Chuyện “cổ tích” trên cầu Chương Dương: 10 năm cứu người tự tử

11/09/2012 08:16 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Là Thượng tá công an, học ở nước ngoài về, lại là thương binh 3/4, điều hành giao thông trên 1.230 mét của cây cầu Chương Dương là nhiệm vụ của ông. Song hơn 10 năm nay, ông còn "vơ" vào mình một việc khác, đó là cứu những người định nhảy cầu tự tử.

Ông là Thượng tá Lê Đức Đoàn, đội cảnh sát giao thông số 1 phòng CSGT Hà Nội.

“Thôi thôi, bố xin”

10 năm ròng, lắng nghe "tiếng sông Hồng thở than" với bao nỗi đời, kiếp người trên cây cầu Chương Dương, Thượng tá Đoàn chia sẻ: "Ở đây bao lâu, tôi quá hiểu từ lề thói đi lại, tới lối sống, "lối chết" trên cây cầu này. Cũng vì thế mà tôi có phúc phận ngăn cản được mấy chục cái chết trong suốt 10 năm qua. Cứu được bao nhiêu người thì kỳ thực, tôi không nhớ nổi. Chỉ nhớ từ ngày cứu được một cô gái giận chồng tới giờ, tôi mặc nhiên coi cứu người nhảy sông là nhiệm vụ của mình…".



Thượng tá Lê Đức Đoàn kể về những lần giải cứu người trên cầu Chương Dương

Cái buổi ban đầu cứu người ấy dường như đã thay đổi cả cuộc đời ông Thượng tá nên ông nhớ rất rõ. Đó là một người phụ nữ đang mang bầu quê Nam Định, đang cùng chồng bán hàng thuê ở Hà Nội. Nguyên do rất đơn giản là: "mâu thuẫn gia đình bình thường” và "có thể dàn xếp được" - theo nhận định của Thượng tá Đoàn.

Cô gái ấy đi xe máy qua cầu như mọi ngày vẫn đi làm. Song hôm đó, cô quyết định nhảy cầu quyên sinh. Thay vì nhảy từ thành cầu, cô chui vào cái khe giữa làn đường ô tô và xe máy. Dân thấy vậy liền báo công an. Ngay tức khắc, ông Đoàn tiếp cận cô gái nhờ một chiếc xe buýt. Ông đứng cửa trước và yêu cầu lái xe đóng cửa, vì nếu cửa mở nhìn thấy người mặc sắc phục, cô gái sẽ lao xuống ngay. "Bởi con người trước khi chết luôn có những giây phút do dự và không làm chủ được bản thân"- ông Đoàn phân tích.

Ngừng lại ít lâu để vuốt nắm mồ hôi ướt nhòe gương mặt đen sạm, ông Đoàn kể tiếp: "Khi xe buýt tiến lại gần cô ấy độ hơn một mét, cô ấy nhào xuống, tôi rướn người tóm lấy. Dù bị giữ chặt song cô gấy vẫn gào lên đòi chết. Tôi nói "thôi thôi, bố xin". Cô ấy nghe câu "bố", mắt lờ đờ hoảng hốt, mùa Đông mà mồ hôi lấm láp gương mặt hớt hải. Rồi tôi kéo hẳn cô ấy lên…

Giờ cuộc sống cô ấy rất an lành rồi. Mỗi độ về quê có cân gạo, chai rượu, hai vợ chồng vẫn mang tặng tôi. Trong sự nghiệp của mình, tôi thấy đấy là phần thưởng quý giá nhất, vì đó là phần thưởng của nhân dân".

Ám ảnh nước mắt

Ấy chỉ là một trong cả vài chục câu chuyện Thượng tá Đoàn cứu người muốn lìa cõi sống. Nhưng đằng sau những lần ấy, ông Đoàn còn phải nhận lại cả những nỗi buồn, niềm đau và cả sự day dứt khôn nguôi khi ông đến mà sự đã rồi.



Một nam thanh niên dọa tự tử trên cầu Chương Dương sáng 11/6/2011. Ảnh: VnExpress

"Nhiều trường hợp nhận được thông tin từ quần chúng, người ta đã nhảy xuống sông rồi. Cầu dài sông rộng, họ nhảy xuống thì bị nước cuốn
phăng ngay. Mà đa phần người nhảy xuống sẽ chết trước khi bị đuối nước, bởi khoảng cách từ sàn cầu tới mặt nước quá lớn, chỉ cần đập xuống mặt nước đã vỡ lục phủ ngũ tạng rồi. Tôi cứ day dứt mãi những trường hợp ấy"- ông Đoàn tâm sự.

Cũng thật khó để quên những dịp như buổi tối mùa hè ngày 6/6 vừa qua, khi ông phải chứng kiến người mẹ định bụng đẩy đứa con 10 tuổi của mình xuống sông. Ông kể: "Lúc đó khoảng 9h tối, cầu Chương Dương lúc ấy không đông lắm, tôi cũng sắp hết ca trực. Vì họ quyết tâm tự tử nên người mẹ định đẩy con xuống trước. Khi nhận được tin, tôi tới, phải có những hành động rất cứng rắn, rất cương quyết mới kéo được cháu lên. Cuộc giải cứu thành công".

"Hành vi đẩy con xuống sông ấy, nếu theo luật hình sự là hành vi giết người. Nhưng khi cứu được người rồi, khai thác mới biết, chị ta muốn hai mẹ con cùng chết. Vì hoàn cảnh họ khó khăn: chồng mất, nuôi 2 đứa con, mà cô bé định đẩy xuống này hợp với mẹ nhất. Trường hợp cứ ám ảnh tôi mãi. Dù giải cứu thành công song tôi vẫn cảm thấy đắng lòng trước những cảnh đời và suy nghĩ như thế. Thực tế họ có thể tìm được những hướng đi khác tích cực hơn cho cuộc đời, tôi muốn họ luôn nghĩ như thế"- ông Đoàn trầm tư kể lại.

Đổ máu vì bắt cướp

Trăng vằng vặc trên cầu Chương Dương, nhưng dường như trên cây cầu hoa lệ này, nếu không có ông Thượng tá "chăm cứu người", chẳng mấy ai biết những nỗi đau và cả sự mất mát trong ông.

"Khoảng 10 năm về trước, xảy ra một vụ cướp ở Sóc Sơn. Một phụ nữ đi đường, bị một toán côn đồ tấn công. Mình tôi đã nhảy ra để gắng bắt bọn chúng. Lúc ấy tôi không mang súng, bọn chúng chống trả mạnh quá nên tôi bị thương nặng và bất tỉnh nhân sự, từ đó tôi thành thương binh 3/4. Nhưng lần đó, tôi cũng kịp khống chế được một tên và từ đó lần ra cả băng nhóm" - ông Thượng tá tâm sự, giọng bình thản như đó là một phần công việc của mình.

Phạm Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm