Chuyện giày dép (*)

19/02/2012 14:27 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Bình dân đi dép mo cau và guốc gỗ, thiền sư đi giày cỏ, còn quan lại thì đi gì, cũng là một câu hỏi.

1. Những bức họa của người phương Tây vào Việt Nam từ thế kỷ 17 và những bức ảnh cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 do người Pháp chụp cho thấy các binh lính đều đi chân đất, thậm chí là họ đang đứng ở trong Kinh thành Huế, nhưng quan lại thì đi hài thấp hoặc hia cao. Các bức tượng chân dung và tượng La Hán trong các ngôi chùa cho thấy giày thấp cổ giống như đôi xục che phần mặt chân và lộ phần mắt cá đã xuất hiện. 



Giày công chúa.

Nữ quý tộc thường sắm những đôi hài phượng, tức là hài được thêu thêm hai con phượng chầu vào phía mũi làm cho mũi hài cong lên điệu đà. Những đôi hài này được thêu cắt hoàn toàn thủ công cho từng người một, nên rất khít vào chân và dùng các nguyên liệu gấm, lụa bọc mặt hài, đế bằng da thú. Vài quý bà khác chân yếu tay mềm lại thích những đôi hài thật mềm, nên người ta phải dùng các loại vải mềm làm nguyên liệu.

Quan lại đến công sở, vào chầu vua, đi hội lễ hay yến tiệc nhất nhất phải mặc quan phục. Dự đại lễ triều đình thì phải mặc quần áo đại trào, có thêu hình rồng mây và có bổ tử - một miếng vuông trước ngực thêu hình thù gì đó nói lên chức vị của ông ta, chân đi hia cao cùng mầu với áo, hia cũng được thêu rồng mây chi tiết.



Hài văn. Hình vẽ trích trong sách "Kỹ nghệ của người An Nam" của Henri Oger, xuất bản đầu thế kỷ XX.

2. Kiểu mẫu của những đôi hia cổ còn có thể thấy trong các đồ thờ tự trong đền chùa, đó là những đôi hia bằng tre gỗ phủ sơn có vẽ hình rồng phượng và mây, mũi uốn cong, đế bằng, thân hia cao gần đầu gối, đôi khi những trang trí rồng mây được chạm nổi và gắn rời xung quanh thân hia. Những đôi hia đó thực sự là tác phẩm mỹ thuật thủ công độc đáo, bao giờ cũng đi cùng bộ binh khí - gọi là hộ bộ, gồm tám loại khác nhau, mũ thờ, ngai thờ, bài vị, võng lọng, có tượng voi ngựa bằng giấy bồi kèm theo. Nghĩa là chúng phỏng những đồ nghi thức quan trọng của một vị thần hay quan chức nào đó, theo tinh thần Kính thần như tại - Kính trọng thần linh như đang hiển hiện.

Những đôi hia để dùng, làm bằng vải và gấm, thêu chỉ màu bằng tay, cũng được cắt thửa cho từng người nên mang tính độc bản và thủ công sâu sắc, chúng được tính toàn hợp màu và hoa văn cũng với áo mũ của vua ban cho họ, nên áo mũ, hia được coi là một bộ thống nhất.

Khi trong tế lễ các vị đi hia phải bước đi kiểu chân tế, đầu gối thẳng, bước hơi cao chếc mũi chân ra ngoài, gót vào trong, bước khoan thai từng bước theo nhịp trống.

Bình nhật ra đường, đi chơi thì các vị quan không đi hia mà đi những đôi giày gấm hay da mềm thấp cổ, có mũi cong, đôi khi người ta khâu thành những đôi giày thấp cổ tựa như giày ba ta hiện nay. Các vị quan cao quý đó thường không tự xỏ giày mà người hầu hoặc vợ yêu giúp họ, các đức ông đó chỉ việc giơ chân ra cho người khác xỏ giày vào chân mình. Khi trở về nhà, họ cũng không tự tháo giày mà lại giơ chân cho người hầu tháo, và bưng ngay một chậu nước cho ngài ngâm chân hoặc rửa chân.

Mặc dầu vậy, khí hậu Việt Nam xưa thường nóng ẩm, không thích hợp với việc nhốt kín chân vào giày hay tất quá lâu, nên về nhà ai nấy thích đi guốc mộc cho mát. Vào nội đình, nội đền hay cung cấm quan trọng, đôi khi người ta phải đi chân đất, nên ai nấy cởi giày ra và kẹp chúng vào nách, nom không đẹp mắt lắm, nhưng khỏi nhầm lẫn và mất cắp. Nếu ta biết rằng cho đến tận những năm 1980, một người Việt không dễ gì mua được một đôi giày đẹp hay một đôi dép nhựa Tiền phong, thì không lạ gì người xưa phải kẹp giày vào nách như vậy.

3. Ngày nay những đôi hài, đôi hia đó chỉ còn có thể thấy ở những đoàn ca kịch cải lương hay tuồng. Nghề thêu cắt hia và hài cho quý tộc đã mai một vào đầu thế kỷ 20, nghề đóng  giày da theo những mốt phương Tây thịnh hành, nhất là ở Gia Định xưa. Câu nói Đi giày Gia Định bóng ý chỉ một người sành điệu có tiền.

Thực chất thì trước thế kỷ 20, kiểu thức guốc dép và giày Việt Nam tương đối đơn giản, không so sánh được với thời hiện đại, nhưng chúng luôn là những tác phẩm thủ công tinh xảo.

(*) Tiếp theo kỳ 1 trên TT&VH số Chủ nhật, 12/2. Chuyên mục do nhà phê bình Phan Cẩm Thượng thực hiện đăng trên TT&VH số Chủ nhật hàng tuần.

Phan Cẩm Thượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm