là để phục vụ cuộc chơi bóng đá. Đối tượng nó hướng tới, thể hiện tính nhân văn, là người Việt Nam sống và định cư ở nước ngoài, những người kết hôn với người Việt. Suy cho cùng, sự đóng góp ở lĩnh vực bóng đá chỉ là thiểu số so với những đóng góp ở mặt xã hội, như từng có những bác sĩ nước ngoài hy sinh ở VN sau đại dịch SARS, những người bỏ cả cuộc đời của họ cho các công trình nghiên cứu văn hóa, lịch sử...

Truy tận gốc, bóng đá dù sao cũng chỉ là một trò chơi!
 

Trích Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008

Mục 2: NHẬP QUỐC TỊCH VIỆT NAM

Điều 19. Điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam

1. Công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;

b) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam;

c) Biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam;

d) Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam;

đ) Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.

2. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải có các điều kiện quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;

b) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

c) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Người nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người quy định tại khoản 2 Điều này, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép.

4. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam. Tên gọi này do người xin nhập quốc tịch Việt Nam lựa chọn và được ghi rõ trong Quyết định cho nhập quốc tịch ViệtNam.

5. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam không được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của ViệtNam.

6. Chính phủ quy định cụ thể các điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam.

Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm