Chuyện chiếc 'đồng hồ đếm ngược'

17/01/2018 07:15 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - UBND TP Hà Nội vừa có công văn giao các cơ quan chức năng sớm tháo dỡ chiếc "đồng hồ đếm ngược" tại khu vực đền Bà Kiệu (sát Hồ Gươm) để trả lại không gian nguyên trạng cho di tích quốc gia đặc biệt này.

Về bản chất, chiếc đồng hồ ấy là một màn hình LED lớn, cách điệu theo hình dáng Khuê Văn Các và được lắp đặt tròn 10 năm trước. Chức năng chủ yếu của màn hình khi ấy là "đếm ngược" tới thời điểm thành phố kỷ niệm Đại lễ tròn 1.000 năm tuổi.

Thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa, nên "đồng hồ" được lên kế hoạch khai thác tới hết năm 2017 vừa rồi. Phần lớn thời gian hoạt động sau Đại lễ, màn hình trở thành công cụ tuyên truyền, quảng bá các thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội...cho thành phố.

Chú thích ảnh
Đồng hồ đếm ngược ở đền Bà Kiệu. Ảnh: TTXVN

Thế nhưng, vì thực hiện theo hình thức xã hội hóa, 25% thời gian hoạt động trong ngày của đồng hồ được sử dụng vào mục đích quảng cáo thương mại.

Diện tích lớn, đặt tại nơi có hàng ngàn lượt người qua lại mỗi ngày, không quá lời khi nhiều người nhận xét rằng màn hình ấy đã trở thành vị trí "vàng" để quảng cáo cho doanh nghiệp.

Và, dù dành 75% thời gian để làm nhiệm vụ tuyên truyền chính trị cho Hà Nội,  một số chuyên gia vẫn khẳng định: chiếc "đồng hồ" ấy đã vi phạm Luật Di sản Văn hóa khi nằm trong quần thể một di tích quốc gia đặc biệt như Hồ Gươm.

Bởi thế, dù phía chủ đầu tư đã dẫn giải về chức năng tuyên truyền trong 10 năm qua và đề nghị được tiếp tục vận hành màn hình LED này tới năm 2023, không có gì khó hiểu khi các cơ quan chức năng của Hà Nội kiên quyết yêu cầu tháo dỡ nó ra khỏi khu vực đền Bà Kiệu trong vòng 2 tuần tới.

    ***

Như lời của một nguyênkiến trúc sư trưởng thành phố, Hồ Gươm với những biến đổi cảnh quan mang theo nó, đã trở thành biểu tượng về ý chí của cộng đồng. Bởi thế, bất cứ công trình, hoạt động nào quanh Hồ Gươm đều rất được quan tâm và phản biện. Những câu chuyện về khách sạn Hà Nội Vàng, về ý tưởng dựng tượng King Kong hoặc tượng Rùa Vàng quanh Hồ Gươm là minh chứng cho điều ấy.

Trong quần thể kiến trúc quanh hồ, khu vực đền Bà Kiệu gắn với một dải xanh kéo dài, kết nối không gian hồ xuống khu phố Pháp. Trong quá khứ, nơi đặt "đồng hồ đếm ngược" từng là vị trí của một quán nhỏ, bán hoa tươi tại góc đường.

Như so sánh của các chuyên gia, nếu phía Bắc của hồ có quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và đài phun nước tạo hiệu quả thoáng, mở, làm "Âu hóa" không gian phố cổ đậm chất phương Đông, thì thảm cỏ, công viên và quán hoa tươi ấy lại làm mềm không gian của một khu phố Pháp đậm chất phương Tây với những tuyến đường thẳng, vỉa hè rộng được bố trí theo kiểu bàn cờ.

Bởi thế, ngoài vấn đề giải quyết "biển quảng cáo" tại hồ Gươm, sự kiên quyết xóa bỏ "đồng hồ đếm ngược" của Hà Nội còn mang đến một điều tích cực khác. Nó giúp chúng ta giải quyết hệ quả về cảnh quan từ nhiều năm trước của một quyết định dù không hẳn là sai, nhưng có cả hai mặt tích cực và tiêu cực song hành.

Vẫn biết, trong mọi lựa chọn, chúng ta khó có thể đạt tới sự hoàn hảo như mong muốn. Nhưng, ở một không gian đặc biệt nhạy cảm như Hồ Gươm, rõ ràng, những yếu tố mang màu sắc hiện đại như màn hình LED thì không nên (và lẽ ra không thể) chen chân vào.

Hà Nội: Yêu cầu tháo dỡ đồng hồ đếm ngược ra khỏi di tích đền Bà Kiệu

Hà Nội: Yêu cầu tháo dỡ đồng hồ đếm ngược ra khỏi di tích đền Bà Kiệu

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: Sở phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, hoàn thành việc tháo dỡ, giải tỏa màn hình LED trong tháng 1/2018.

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm