HLV Lê Thụy Hải: 'Đừng kỳ vọng nhiều vào Olympic Việt Nam'

11/03/2015 05:38 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Cùng B.Bình Dương trở về từ chuyến làm khách Kashiwa Reysol (Nhật Bản) ở đấu trường AFC Champion League, GĐKT Lê Thụy Hải càng có thêm cơ sở để bảo vệ quan điểm bóng đá Việt Nam khoan hãy mơ mộng.

Đồng thời ông Hải cũng cho rằng chúng ta không nên kỳ vọng quá nhiều vào khả năng thành công của Olympic Việt Nam dưới thời HLV Miura.

Từ chuyến sang Nhật của B.Bình Dương

Trận thua của B.Bình Dương trước Kashiwa Reysol khiến GĐKT Lê Thụy Hải không gần ngại chia sẻ rằng sẽ rất khập khiễng nếu như so sánh các CLB Việt Nam với những đối thủ Nhật Bản.

Ông Hải lý giải: “Các CLB Nhật Bản là những đội bóng nhà nghề, chúng ta mới chỉ là các đội chuyên nghiệp, giữa nhà nghề và chuyên nghiệp là một khoảng tương đối, đằng này chúng ta mới chỉ mang danh chuyên nghiệp chứ thực tế chưa hề chuyên nghiệp hoàn toàn.  Các đội bóng Nhật có điều kiện tập luyện, sân bãi cực tốt, hệ thống đào tạo trẻ bài bản, chuyên sâu, còn chúng ta có gì”?

“Người đặc biệt” của bóng đá Việt Nam tiếp tục đặt ra những câu hỏi so sánh: “Các CLB Nhật không chỉ có nền tảng đào tạo trẻ tốt, cơ sở vật chất đạt chuẩn mà ngoại binh của họ còn khá chất lượng, giá thấp nhất là 5 triệu USD, còn chúng ta là bao nhiêu?

B.Bình Dương không phải kém đâu, đá trên sân đạt tiêu chuẩn, các cầu thủ của chúng tôi cũng đã thể hiện những kỹ năng chơi bóng không tệ so với cầu thủ người Nhật, nhưng vấn đề là đội  Kashiwa Reysol bài bản, mạnh hơn nhiều nên mới thua”.

Từ ví dụ B.Bình Dương, GĐKT Lê Thụy Hải khuyên các nhà làm bóng đá Việt Nam nên tập trung vào công tác đào tạo trẻ và cải thiện cơ sở vật chất.

Ông Hải nhấn mạnh: “Chúng ta khoan hãy mơ mộng Olympic, World Cup, AFC Champion League… vấn đề của chúng ta là phải đào tạo trẻ bài bản, phải tạo điều kiện để các CLB xây dựng hệ thống sân bãi, điều kiện ăn ở, tập luyện, bởi thực tế ngoài HAGL, các CLB của ta có gì đâu? Sân là của địa phương, suốt ngày mít tinh, phong trào… sân của CLB chuyên nghiệp không nên như thế.

Muốn cải thiện thực trạng ấy, VFF phải có uy tín để làm việc với lãnh đạo, với các Bộ, ngành, đề nghị với địa phương cấp hoặc bán đất với giá ưu đãi cho các CLB để họ xây sân bãi, để họ tự bán vé, tự thu chi”.

Theo ông Lê Thụy Hải, Olympic Việt Nam (trái) vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Ảnh: VSI

… đừng kỳ vọng quá nhiều vào Olympic Việt Nam

Không chỉ đề cập những tồn tại của bóng đá Việt Nam ở phạm vi “vĩ mô”, GĐKT Lê Thụy Hải còn chỉ ra những bất cấp “vi mô” ở các ĐTQG Việt Nam.

Ông nói: “Thứ nhất, về việc mổ xẻ thất bại để rút kinh nghiệm của đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2014 vừa qua đã có ai làm chưa? Tôi mới chỉ thấy những bàn tán trên mạng, chứ chưa thấy người có trách nhiệm lý giải một cách thỏa đáng.

Không phân tích, không tìm ra nguyên nhân thất bại để sửa thì làm sao lần sau có thể thắng?

Thứ hai, về đội ngũ trợ lý của HLV Miura, tại sao chúng ta không giữ lại êkíp từng làm việc ăn ý ở ASIAD 17 mà phải thay đổi? Trong khi đó, những người mới lên làm trợ lý ở AFF Cup hay chuẩn bị cho vòng loại Olympic châu Á lại bị ca thán là không hiểu ý đồ của HLV người Nhật.

Thứ ba, chúng ta thường thuê HLV người nước ngoài nhưng với giá rẻ thì lấy đấu ra người giỏi? Lâu nay, người ta cứ tung hô và ca ngợi HLV Miura xây dựng lối chơi nhỏ, phối hợp nhóm phù hợp tố chất cầu thủ Việt Nam, nhưng trận giao hữu với Olympic Indonesia có bài vở gì đâu, toàn chuyền bóng dài cơ mà”.

Từ những phân tích trên, GĐKT Lê Thụy Hải kết luận: “Chúng ta không nên kỳ vọng nhiều ở khả năng thành công của đội tuyển Olympic Việt Nam dưới thời HLV Miura, đồng thời phải thay đổi tư duy làm bóng đá”.

Olympic Việt Nam nên đi tập huấn ở nước ngoài

“Để chuẩn bị cho SEA Games, đội tuyển Olympic Việt Nam nên đi tập huấn ở nước ngoài, đá giao hữu với các đội có thực lực, sau đó đi thẳng đến Singapore thi đấu luôn chứ không về nước nữa. Theo tôi, cầu thủ của chúng ta chưa đạt được sự chuyên nghiệp 100%, về nước lại xin nghỉ về thăm gia đình 1, 2 ngày rồi mới tập trung trở lại đi đá giải sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trong khi đó, nếu tập luyện trong nước, cầu thủ của chúng ta khó có thể tập trung cũng như giữ được bí mật về chiến thuật, mảng miếng. Đội ngũ truyền thông của chúng ta luôn theo sát, sẵn sàng "khoe mẽ" mọi thứ lên mặt báo, điều đó là không nên”.

Lên đội tuyển được gì?

“Có thể tôi sẽ bị “ném đá”, nhưng tôi cũng xin hỏi VFF, cầu thủ lên ĐTQG sẽ nhận được gì? Đừng nói cống hiến cho ĐTQG là niềm tự hào, tự hào mà họ chịu thiệt thì lấy đâu ra động lực để họ cống hiến?

Ngay như Lê Tấn Tài, dính chấn thương nặng trên ĐTQG nhưng khi chữa trị VFF có hỗ trợ gì đâu, toàn bộ đều thuộc về B.Bình Dương. Tôi nói đó hoàn toàn là sự thật”.

  HLV Miura trong mắt người Nhật Bản

“Sau trận đấu với CLB Kashiwa Reysol, tôi có trao đổi với một thành viên của đội bóng này, bạn có biết họ nói gì với tôi không? Họ bảo rằng, đội ông có một bàn thắng danh dự là tốt lắm rồi, bởi HLV trưởng của ĐTQG nước ông còn kém xa HLV trưởng của một CLB của chúng tôi.

Lúc đầu tôi hơi tự ái, nhưng nghĩ lại thì đúng thật, bởi HLV Miura của ĐTQG và Olympic Việt Nam đã bao giờ cầm quân một đội bóng của Nhật tham dự AFC Champions League đâu? Các đội do ông này huấn luyện chỉ là vài đội làng nhàng, chẳng có thành tích gì cả”.


Tuệ Chính
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm