Chuyện Hà Nội: Phản biện từ rừng thiêng Ba Vì

14/03/2016 07:13 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Vườn quốc gia đâu phải đất nhà của họ! Ba Vì non thiêng với những ngọn núi xanh như chiếc ngai tựa cho Thăng Long - Hà Nội. Ở trong lòng thành phố mà có cả núi cao rừng rậm, đầm hồ, đường dốc quanh co lên giữa sương mây thì là cái phúc lớn cho Hà Nội - Thủ đô.

1. Núi Ba Vì còn gọi núi Tản Viên là một trong những ngọn núi đẹp và nổi tiếng của nước ta và là ngọn núi của tâm linh, nơi ngự trị muôn đời của Đức Thánh Tản Viên - Sơn Tinh, vị thần tối linh trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Từ lâu tôi vẫn nghĩ sự ưu ái của tự nhiên ấy là tiềm năng quý giá cho phát triển du lịch văn hóa nhân văn. Thời Pháp, người ta đã xẻ thịt đất rừng Ba Vì để xây biệt thự. Dấu tích những kiến trúc ấy vẫn còn. Mấy mươi năm gìn giữ, hy vọng ngày nào đó đường lên Non Tản là một tuyến du lịch lý tưởng bậc nhất của thành phố, hơn thể, của cả nước.


Toàn cảnh các ngôi nhà biệt thự tại khu resort Điền Viên Thôn. Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/ TTXVN

Lần lên đền thờ Bác Hồ mấy năm trước, tôi đã có một đề xuất là nên xếp hạng bảo vệ danh thắng non thiêng Ba Vì gắn với các di tích Đền Thượng Đền Hạ, đền thờ Hồ Chí Minh... Rồi gần Đền Trung còn có một ngôi chùa cổ, được xem là danh lam bậc nhất đó là chùa Tản Viên Sơn, điều đó càng làm cho khu di tích này trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách khi hành hương lên Non Tản - Ba Vì.…

Khi đã đầu tư tôn tạo cảnh quan xong thì đề nghị làm hồ sơ đưa Ba Vì thành danh thắng di sản thế giới gắn với truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh… Ban quản lý Vườn quốc gia Ba Vì bao nhiêu năm nay làm nhiệm vụ trông coi bảo vệ một tài sản vô giá của thành phố. Và tôi nghĩ sẽ có ngày người ta cũng sẽ tính đến cách xây dựng trên ấy những cơ sở dịch vụ lưu khách…

2. Tôi ủng hộ việc khai thác dịch vụ tại đây khi thấy nó chính đáng và cần thiết. Nhưng động vào non thiêng là phải được phép của Chính phủ, của ngành quản lý. Đất ấy đầy nhạy cảm. Ít ra từ chủ trương đến việc quy hoạch bảo tồn phải được phê duyệt. Rồi cũng sẽ có khu nghỉ dưỡng, nhưng phải trên cơ sở quy hoạch của cơ quan chức năng, được cấp thành phố phê duyệt.

Vậy mà người coi rừng lại cắt rừng bán không cần báo cáo hỏi han gì ai. Chuyện như đùa. Đem rừng bán cho doanh nghiệp dễ như chơi, mới nghe thật khó tin. Qua theo dõi thấy việc mua bán đất ấy tùy tiện và mục đích là bán lấy tiền.

Khu dịch vụ nghỉ dưỡng Le Mont Bavi Resort & Spa nằm ở cốt 600, Vườn quốc gia Ba Vì cho đến nay dự án vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, ngay từ giữa năm 2015, sau khi hoàn tất cơ bản quá trình xây dựng, đơn vị chủ đầu tư đã đưa siêu dự án này vào hoạt động và chờ… cấp phép sau.

Nghe nói bán chỗ ấy được 8 tỷ đồng, lấy từ từ mỗi năm một ít. Trắng trợn hơn, họ đã tính chuyện ăn chia khi đi vào kinh doanh. Hãy xử nghiêm những người dám mang tài nguyên quốc gia ra bán chác, dám bán cả rừng thiêng chỉ vì mấy tỷ đồng…

Chưa hết, cạnh đó, một khu Resort khác với 57 căn biệt thự hoành tráng thuộc khu nghỉ dưỡng Điền Viên thôn cũng trong tình trạng không được phê duyệt của cơ quan chức năng, tồn tại nhiều năm rồi. Ai đã cho phép lấy rừng thiêng quốc gia đem bán?

Dư luận đang chờ xem cách xử lý ra sao. Hay là lại lặp lại “điệu hát” cũ là phạt cho tồn tại, “buộc… hoàn thiện hồ sơ, bổ sung quy hoạch…”. Xin đừng xử lý theo kiểu “giơ cao, đánh khẽ”…

Tân Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm