20/07/2022 06:15 GMT+7 | Bóng đá Việt
HLV lão làng Nguyễn Thành Vinh luôn nặng lòng cùng bóng đá nước nhà. Hôm nay, ông đã có những chia sẻ đầy trăn trở về bóng đá nữ Việt Nam trong thời gian tới.
* Thể thao & Văn hóa: Bóng đá nữ Việt Nam đã để mất ngôi vương tại AFF Cup 2022, đó là nỗi buồn nhưng cũng cảnh tỉnh cho chúng ta về dấu hiệu chững lại, ông nhìn nhận thế nào về điều này?
- Chuyên gia Nguyễn Thành Vinh: Thất bại trước Philippines và Myanmar đã khiến bóng đá nữ Việt Nam trắng tay ở AFF Cup năm nay. Tôi cho rằng có mấy nguyên nhân như thế này.
Trước hết, lực lượng của đội tuyển nữ hiện nay đang có nhiều biến động khi tham dự AFF Cup 2022, HLV Mai Đức Chung đã sử dụng nhiều hơn những cầu thủ trẻ, nhân tố mới. Tiếp theo đó sự trỗi dậy của đội tuyển nữ Philippines với chính sách nhập tịch của họ. Thêm vào đó, đội tuyển nữ Việt Nam sau giai đoạn bùng nổ tại giải nữ châu Á (giành vé đi World Cup) rồi sau đó giành tấm HCV SEA Games 31 trên sân nhà đã không còn giữ được phong độ cao, sự hưng phấn vốn có nữa.
Buồn đấy nhưng chúng ta gác lại thất bại này để nhanh chóng chuẩn bị những công việc tốt nhất khi năm sau đã là World Cup 2023, đồng thời giữ vững vị thế ở khu vực.
* Đã rất lâu, đội tuyển nữ Việt Nam mới nhận thất bại trước một đối thủ Đông Nam Á. Theo ông, những thất bại như thế chỉ là tạm thời hay báo hiệu rằng đã đến lúc bóng đá nữ Việt Nam không còn giữ được vị thế của mình ở khu vực?
- Tôi cho rằng bóng đá nữ Việt Nam vẫn đang nắm giữ được vị thế hàng đầu khu vực của mình. Tuy nhiên, thua Philippines rồi thua tiếp Myanmar là bài học cần thiết và đúng lúc để đội tuyển nữ Việt Nam nhìn lại chính mình. Đội tuyển nữ Việt Nam cần phải nâng cao hơn nữa nền tảng thể lực cũng như kỹ chiến thuật để trở lại mạnh mẽ hơn ở các giải đấu sau này.
Tôi lấy ví dụ, ở vòng bảng, đội tuyển nữ Việt Nam thắng đậm Myanmar đến 4-0 nên các cô gái Việt Nam có phần chủ quan xem nhẹ đối thủ khi gặp lại trong trận tranh hạng Ba. Bên cạnh đó, việc bị Philippines loại ở bán kết cũng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của học trò HLV Mai Đức Chung.
Ngoài sự chủ quan của các cô gái Việt Nam, có thể thấy các đối thủ Đông Nam Á đang tiến bộ từng ngày. Sau rất nhiều thất bại trước đội tuyển nữ Việt Nam, họ rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để ứng biến đối phó. Các đối thủ đã nghiên cứu kỹ lối chơi của đội tuyển nữ Việt Nam để chờ khi có cơ hội sẽ vượt lên. Những gì đội tuyển nữ Myanmar làm được trong trận hạng Ba rõ ràng là rất khác với trận đấu vòng bảng trước đó vài ngày.
* Gác lại thất bại tại AFF Cup 2022, theo ông bóng đá nữ Việt Nam cần làm gì để không quá thất thế ở World Cup nữ 2023?
- Như đã nói ở trên, đội tuyển nữ Việt Nam đang trong quá trình thay đổi về lực lượng khi kết hợp giữa lứa đàn chị thành danh cùng các cầu thủ trẻ. Thời gian gần, HLV Mai Đức Chung cũng đã gọi lên ĐTQG nhiều gương mặt trẻ để cài cắm, bổ sung. Những cầu thủ trẻ đó cũng đã được thử sức tại AFF Cup vừa rồi. Tuy nhiên, mọi thứ phải cần một quá trình tích lũy kinh nghiệm chứ chưa thể thích nghi hay thay thế lực lượng trong ngày một, ngày hai.
Trước mắt để chơi tốt ở World Cup 2023, đội tuyển nữ Việt Nam cần được thi đấu giao hữu nhiều hơn với các đội có đẳng cấp cao, giúp tích lũy kinh nghiệm. Ví dụ như trận đấu giao hữu với đội tuyển Pháp vừa rồi dù thua đậm nhưng cực kỳ bổ ích, quý giá. Cùng với đó là tăng cường chế độ dinh dưỡng tốt nhằm nâng cao thể trạng và sức bền. Ai cũng biết, đá ở World Cup, các đối thủ đều vượt trội, trên tầm so với chúng ta. Cần phải được thực chiến nhiều với những đội bóng mạnh để không khỏi bỡ ngỡ khi ra sân tại World Cup 2023.
Về lâu dài, giải VĐQG cùng các giải đấu trong nước cần phải tạo ra động lực cho bóng đá nữ. Phong trào mạnh sẽ có được hướng đi tốt, tạo ra sự phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, nhìn thực tế hiện nay, không có nhiều địa phương có được phong trào bóng đá nữ phát triển mạnh cũng như có đội bóng để tạo ra nền móng cơ bản.
Hiện nay, chúng ta có cả giải VĐQG, giải cúp quốc gia và kể cả các giải trẻ thuộc lứa U16 - U19 được tổ chức hàng năm. Thế nhưng, số lượng các địa phương, CLB tham gia vào các giải đấu còn quá ít. Giải VĐQG hiện nay chỉ có 6 đội. Phong trào chỉ phát triển ở 2 đầu đất nước, còn lại vắng bóng ở nhiều địa phương. Như khu vực miền Trung-Tây nguyên hay đồng bằng sông Cửu Long không có các đội bóng tham gia vào những hoạt động đó.
Muốn phát triển, trước hết cần có được số lượng nhiều hơn nữa các đội bóng tham gia hoạt động, thi đấu. Từ đó, mới có được nguồn lực rộng rãi để chắt lọc ra được chất lượng cầu thủ cho ĐTQG và các đội trẻ. Phải tạo ra được tính kế thừa, đồng bộ các tuyến trẻ xuyên suốt, kết nối nhau. Trước tiên, tập trung mạnh vào huấn luyện, đào tạo lứa tuổi U13, U15, U17, tạo điều kiện thi đấu các giải bóng đá nữ trong hệ thống giải quốc gia để tạo nguồn bổ sung cho ĐTQG.
* Xin được cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Trần Tuấn (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất