Truyền hình thực tế thêm chiêu trò mới: Sao Hỏa cũng thành mồi câu khách

04/01/2014 12:29 GMT+7 | Truyền hình thực tế


(Thethaovanhoa.vn) - Hãng Mars One vừa gây chú ý khi thiết lập một chương trình truyền hình thực tế dạng như Big Brother (phiên bản Việt là Người giấu mặt) để ghi lại toàn bộ quá trình tuyển chọn từ 1.508 ứng cử viên ra 4 người sẽ lên sống trên sao Hỏa.

Theo Telegraph, đây là chuyến du hành một chiều, nếu có thể, sẽ diễn ra vào năm 2025. Chương trình sẽ kéo dài khoảng 8 năm.


Sau một năm đầy biến động, gặp chỉ trích không ít từ truyền thông, truyền hình thực tế có vẻ như vẫn có sức hút, và vẫn đang thay đổi để giữ được sức hút đó.


92 tuổi lên sao Hỏa, tại sao không?


Theo Telegraph, tháng 4 năm ngoái, Mars One đã mở cuộc tuyển chọn quy mô lớn, với 200.000 người đăng ký làm ứng cử viên lên sao Hỏa. Sau cuộc tuyển này, 1.508 người nói trên đã được chọn. Họ sẽ thi với nhau để chọn ra 40 người, rồi từ 40 người chọn ra 4 người chiến thắng cuối cùng.


1.508 ứng viên lên sao Hỏa đến từ 107 quốc gia, nhiều nhất là Mỹ. Độ tuổi cao nhất của ứng viên là 81, giới tính nữ. Vào năm 2025, nếu có thể tham gia chuyến đi, ứng viên này sẽ 92 tuổi. Nếu vậy, bà có thể là người chơi cao tuổi nhất, được khán giả yêu thích nhất trong chương trình.


Mô hình của Mars One về khu định cư của con người trên sao Hỏa vào năm 2025.

Ban tổ chức không đặt ra những tiêu chí cụ thể, chỉ yêu cầu “linh hoạt, dễ thích nghi, tò mò, sáng tạo và tháo vát”. Kết quả là có người còn chứng tỏ “năng lực” bằng cách tự quay lại hình ảnh bản thân trong trạng thái khỏa thân để gửi cho ban tổ chức.


Theo Mars One, những ứng cử viên như vậy gây ấn tượng vì họ không nghiêm trọng hóa vấn đề và hoàn toàn thoải mái với cuộc đua tranh có vẻ như sẽ rất khắc nghiệt này.


Dự kiến, khi 1.508 ứng viên tham gia các cuộc tuyển chọn tiếp theo (gồm các bài kiểm tra, sát hạch), quá trình này sẽ được thực hiện như một chương trình truyền hình thực tế. Khán giả sẽ có quyền bình bầu để chọn ra những người cuối cùng được lên sao Hỏa.


Đại chúng hóa công cuộc khám phá vũ trụ


Nghịch cảnh có thể khiến cho con người trở nên thông minh, dù không thể làm cho con người trở nên giàu có.

Với sự giúp đỡ của các nhà khoa học vũ trụ từ 2 trung tâm khác, hãng Mars One dự định trong năm 2018 sẽ đưa tàu thăm dò không người lái đổ bộ xuống sao Hỏa, gây dựng cơ sở ban đầu cho nơi sinh sống của loài người sau này.


Dự kiến hãng sẽ cần đến 6,6 tỷ USD cho dự án này. Hãng đang tiến hành gây quỹ, kêu gọi tài trợ thông qua trang web riêng, đồng thời bán đồ lưu niệm để kiếm tiền. Song hành động của hãng đã nhanh chóng vấp phải sự chỉ trích. Trang Telegraph chế giễu: “Họ sẽ phải bán những cốc cà phê đen giá 14 USD, áo phông có mũ giá 50 USD và những miếng sticker lưu niệm 9 USD để mua vài quả tên lửa”.


Paul Römer, đồng sáng lập và là nhà sản xuất đầu tiên cả các chương trình truyền hình thực tế như The Big Donor ShowBig Brother, đã được mời làm đại sứ của dự án sao Hỏa này. Giám đốc dự án là Bas Lansdorp cho biết: “Chúng tôi đang đàm phán với một hãng phim lớn về toàn bộ những vấn đề liên quan đến bản quyền truyền hình và điện ảnh của chương trình”.


Cũng theo Lansdrop, một nhà khoa học và là nhân vật chủ chốt của dự án, biến việc lên sao Hỏa thành một cuộc thi dành cho cộng đồng là một chủ ý của nhà tổ chức. Mars One muốn chứng tỏ rằng lên sao Hỏa không phải là quyền dành riêng cho các phi hành gia chuyên nghiệp.


“Qua chương trình thực tế, hình ảnh trực tiếp truyền từ máy quay sẽ khiến sao Hỏa trở nên gần gũi hơn bao giờ hết với con người trên Trái đất” - Lansdrop nói với Independent - “Đưa những con người đầu tiên lên sống ở sao Hỏa nên là nhiệm vụ của tất cả mọi người, không chỉ là của một quốc gia hay tổ chức nào. Nhiệm vụ của chúng tôi, bắt đầu vào năm 2018, sẽ thay đổi cách nhìn của con người về việc khám phá vũ trụ. Mọi người sẽ hiểu rằng họ có thể tham gia, trở thành một phần của công việc đó. Họ không chỉ là khán giả, mà có thể là người chơi”.


Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm