Chuyện đời như cổ tích của ‘thánh nữ’ billiards Campuchia Sruong Pheavy

13/05/2023 06:26 GMT+7 | SEA Games 32

Để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn, Sruong Pheavy rời Campuchia để kết hôn qua môi giới với một người chồng Hàn Quốc, nơi cô biết đến billiards. Giờ đây, cô nổi tiếng thế giới và giúp quê nhà Campuchia giành HCV SEA Games 32.

Hợp đồng hôn nhân

Sruong Pheavy sinh năm 1990 ở tỉnh Kampong Cham, nay là tỉnh Tbong Khum của Campuchia. Bố mẹ Sruong Pheavy là nông dân trồng sắn ở xã Thmar Pich 3. Cuộc sống của họ rất khó khăn, phải dậy sớm mỗi ngày và làm việc dưới cái nắng thiêu đốt.

Một ngày nọ, Sruong Pheavy đến thăm nhà một người dân khác trong làng. Cô thấy ngạc nhiên khi người này có một ngôi nhà lớn hơn nhà mình rất nhiều, với những tiện nghi cô lần đầu tiên thấy trong đời. Sruong Pheavy bắt đầu tự hỏi làm thế nào để gia đình mình trở nên giàu có.

"Việc các cô gái lấy chồng Hàn Quốc phổ biến ở Campuchia lúc đó. Vì thế, dì của tôi đã yêu cầu tôi chụp ảnh và gửi chúng tới bên môi giới", Sruong Pheavy chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Kiripost ở Phnom Penh. Một phụ nữ khác trong làng lấy chồng Hàn Quốc cũng khuyên Pheavy nên đi. Vì vậy, cô quyết định đi tìm một người chồng. Vào thời điểm đó, Pheavy có ba ứng viên để chọn. Một người ban đầu chọn cô nhưng sau đó bất ngờ rút lui. Trong lần thử thứ hai, Sruong Pheavy chọn được chồng hiện tại, người hơn cô 28 tuổi.

Tháng 5/2010, Pheavy rời Campuchia để đến Cheongju, cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc khoảng 1,5 giờ lái xe.

Thực tế phũ phàng

Còn trẻ và ngây thơ, Sruong Pheavy tin rằng mình sẽ có một cuộc sống giàu có ở Hàn Quốc. Nhưng khi đến nơi, Sruong Pheavy đối mặt với thực tế phũ phàng. Khác xa với cuộc sống xa hoa mà Sruong Pheavy tưởng tượng, chồng cô có một cửa hàng in nhỏ, cũng là ngôi nhà một phòng ngủ của họ. Khi mới đến, Sruong Pheavy hầu như chỉ ở trong căn phòng nhỏ của mình. Cô không có điện thoại, không có bất cứ sự liên hệ nào với bên ngoài. Vài tháng sau, chồng Sruong Pheavy dẫn cô đi chơi carom billiards (bida carom). Chồng nhận thấy Sruong Pheavy có năng khiếu với môn thể thao này, dù chưa hề biết về nó trước đó. Chồng đã truyền cảm hứng cho Sruong Pheavy tham gia khóa đào tạo. Ban đầu, Sruong Pheavy không thấy hứng thú nhưng vì muốn có tiền gửi về cho người thân ở quê nhà Campuchia, đây là lựa chọn duy nhất của cô.

Sruong Pheavy, nhà vô địch billiard SEA Games 32 của Campuchia: Chuyện đời như cổ tích của ‘thánh nữ’ billiards - Ảnh 1.

Sruong Pheavy chụp ảnh với người hâm mộ sau chiến thắng ở SEA Games 32

Quá trình đào tạo bắt đầu vào năm 2011. Tập luyện thường rất căng thẳng và mệt mỏi, kéo dài 10 giờ mỗi lần. Mỗi ngày, Sruong Pheavy đều nhìn bức ảnh những đứa trẻ Campuchia tại một bãi rác mà cô treo trên tường, như một cách để nhắc nhở bản thân phải chăm chỉ tập luyện. Chồng Sruong Pheavy cũng chi hàng nghìn USD cho các huấn luyện viên.

Sau khoảng hai năm đào tạo, Sruong Pheavy bắt đầu gặt hái được thành quả. Cô giành vị trí thứ hai trong một cuộc thi nghiệp dư vào năm 2013. Vào tháng 6 năm 2018, Sruong Pheavy giành giải ba trong Giải vô địch thế giới bida carom nữ lần thứ 8 tại Thổ Nhĩ Kỳ và vào tháng 10 năm 2019, cô đã giành được huy chương đồng trong Giải vô địch thế giới bida carom nữ tại Tây Ban Nha. Tháng 2 năm nay, Sruong Pheavy giành chiến thắng ở giải LPLBA Tour lần thứ tư - giải đấu dành cho nữ của PBA tại Hàn Quốc. Với chiến thắng này, cô hiện được xếp vào hàng những cơ thủ hàng đầu tại Hàn Quốc.

Sau khi giành được tiền thưởng lớn từ các giải đấu trên khắp thế giới, bao gồm Hàn Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu, Sruong Pheavy bắt đầu công việc nhân đạo, thành lập tổ chức phi chính phủ (NGO) của riêng mình. Mục đích của Sruong Pheavy là giúp đỡ đất nước quê hương Campuchia.

Huy chương vàng SEA Games

Với tài năng, tấm lòng nhân hậu và nhan sắc kiều diễm, Sruong Pheavy được người dân Campuchia vô cùng yêu mến, gọi cô là "thánh nữ" billiards.

Tại SEA Games 32 tổ chức tại quê hương, Sruong Pheavy trở về với mục tiêu giành HCV cho Đoàn thể thao Campuchia. Cô đã hoàn thành mục tiêu hôm 9/5, sau khi đánh bại cơ thủ Nguyễn Hoàng Yến Nhi của Việt Nam.

Hôm đó, hội trường thi đấu tại tầng 3 của AEON 2 chật cứng các cổ động viên Campuchia, những người đã cổ vũ rất sung cho Sruong Pheavy trong suốt thời gian thi đấu. Khi cô giành chiến thắng, đám đông vỗ tay vang dội. "Thành công luôn có thách thức. Dù mạnh mẽ đến đâu, chúng ta cũng không thể thoát khỏi chướng ngại vật. Nhưng chúng ta có thể sáng tạo trong cuộc chơi. Trận chung kết không đến với tôi dễ dàng, nhưng chính khó khăn này mới là thứ định nghĩa nên sự vĩ đại", Sruoung Pheavy nói với các phóng viên sau trận đấu.

Khánh Đan

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm