Chuyện của những rạp phim (Bài 1): Xem phim ở Mỹ

20/09/2010 06:29 GMT+7 | Văn hoá

Chuyện của những rạp phim

Chuyện của những rạp chiếu phim là một phần của Rạp & Những câu chuyện kể.

Ngày 22 tháng 3 năm 1895 tại Salon Indien (Phòng khách Ấn Độ) nằm dưới tầng hầm của quán cà phê Grand Café ở Paris, anh em Auguste và Louis Lumière đã tổ chức buổi trình chiếu có bán vé đầu tiên trên thế giới. Và tầng hầm này có thể được xem như “rạp chiếu phim” đầu tiên của loài người. Và tới nay, rạp chiếu phim (với nhiều cách gọi: movie theater, picture theater, film theater hay đơn giản là cinema) có lẽ là hệ thống nhà hát (theatre) hùng hậu nhất trên thế giới về số lượng, nhất là ở Mỹ với hàng ngàn rạp. Từ rạp chiếu phim đã hình thành những nét văn hóa ở mỗi khu vực, quốc gia.

Trong chuyên đề Chuyện của những rạp chiếu phim tuần này, TT&VH Cuối tuần muốn giới thiệu tới bạn đọc một vài câu chuyện thú vị của những rạp chiếu:

* Chuyện xem phim ở Mỹ

* Chuyện những rạp phim “khác thường”

* Chuyện của những rạp phim ở TP.HCM

Tổ chức chuyên đề: VIỆT CƯỜNG - VÂN ANH


(TT&VH Cuối tuần) - “Các bạn có phấn khích không?” - chàng nhân viên rạp gào lên trong micro. Đám đông khán giả rú lên “Có”. “Tôi cũng rất phấn khích vì chúng ta chuẩn bị xem Iron Man với diễn xuất của Robert Downey Jr., Gwyneth Paltrow và Jeff Bridges, do Jon Favreau đạo diễn. Trước khi phim bắt đầu, chúng ta hãy kiểm tra lại xem điện thoại di động, iPhone, Blackberry, hay bất kỳ thiết bị nhắn tin điện tử nào có thể phát sáng, gây tiếng ồn đã được chuyển sang chế động im lặng hoặc tắt hẳn hay chưa. Tốt nhất là các bạn đừng nên sử dụng trong khi xem phim. Ở đây chúng tôi có Jennifer (chỉ tay về một cô nhân viên đứng ở hành lang phía bên trái), Mark (chỉ tay về một nam nhân viên đứng ở hành lang bên phải) và tôi, Jeremy, là những nhân viên sẵn sàng phục vụ các bạn. Chúng tôi sẽ cùng ở lại với các bạn 15 phút đầu tiên để đảm bảo hệ thống hình ảnh, âm thanh hoàn hảo. Nếu trong quá trình xem phim, có bất kỳ sự cố kỹ thuật nào xảy ra, các bạn hãy tìm chúng tôi đứng ngay bên ngoài. Còn bây giờ, chúc các bạn một buổi xem phim vui vẻ”, Jeremy cúi đầu chào, và vài khán giả vỗ tay. Đèn dịu xuống. Bộ phim bắt đầu…

>> Chuyên đề: Rạp & Những câu chuyện kể

Không phải rạp chiếu phim nào ở Mỹ cũng có phần giới thiệu trang trọng như ở Arclight Hollywood - hệ thống rạp 14 màn ảnh hàng đầu ở thành phố Los Angeles. Toàn bộ các rạp ở Arclight đều đuợc thiết kế theo lối khán đài, tức bạn không phải lo lắng nếu nguời ngồi trước mặt là một gã người Mỹ cao to trong khi bạn chỉ là một cô gái Việt Nam nhỏ nhắn. Khoảng cách giữa hàng ghế đầu tiên đến màn ảnh cũng vừa đủ để bạn không quá bị choáng ngợp nếu chẳng may phim quá ăn khách và đây là vé duy nhất bạn có thể chọn mua.

Arclight Hollywood - hệ thống rạp 14 màn ảnh hàng đầu ở thành phố Los Angeles
Cũng vì thế, giá vé ở các rạp thuộc chuỗi rạp Arclight (gồm Arclight Hollywood, Sherman Oaks và Pasadena) thuộc hàng đắt nhất Los Angeles - 13,5 USD/vé cho ngày thường, 16 USD/vé cho cuối tuần và 19,5 USD/vé cho phim 3-D ở khán phòng hình vòm (DOME). Ngoài việc giảm giá 1USD/vé mua trực tuyến cho khán giả có thẻ thành viên thì cũng như hầu hết các rạp chiếu phim khác ở Mỹ, Arclight cũng có giá vé ưu đãi cho người lớn tuổi và trẻ em.

Arclight, cũng như Bridge Cinema de Lux, hay Graumann’s Chinese Theater được xếp vào hạng rạp chiếu phim sang trọng, trong khi đa phần các chuỗi rạp của AMC, Regal, Pacific… tập trung vào khán giả bình dân. Tuy nhiên, hệ thống rạp của Arclight không giống đa phần các hệ thống rạp khác ở Mỹ. Arclight Hollywood nằm độc lập riêng một mình nó trên đại lộ Sunset, với quầy bar, quầy sách nằm trong khuôn viên rạp và thuộc hệ thống rạp. Trong khi đó, các chuỗi rạp nổi tiếng ở Mỹ như AMC, Regal, Loews, Pacific, Edwards thường nằm ở các trung tâm mua sắm.

Nếu các chuỗi rạp sang trọng chỉ chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn (Arclight chỉ có ở bang California, Bridge Cinema De Lux chỉ có ở Los Angeles và Phildelphia), thì các chuỗi rạp bình dân của Mỹ lại trải dài khắp nước Mỹ. Ở Mỹ có bốn chuỗi hệ thống rạp quốc gia, bao gồm AMC, Regal, National Amusement và Cinemark, mỗi hệ thống sở hữu khoảng trên dưới 5.000 màn ảnh. Giá vé của các rạp này dao động từ 5 USD - 15 USD (vé ban ngày rẻ hơn vé ban đêm, vé ngày thường rẻ hơn vé cuối tuần, HSSV, người già và trẻ em được giảm giá). Khán giả có thể mua vé mời với giá rẻ hơn, như vé bạc của AMC chỉ có 6 USD (nhưng không được xem phim mới phát hành trong vòng 2 tuần) hay vé vàng của AMC giá 7,50 USD (có thể xem cả phim mới, không bị hạn chế). Những người nghèo không có tiền nếu muốn xem phim với giá rẻ hơn có thể chọn các rạp chiếu thuộc hệ thống của Regency hoặc một số rạp chiếu phim 1 USD, bởi các rạp chiếu này thường chiếu phim nước hai (tức phim chiếu chậm hơn các rạp khác khoảng từ 2 - 4 tuần). Vé xem ban ngày ở Regency chỉ có 3 USD, ban đêm là 5 USD, vào các ngày thứ tư còn có thêm chương trình đặc biệt 10 USD/cặp vé có tặng kèm bỏng ngô và nước ngọt.


Bridge Cinema de Lux, một trong những rạp chiếu phim sang trọng ở Mỹ
Các gia đình Mỹ thường thích đi xem phim ở những rạp của AMC, Regal hay Loews, bởi các rạp chiếu phim này có nhiều chương trình, hoạt động gắn liền với gia đình, giá cả vừa phải. Các gia đình đông người đi xem phim cũng sẽ có nhiều lựa chọn (mỗi cụm rạp trung bình có khoảng trên dưới 10 rạp, có khi lên đến 30 rạp), cộng thêm việc họ kết hợp chuyện đi xem phim với mua sắm vào cuối tuần. Ngoài ra, ở các rạp này, những người ít tiền còn có cơ hội để xem phim “lậu” bằng cách di chuyển từ rạp này sang rạp khác trong khuôn viên của cụm rạp, bởi vé xem phim chỉ bị soát một lần ở cổng ngoài cùng và trên vé không hề ghi số ghế. Đương nhiên, chất lượng phục vụ của các rạp chiếu bóng này, cũng như chất lượng âm thanh, hình ảnh, màn ảnh… không thể so với các rạp sang trọng. Tương tự, nếu ở Arclight bạn không phải xem quảng cáo trước khi phim bắt đầu, thì ở các rạp thuộc AMC hay Edwards, bạn sẽ “được” xem quảng cáo sản phẩm và trailer từ 15 - 30 phút trước khi bắt đầu vào phim.

Ở nhiều rạp tại Mỹ, khán giả có quyền trả lại vé đã mua nếu phim chưa chiếu. Ngay cả phim đã chiếu, bạn đã vào xem và sau 10 phút bạn cảm thấy phim quá dở, bạn có quyền quay trở lại quầy vé và đòi lại tiền! Nếu trong thời gian chiếu phim có bất kỳ sự cố kỹ thuật nào xảy ra - chẳng hạn phim tắt giữa chừng, có hình mà không có tiếng, hay có tiếng mà không có hình, khán giả có thể ra ngoài phàn nàn với nhân viên để có người giải quyết ngay tức thì, và họ cũng hoàn toàn có quyền trả lại vé hoặc yêu cầu được tặng lại vé mời xem vào một ngày khác. Một lần xem phim tại rạp AMC Universal City Walk (California), một đám con nít đùa giỡn đã khiến cho hệ thống cứu hỏa kích hoạt khiến buổi chiếu bị ngừng giữa chừng. Khi nhân viên của rạp vào xin lỗi khán giả và xin được đền lại bằng vé mời xem phim cho một ngày khác, phân nửa số người trong rạp đã… không cần nhận vé. Lý do: họ không mua vé cho suất chiếu ở rạp đó, mà chỉ “chạy vào xem ké”!

Cũng không thể không nhắc đến văn hóa “ăn quà vặt” trong rạp ở Mỹ. Tiền vé xem phim ở các cụm rạp thường không quá đắt, nên doanh thu thật sự của họ đến từ việc bán bắp rang bơ. Giá trung bình một hộp bắp rang bơ cỡ nhỏ là 5 USD, vừa là 6 USD, lớn là 7 USD, giá trung bình cho nước ngọt cỡ nhỏ là 4 USD, trung là 4,50 USD, lớn là 5 USD, giá trung bình cho xúc xích khoảng 4 USD. Nếu mua combo, thì giá trung bình khoảng 11 - 15 USD cho một combo gồm nước ngọt, bắp rang bơ và xúc xích. Tuy nhiên bù lại, với nước ngọt và bắp rang bơ cỡ lớn thì bạn có thể “refill” (đổ đầy lại) miễn phí sau khi đã ăn uống hết! Ở Arclight, nếu bạn tích lũy điểm (dựa trên số vé bạn đã mua), bạn có thể mua một combo bắp rang bơ và nước ngọt lớn chỉ với giá… 1 USD(*)!.

(*) Giá cả trên được cập nhật vào tháng 5/2010 tại Los Angeles, giá có thể đã thay đổi ở thời điểm hiện tại, hoặc không chính xác ở những vùng khác của Mỹ, thông thường sẽ rẻ hơn vì Los Angeles là một trong những thành phố đắt đỏ nhất ở Mỹ.

Nhật Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm