Chuyện ghi ở phiên chợ sách cũ…

06/01/2014 13:23 GMT+7 | Đọc - Xem



(Thethaovanhoa.vn) - Những cuốn sách quăn bìa, rách mép, ố màu với lời đề tặng hay những tên sách kinh điển từ nhiều thập niên xưa, hoặc những cuốn sách không thể gặp lại ở một hiệu sách mới, thì người ta có thể tìm thấy ở Phiên chợ sách Đông Tây (vừa diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội)…

1. Hoàng Hiên, một nhân viên văn phòng, đam mê sách. Biết có phiên chợ sách Đông Tây, bán cả sách mới và sách cũ với mức giá ưu đãi, chị Hiên đã tới đây. Chuyện kỳ lạ là sau khi đi dạo một vòng, Hoàng Hiên thấy lại chính cuốn sách mà chị đã trót bỏ quên trên một chuyến xe bus cách đây hơn 3 năm.


Trong niềm vui sướng, chị kể lại: “Biết tôi thích sách thiếu nhi, nên sinh nhật lần thứ 21 của tôi, bố mẹ đã tặng tôi cuốn: Nhóc Nicolas: Những chuyện chưa kể. Tôi rất quý cuốn sách này nên khi bỏ quên nó, tôi giận mình mãi. Và rồi tôi gặp lại chính nó ở đây, như bắt được vàng vậy”. Chị Hoàng Hiên đã mua lại được cuốn sách kỉ niệm của mình với giá chỉ 20.000 đồng, chị đã khóc khi gặp lại lời đề tặng thân thương ở đó: “Chúc mừng sinh nhật con gái yêu quý. Dù sau này có trưởng thành, hãy nhớ con mãi là con gái bé bỏng của bố mẹ!”. 


Một góc “chợ sách” Đông Tây tại Hà Nội

2. Phiên chợ sách Đông Tây tại địa chỉ thư viện Đông Tây, nhà N11A - Trần Quý Kiên, do Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây (trực tiếp là Thư viện Café Đông Tây) tổ chức, lần này đã là phiên thứ 4, được tổ chức định kỳ 2 tháng/lần, vào các tháng lẻ. Các đơn vị tham gia là: Alpha Book, Nhã Nam, Thái Hà Book, Công ty truyền thông Con sóc, và các nhà sách cũ nổi tiếng Hà Nội như: Sách cũ Hà Thành, Chợ sách Hà Nội, Sạp sách vỉa hè.


Hầu hết “mặt hàng” mang đến phiên chợ là sách cũ, mới với mức giá rất ưu đãi, sách mới có thể được giảm giá tới 40%. Ngoài ra có vô vàn đầu sách cũ quý hiếm: Bỉ vỏ, Tắt đèn, Cuốn theo chiều gió… Mỗi một cuốn sách cũ là một câu chuyện về chủ nhân của nó.  Người ta có thể thấy những lời đề tặng, lời tựa, dòng tâm sự kiểu như: “Tặng Đom Đóm yêu quý”, “Kỉ niệm một chiều buồn”, “Hà Nội, ngày 19.5.1995”…


Dù gọi là chợ nhưng đây thực sự là một không gian giao lưu văn hóa của những người yêu sách. Tại các quầy sách cũ, không chỉ là mua, bán. Chủ cửa hàng và khách nói chuyện về sách một cách say mê, đó là về các tác giả, về những cuốn sách kinh điển, một cách tâm đầu ý hợp. Chợ nhưng không mặc cả vì giá sách ở đây đã rất ưu đãi, có thể chỉ từ 5.000 đồng cho đến 15.000 đồng, 20.000 đồng bạn đã mua được một cuốn sách ưng ý. Người mua sung sướng có được cuốn sách quý với mức giá rất sinh viên, còn người bán thì hào hứng với việc sách của mình đã bước vào một cuộc hành trình tiếp theo đầy ý nghĩa với người chủ mới. Thỉnh thoảng lại có những “đơn đặt hàng” dành cho các chủ hiệu sách cũ về một cuốn sách mà người mua đang “săn lùng”.


3. Chị Nguyễn Thị Nguyệt Nga, đại diện nhà sách Đông Tây, cho biết: “Mục đích ban đầu của phiên chợ sách Đông Tây chỉ là giao lưu các nhà sách với nhau. Nhưng sau nó đã được mở rộng ra và nhân lên thành nơi giao lưu văn hóa, bán giá sách ưu đãi, nâng cao văn hóa đọc. Chợ phiên sách được bày bán kết hợp cả sách cũ và sách mới với nguồn sách phong phú trước và sau năm 1945. Mọi người khi đến đây nhìn sách cũ, sách mới sẽ định hình được cuốn sách mình sẽ đọc. Với những cuốn sách cũ, có thể cũ về giấy, bìa, thời gian xuất hiện, nhưng chất lượng và giá trị nó luôn mới. Người yêu sách sẽ cảm nhận được thời khắc ra đời, thời gian sống của cuốn sách đó”.

Anh Lê Văn Hợp là một người yêu sách, cũng là người sáng lập trang web Sách cũ Hà Thành. Gian hàng sách cũ của anh trong phiên chợ này luôn tấp nập vì có bày bán khá nhiều đầu sách quý, hiếm.

Anh Hợp chia sẻ: “Có ý kiến cho rằng nhiều bạn trẻ quay lưng với văn hóa đọc, nhưng tôi nghĩ đó chỉ là một bộ phận. Tôi thấy hiện nay nhiều bạn vẫn rất đam mê sách cũ. Những chợ phiên kiểu này cũng là một hình thức khuyến khích văn hóa đọc, tạo thói quen để người ta tìm đến với sách nhiều hơn, nâng cao văn hóa đọc”.


Thanh Ba
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm