03/12/2011 11:40 GMT+7 | Bóng đá Việt
(TT&VH) - Sau những phản hồi của độc giả (cả trong lẫn ngoài chuyên ngành tâm lý thể thao), vẫn phải quay lại một chủ đề mà cách nay chưa lâu đã được đăng tải trên TT&VH: tâm lý thi đấu yếu kém là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của ĐT U23 VN tại SEA Games 26, và điều đó đặt ra vấn đề nên chăng trong BHL của ĐT cần có sự tham gia của các bác sỹ (chuyên gia) tâm lý?
Các cầu thủ U23 VN tại SEA Games 26 cho rằng họ làm sao có thể đá tốt khi ở ngoài sân
HLV Goetz cứ gào thét sau từng pha bóng như vậy. Ảnh: Quốc Khánh
Từ lý luận
Nếu có dẫn chứng nào tiêu biểu để chứng minh cho nhận định nêu trên thì đó hẳn phải là cách thày trò HLV Goetz vỡ vụn trong trận tranh HCĐ với U23 Myanmar, vốn bị đánh giá thấp hơn họ khá nhiều. Nhưng trước đấy, sau tất cả những gì đã diễn ra (và được đông đảo người hâm mộ chứng kiến), tâm lý thi đấu của U23 VN tại kỳ giải lần này quả đã gặp những vấn đề trầm trọng ở cả thày (không giữ được bình tĩnh) lẫn trò (dễ dàng đánh mất chính mình).
Trong những trường hợp như vậy, sự có mặt của một bác sỹ (chuyên gia) tâm lý quả rất cần thiết, bởi khá nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn đều đồng ý với nhận định rằng khi thể lực, kỹ thuật và chiến thuật là thứ không dễ để thay đổi một khi đã bước vào giải đấu (ngắn ngày như SEA Games) thì người ta chỉ còn có thể xoay chuyển tình thế bằng những liệu pháp tâm lý.
Nếu đối chiếu với bóng đá thế giới, không phải ngẫu nhiên mà BHL của các đội bóng có khi phình to đến cả chục người mà ở đó luôn có chỗ cho các chuyên gia với nhiệm vụ tạo ra trạng thái nhập cuộc tốt nhất cho cầu thủ; hoặc trong trường hợp cầu thủ gặp vấn đề về tư tưởng (điều ngày càng phổ biến hơn trong bóng đá hiện đại), họ sẽ luôn có một địa chỉ tư vấn đáng tin cậy để gửi gắm.
Sự phát triển của ngành tâm lý thể thao gắn liền với sự phát triển của thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. Điều ấy xuất phát từ một nhận thức khoa học là nếu VĐV không có được trạng thái nhập cuộc tốt nhất, sẽ để lại hậu quả trên tất cả các yếu tố còn lại thuộc về thể lực và kỹ chiến thuật.
Đến thực tiễn
Tuy vậy, khá nhiều ý kiến mà TT&VH ghi nhận được từ ĐT U23 VN sau thất bại tại SEA Games 26 dù đều đồng ý rằng tâm lý thi đấu của họ có vấn đề, nhưng không ai đưa ra yêu cầu về việc bổ sung một chuyên gia tâm lý vào thành phần ĐT.
Lý lẽ của điều đó nằm ở chỗ, hầu như tất cả đều cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự căng cứng của các cầu thủ U23 VN nằm ở phong cách chỉ đạo thiếu kiềm chế cảm xúc của HLV Goetz. “Làm sao có thể đá tốt khi ở ngoài sân HLV Goetz cứ gào thét sau từng pha bóng như vậy!”, một cầu thủ đưa ra quan điểm. Và nếu theo dõi chi tiết diễn biến tại SEA Games 26 vừa qua, đúng là đã có những thời điểm các học trò của nhà cầm quân người Đức chủ động đề xuất với các trợ lý người Việt yêu cầu HLV Goetz “vặn nhỏ loa” bên ngoài đường piste.
Khoảng cách khá xa giữa thày và trò là một nguyên nhân khác. Không giống như HLV Calisto trước đây có xu hướng “gia đình hóa” các đội bóng mà ông dẫn dắt bằng những mối liên hệ khăng khít cả trong lẫn ngoài sân cỏ, HLV Goetz chưa bao giờ thể hiện rằng mình muốn bước qua ranh giới của khái niệm công việc. Trong những thời điểm khó khăn, tinh thần uể oải, điều mà khá đông học trò của nhà cầm quân người Đức chia sẻ là họ mong muốn HLV trưởng gần gũi hơn chứ không phải lúc nào cũng chỉ là những yêu cầu và mệnh lệnh.
Nhưng có lẽ, việc các thành viên của U23 VN mới chỉ dừng lại ở đề xuất HLV Goetz cần thay đổi, mà chưa đả động gì tới sự cần thiết của một bác sỹ tâm lý, có nguyên nhân quan trọng hơn cả là ngay từ lúc họ mới chỉ là những cậu bé chập chững đến với bóng đá cho tới ngày hôm nay thì “bác sỹ tâm lý” vẫn là một khái niệm xa lạ đối với bóng đá VN. Cầu thủ VN thường có thói quen gọi các HLV là “thày” là “bố”. Điều đó mang theo ý nghĩa các HLV bóng đá không chỉ truyền đạt cho họ về chuyên môn, đấy còn là những điểm tựa trong công việc và cuộc sống.
Cuối cùng, V-League hơn 10 năm lên chuyên nghiệp, tìm đỏ mắt cũng không ra một bác sỹ thể thao đúng nghĩa ăn lương ở cấp CLB, một HLV thể lực đúng chuyên ngành trong thành phần BHL của bất kỳ đội bóng nào, và ngay cả một điều tối thiểu như hàm lượng dinh dưỡng trong bữa ăn của cầu thủ như thế nào là đủ chất (dù bao giờ cũng phải ngồn ngộn thịt) vẫn chưa được nghiên cứu..., thì quả là hơi xa vời nếu đặt ra vấn đề bác sỹ tâm lý cho bóng đá VN, ít nhất là cấp độ ĐT.
Đức Hoàng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất