21/01/2023 11:00 GMT+7 | Văn hoá
Hẳn nhiều người đã biết chuyện phố Chả Cá ở Hà Nội được đặt tên nhờ một quán ăn duy nhất của một gia đình trên phố này. Nhưng không phải ai cũng biết những câu chuyên thật mà như huyền thoại về những con người đã làm nên "thương hiệu ẩm thực" này.
1. Trong lần viễn du "Vòng quanh nước Việt" tháng 6 vừa qua, nhóm chúng tôi có thời gian dừng chân tại Hà Nội gặp lại bạn cũ, tha hồ cùng nhau ôn cố tri tân. Trong bữa tiệc vui hôm ấy bình chọn về các món ăn ngon nhất bạn nào cũng bảo "chả cá Lã Vọng"…. Rồi lại hỏi nhau tại sao cả con phố lại chỉ có một nhà hàng bán duy nhất một món ăn này…
Chúng tôi hỏi bạn Mai Hương (nhà số 5 phố Chả Cá). Mai Hương và chồng là PGS-TS Đặng Văn Bài (nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH,TT&DL, hiện là Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia) đã chia sẻ nhiều điều bất ngờ thú vị… Tôi xin chắp nối lại câu chuyện như sau:
Khoảng năm 1871, ở số 14 Phố Hàng Sơn, Hà Nội (nơi bán các loại sơn) có một gia đình họ Đoàn sinh sống. Ông là Đoàn Xuân Hựu, bà là Nguyễn Thị Sáng. Ông tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa thục (3/1907 - 11/1907) do các nhà chí sỹ như Phan Chu Trinh, Lương Văn Can, Tăng Bạt Hổ… khởi xướng nhằm thực hiện cải cách xã hội nhằm Chấn hưng thực nghiệp (mở tiệm buôn, phát triển công thương) và khai trí (mở những lớp dạy học miễn phí đúng với cái tên "nghĩa thục" - trường tư thục vì việc nghĩa - và tổ chức những cuộc diễn thuyết để trao đổi tư tưởng cùng cổ động trong dân chúng).
Ngôi nhà của ông, bà là cơ sở hội họp của các sĩ phu yêu nước. Mỗi lần như thế, bà Sáng đi chợ mua cá nấu ăn đãi khách, lúc đầu là món cá nướng, sau cải biến dần, ướp thêm gia vị... thành món chả cá. Bữa tiệc ngon đến bất ngờ. Kể từ đó, lần nào các cụ trong phong trào Đông kinh Nghĩa thục hội họp, bà cũng làm món chả cá và ai cũng khen ngon. Được đà vui, ông, bà mở quán bán món ăn này vừa nuôi gia đình, vừa là nơi hội họp che mắt mật thám Pháp.
2. Về sau chính quyền Pháp nhận thấy phong trào có thể là một mối nguy đối với chế độ thuộc địa, tháng 11 năm 1907 trường bị buộc phải giải tán.
Ông Đoàn Xuân Hựu bị Pháp bắt, đày lên Thái Nguyên làm lao dịch, khổ sai. Nhà họ Đoàn lúc này chỉ còn bà Nguyễn Thị Sáng tần tảo gánh vác giang sơn nhà chồng và lo duy trì quán. Một lần, nói chuyện với một bà khách hay đến quán ăn chả cá, bà mới biết vị khách chính là nhà thầu khoán chuyên cung cấp đồ ăn cho tù nhân ở Thái Nguyên. Người này vẫn cảm phục phong trào Đông kinh Nghĩa thục và cũng quý mến người tù Đoàn Xuân Hựu nên đã bố trí cho hai ông bà bí mật đến với nhau.
Sau lần gặp "thiên mệnh" kỳ diệu đó, bà mang thai... Thời đó, chuyện chửa hoang là một trọng tội và một người đàn bà có chồng đang bị tù mà có thai ngoài luồng là một chuyện động trời... Gia phong nhà họ Đoàn đâu có thể chấp nhận những chuyện hoen ố thuần phong như vậy. Nhà chồng ra lệnh đánh đòn bà để nghiêm trị phép nhà... nhưng cũng thương bà, thương cả đứa bé kia nên cho khoét giữa sân nhà một cái hố nhỏ để bà nằm sấp, đặt bụng lọt vào hố giữ cho bé được an toàn...
Giận thì giận mà thương thì vẫn thương. Nhà chồng hỏi thế nào bà cũng cắn răng chịu đựng, quyết không khai "tác giả" của cái thai, vì sợ liên lụy đến chồng và người khách tốt bụng kia.
Thời gian sau, bà sinh con gái, rồi chồng cũng được tha, bà được mình oan, cả nhà đoàn tụ. Ông vô cùng cảm động vì tình yêu, sự can trường của bà và càng mừng hơn vì có thêm cô con gái út xinh đẹp. Ông đã đặt tên con là Đoàn Thị Thái để kỷ niệm vùng đất Thái Nguyên nơi 2 ông bà gặp nhau trong hoàn cảnh hy hữu đặc biệt đó.
3. Thời gian trôi qua, Hà Nội trải qua bao biến động thăng trầm nhưng quán chả cá ở 14 phố Hàng Sơn vẫn tồn tại. Tiếng thơm về món ngon ngày càng nổi, trở thành địa chỉ quen thuộc của du khách trong và ngoài nước. Dần dần người Hà Nội quên tên phố Hàng Sơn và chỉ gọi phố Chả Cá, ngay cả thư từ, giấy tờ giao dịch hành chính cũng ghi: Gửi ông: ABC, số nhà XXX, phố Chả Cá, Hà Nội.
Trước sự thể rắc rối này, ông thị trưởng Hà Nội lúc đó đã có một quyết định hợp lý, đổi tên phố Hàng Sơn thành phố Chả Cá, trái hẳn thông lệ về đặt tên các phố cổ lúc bấy giờ vì tên phố là tên một cửa hàng duy nhất chỉ bán một món chả cá.
Sau này quán chả cá có thêm 2 từ Lã Vọng, đây cũng là một kỷ niệm vui… Một lần, cô gái út Đoàn Thị Thái được gia đình dẫn đi mua đồ chơi, chợt cô thấy có bức tượng ông lão nón lá, râu dài đang câu cá. Cô bé nói: nhà mình bán chả cá, có ông này mang cá về thì tốt quá...
Người bán kể cho cô nghe về tích ông Lã Vọng, tức Khương Tử Nha, anh hùng thời nhà Chu, Trung Quốc, lánh bụi trần, câu cá đến 70 tuổi bên sông Vị Thủy chờ thời thế... Vua Văn Vương vi hành bắt gặp và mời Lã Vọng về làm quan. Công đức, trí tuệ của Lã Vọng để tiếng thơm muôn đời cùng cái danh người anh hùng ẩn sĩ câu cá bên sông Vị.
Cô bé Đoàn Thị Thái bê bức tượng về nhà, đặt trên quầy hàng như một tác phẩm trang trí. Thời gian trôi qua, bức tượng ông Lã Vọng gắn liền với quán chả cá để nơi đây khẳng định một thương hiệu danh tiếng cho đến bây giờ: quán Chả cá Lã Vọng.
4. Thật vui và ngạc nhiên vì con gái ông bà Đoàn Thị Thái chính là Nguyễn Mai Hương bạn học cùng lớp với tôi thời cấp 3 trường Lý Thường Kiệt, Hà Nội…
Mai Hương còn nói trước kia, mỗi lần ra Hà Nội, ông Bảo Đại (1913-1997), vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam, đều đến thưởng thức món chả cá do chính bà Đoàn Thị Thái làm ngay tại nhà (quán Sơn Hải) số 5 phố Chả Cá. Vua Bảo Đại chọn nơi này vì có cửa hàng rộng rãi, đẹp, kiến trúc "Tây" hơn so với quán nhà số 14. Khi vua Bảo Đại đến ăn, cả phố bị phong tỏa, bà Thái còn sáng tạo thêm món cá áp chảo gồm bún, cá tươi, trứng… được vua Bảo Đại đặt tên là món Vĩnh Thụy (Vĩnh Thụy cũng là tên của vua Bảo Đại).
Sau này quán Sơn Hải của bà không bán chả cá mà chỉ dạy nấu ăn và làm "hoa lụa", bà đã đưa việc tạo tác các bông hoa bằng giấy, vải, lụa, đưa cách cắm hoa và trưng bày hoa thành một một môn nghệ thuật. Bà được Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội đồng Trung ương Liên minh các Hợp tác xã trao tặng giải thưởng "Đôi bàn tay vàng" (1999) vì những đóng góp to lớn trong việc bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật dân tộc đặc sắc này. Cho đến bây giờ, nếu ai đó muốn nói về vẻ đẹp tinh tế nhất của "hoa lụa" Hà Nội thì sẽ phải nói đến người con gái út của bà, chị Mai Hạnh. Được phong tặng Nghệ nhân nhân dân, chị không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được nhiều nước: Hàn Quốc, Mông Cổ, Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore, Trung Quốc, Pháp… mời đến biểu diễn và giảng dạy.
Thật là một câu chuyện văn hóa bất ngờ, thú vị để chúng ta thêm yêu Hà Nội, trân quý bạn bè lớp cũ và càng thêm kính trọng, tự hào về các bậc phụ huynh và thế hệ tiền nhân.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất