Hoàng Quý Phước: Thích được gọi là “Michael Phelps của Việt Nam”

27/11/2011 06:09 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH Cuối tuần) - Vào độ tuổi 18, vận động viên bơi lội Hoàng Quý Phước trở thành niềm tự hào của thể thao Việt Nam với cú đúp huy chương Vàng tại SEA Games 26. Lập hai chiến công đi vào lịch sử bơi lội Việt Nam nhưng Quý Phước vẫn hết sức khiêm tốn...

Cảm giác vô địch SEA Games rất đặc biệt

* Cảm giác của anh ra sao sau khi vô địch SEA Games 26, nhất là sau khi nhìn lại một chặng đường rất dài từ tấm huy chương Đồng SEA Games 25 đến ngôi vương tại SEA Games 26 ở nội dung 100m tự do và 100m bướm đạt chuẩn B Olympic?

- Tôi phải thừa nhận rằng đoạt được tấm huy chương Vàng SEA Games mang lại những xúc cảm đặc biệt. Dù tham dự nhiều giải đấu quốc tế và từng gặt hái những thành công, song đạt được sự thăng hoa trên đường bơi SEA Games lại là một chuyện khác. Tôi vui và hạnh phúc với những gì mình đóng góp cho thể thao nước nhà. Khi chạm vạch đích và nhìn lên bảng điện tử, tôi mới tin mình là người chiến thắng. Bước lên bục nhận huy chương và hát Quốc ca trước các đối thủ cùng khu vực, một cảm giác hạnh phúc, lâng lâng đến khó tả trào dâng trong lòng tôi.

* Được ví von là “Michael Phelps” của làng bơi Việt Nam, anh có bị áp lực đè nặng không?

- Trong thi đấu, các vận động viên bơi luôn phải nỗ lực và có cả đôi chút may mắn song hành. Bản thân 2 tấm huy chương Vàng nội dung 100m bướm và tự do của tôi cũng dựa trên một quá trình khổ luyện rất dài, với nhiều bài tập bổ trợ thể lực, sức mạnh. Tôi cũng khá lo khi các đối thủ đều có thành tích tốt hơn mình ở vòng loại. Khi bước ra đường bơi thi đấu, tôi nghĩ phải dẹp mọi thứ hết sang một bên mới ổn. Nếu cứ thi đấu mà đè nặng tâm lý thì khó nói chuyện có thành tích, chứ đừng nói tới tấm huy chương Vàng. Sự tự tin, thoải mái khiến tôi có đà xuất phát tốt rồi tung cú nước rút thần tốc, dù giữa chặng vẫn còn thua các đối thủ tầm 1 sải tay. Nghe các anh chị nhà báo gọi “Michael Phelps của Việt Nam”, tôi thấy cũng hay hay, cũng khoái!


Hoàng Quý Phước giành 2 huy chương Vàng ở SEA Games 26. Ảnh: Quang Nhựt

* Anh đánh giá thế nào về thành tích 53”07 ở nội dung 100m bướm, vượt khá sâu chuẩn B Olympic?

- Tôi chưa bao giờ coi thành tích khi tập luyện của mình một cách chính xác. Nó chỉ là thành tích ảo để một vận động viên bơi cố gắng hơn nữa. Kết quả trên đường bơi luôn phản ánh chính xác thời gian tập luyện, cố gắng hoàn thiện của các “kình ngư”. Từ thành tích 55”56 giúp tôi đạt huy chương Đồng 100m bướm tại SEA Games 25, tới những thành công ở đường bơi Palembang, đó thực sự là con số phản ánh chính xác năng lực hiện tại của tôi. Tôi nghĩ chỉ khi bước vào sân đấu các vận động viên mới có thể điều chỉnh mình, rồi có sự thăng hoa và vượt qua được chính năng lực bản thân.

* Anh có tin mình nếu có cơ hội đoạt được tấm vé thông hành tới London thì sẽ làm nên bất ngờ ở mùa Hè sang năm?

- Tôi vẫn phải chờ đợi trong hy vọng trước khi Liên đoàn bơi lội Thế giới công bố danh sách chính thức các vận động viên có mặt ở Olympic London 2012. Đây là đấu trường quá lớn, nơi tụ tập những vận động viên kiệt xuất nên tôi chỉ biết cố gắng hết sức mình, chẳng dám hứa trước điều gì.

Áp lực là một phần cho thành công

* Tính tới thời điểm này, anh đã sưu tập cho mình được bao nhiêu tấm huy chương Vàng? Giải đấu nào anh có kỷ niệm đẹp đẽ nhất trong sự nghiệp thi đấu bơi lội của mình?

- Tính từ khi tôi bước vào thi đấu chuyên nghiệp, tôi cũng đã có hơn 50 huy chương Vàng từ các giải đấu lớn trong và ngoài nước. Thành tích thì nhiều, khi tôi phá tới 9 kỷ lục quốc gia ở Đại hội thể dục thể thao toàn quốc năm 2010. Nhưng việc lập cú đúp vàng rồi phá luôn 2 kỷ lục tại SEA Games 26 là kỷ niệm đẹp nhất, khó quên nhất trong sự nghiệp của mình. Có thể coi đó cũng là giải đấu khó khăn nhất.

* Còn thời điểm khó khăn nhất của anh?

- Ba năm trước, cha tôi qua đời. Tôi nhận cú sốc tinh thần ấy và bị trầm cảm một thời gian. Có lúc tôi thực sự mất đi phương hướng vì ảnh hưởng của ông với tôi quá lớn. Rất may trong những ngày ấy, gia đình đã đứng bên động viên tôi vượt qua cú sốc rất lớn ấy. Bản thân tôi vốn con út trong gia đình, nên nhận được sự động viên của cả gia đình. Nhất là mẹ Tại chính là điểm tựa cho tôi phát triển và thành người. Tôi cũng thương mẹ lắm bởi 11 tuổi tôi sớm theo học lớp bơi các thầy bên Sở Thể dục thể thao (cũ), rồi đi biền biệt cả năm trời. Nhưng mẹ tôi vẫn gọi điện thoại, động viên và khuyên nhủ tôi trong mọi chuyện. Mỗi chiếc huy chương tôi đoạt được mẹ đều cất trang trọng và như nguồn động viên mỗi khi tôi thi đấu xa nhà.

Tôi muốn đi học để thành tài

* Trong những đối thủ thi đấu nhiều năm qua, anh coi “kình ngư” nào là đối trọng lớn nhất mà anh e dè trong thời gian tới?

- Có lẽ là vận động viên bơi mới 16 tuổi người Singapore có tên Joseph Isaac Schooling. Đây là một kình ngư trẻ triển vọng không chỉ Đông Nam Á mà có thể là tầm châu Á. Dù còn rất nhỏ tuổi, tiềm năng của Schooling rất cao. Ở nội dung 200m bơi bướm, Schooling đoạt huy chương Vàng SEA Games 26, đồng thời vượt chuẩn A Olympic với thời gian 1’56”57. Có thể nói rằng đây sẽ là đối thủ lớn nhất trong đường bơi tốc độ của tôi tại SEA Games 27 trên đất Myanmar.

* Dự định của Quý Phước trong năm 2012, để có thể nâng cao năng lực bản thân?

- Bước sang năm 2012, lãnh đạo ngành thể thao sẽ cho tôi cùng Nguyễn Thị Ánh Viên (nữ vận động viên 14 tuổi của Quân đội và cũng là “thần đồng” - TT&VH Cuối tuần) được sang Mỹ học trường đào tạo bơi trẻ, nơi mà Schooling đang là học viên. Đây là ngôi trường nổi tiếng đào tạo rất nhiều vận động viên bơi lội hàng đầu cho nước Mỹ lẫn cả thế giới. Sau thời gian tập huấn tại Trung Quốc, nay lại được du học ở một trung tâm hàng đầu của làng bơi thế giới, hạnh phúc không có gì hơn.

* Vậy ước vọng lớn nhất của anh trong năm 2012?

- Tôi hy vọng mình sẽ có tấm vé tham dự Olympic London 2012. Đây là giải đấu lớn quy tụ các “kình ngư” hàng đầu thế giới, được hít thở và trải nghiệm cảm giác ở đây, tôi có thể học hỏi và tiếp thu thêm nhiều thứ. Điều thứ hai tôi muốn hướng tới là nỗ lực vượt qua được năng lực hiện tại của bản thân. Tôi nghĩ mình còn nhiều tiềm năng nhưng chưa khai phá hết mà cần có sự giúp đỡ, tạo điều kiện từ cấp lãnh đạo. Nay có cơ hội được đi học tại Mỹ, tôi càng phải phấn đấu hơn nữa.

* Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi và chúc Hoàng Quý Phước tiếp tục bay cao, bay xa hơn trong thời gian tới!

Mộc Miên (thực hiện)

Hoàng Quý Phước, có thể bạn chưa biết...

* Quý Phước sinh ngày 24/3/1993 tại Phước Mỹ, Sơn Trà, Đà Nẵng. Sớm thể hiện năng khiếu từ bé và được đưa vào tuyển bơi TP. Đà Nẵng từ năm 11 tuổi. Được coi “rái cá sông Hàn” nhờ chiều cao 1m82, lẫn hình thể vô cùng phù hợp cho môn bơi lội.

* Sau 2 kỳ SEA Games tham dự trên đất Lào và Indonesia, Quý Phước đã có cho mình 2 HCV, 2 HCĐ và 2 kỷ lục thiết lập tại đường bơi 100m bơi bướm và 100m bơi tự do.

* Tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc 2010, Phước đạt 9 HCV, phá 9 kỷ lục quốc gia giúp TP.Đà Nẵng thống trị đường đua xanh ở nội dung nam.

* Tại giải Malaysia mở rộng 2011, Quý Phước đoạt HCV nội dung 100m bơi bướm. Thành tích 53’’56 giúp Quý Phước vượt chuẩn B ở nội dung này. Một tháng sau, Quý Phước tiếp tục vượt sâu chuẩn B, ở nội dung 100m bơi bướm (53’07) và 100m bơi tự do (50”79) tại SEA Games 26, nhưng vẫn chưa chắc suất có mặt tại Olympic 2012.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm